Năm nay, cả nước có 1.015.000 thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT, nhiều hơn năm ngoái 100.000. Sự gia tăng mạnh này được cho năm Quý Mùi 2003 là năm đẹp để sinh con. Tuy nhiên, những ngày tháng cuối cấp của lứa "dê vàng" lại không thực sự đẹp như mong đợi của nhiều phụ huynh.
Do ảnh hưởng của Covid-19 từ đầu năm 2020, học sinh lứa 2003 đã trải qua 3-4 đợt học online kéo dài nhiều tháng. Nếu cộng dồn, số tháng học online ở một số địa phương còn nhiều hơn cả một học kỳ. Việc học online ngày càng hiệu quả nhờ kinh nghiệm, hành lang pháp lý và nhiều yếu tố khác, nhưng không thể bằng học trực tiếp, thậm chí nhiều giáo viên, học sinh đánh giá không được 50%.
Học online cũng ảnh huởng đến quá trình ôn thi tốt nghiệp THPT của thí sinh, dù Bộ Giáo dục và Đào tạo đã giảm tải nội dung. Ở giai đoạn nước rút, sau kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5, học sinh nhiều tỉnh thành phía bắc phải học online do dịch bùng phát. Thí sinh lo lắng không biết có được thi đúng ngày 7-8/7 như thông báo của Bộ. Đa số không muốn thi muộn hơn bởi sẽ kéo thêm áp lực.

Học sinh ở TP HCM học online trong đợt bùng phát dịch ngay sau Tết Nguyên đán. Ảnh: Lê Nam.
Tại Bắc Giang và Bắc Ninh, nơi dịch căng thẳng nhất trong tháng 5, nhiều giáo viên, học sinh lớp 12 đã phải ôn thi trong khu cách ly tập trung, có em là F0. Lãnh đạo tỉnh đã đề xuất tổ chức thi tốt nghiệp THPT làm hai đợt trong cuộc họp trực tuyến với Bộ Giáo dục và Đào tạo vào cuối tháng 5. Khi đó, Bộ nhấn mạnh "tinh thần vẫn tổ chức kỳ thi vào ngày 7-8/7 cho tất cả thí sinh".
Phải đến ngày 17/6, Bộ Giáo dục và Đào tạo mới chốt phương án tổ chức kỳ thi thành hai đợt và gửi kế hoạch đến các địa phương. Theo đó, thí sinh ở nơi bị phong tỏa, đang thực hiện cách ly xã hội hoặc thuộc diện F0, F1, F2 sẽ không dự thi đợt 1 vào ngày 7-8/7.
Lúc này, dịch ở Bắc Giang, Bắc Ninh đã được kiểm soát tốt, số thí sinh lớp 12 thuộc diện phải thi đợt 2 ngày càng giảm. Thế nhưng, tại TP HCM, dịch bắt đầu bùng phát mạnh. Nhiều phụ huynh, chuyên gia giáo dục đã nghĩ đến phương án hoãn kỳ thi tốt nghiệp THPT tại thành phố, có người đề xuất bỏ kỳ thi năm nay, xin cơ chế xét công nhận tốt nghiệp.
Ngày 22/6, trong thông báo hướng dẫn tổ chức thi, Sở Giáo dục và Đào TP HCM đưa ra phương án thi đợt 1 (ngày 7-8/7), đúng theo kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Những thí sinh bị ảnh hưởng bởi dịch sẽ chuyển sang thi đợt 2. Đồng thời, Sở cũng tính đến khả năng toàn bộ 89.200 thí sinh ở TP HCM thi đợt 2.
Một tuần sau, UBND TP HCM dự kiến họp và chốt phương án thi tốt nghiệp THPT theo đề xuất của Sở Giáo dục và Đào tạo, tuy nhiên quyết định cuối cùng vẫn không được đưa ra. Lãnh đạo thành phố yêu cầu Sở lấy ý kiến phụ huynh về phương án. Chiều cùng ngày, một bảng phiếu khảo sát được phát đến toàn bộ phụ huynh thông qua hệ thống liên lạc của trường, lớp.
Khoảng 80.000 người (chiếm 90% số thí sinh) cho ý kiến sau đó. Trong đó, hơn 29% yên tâm và đồng ý cho con thi đợt 1; hơn 33% không yên tâm nhưng vẫn đồng ý, còn lại hơn 36% không yên tâm và không đồng ý cho con thi đợt 1.
Nếu lấy tiêu chí "đồng ý cho con thi đợt 1", có hơn 60% phụ huynh cùng quyết định; còn nếu lấy tiêu chí "không yên tâm khi con thi đợt 1", gần 70% phụ huynh cùng tâm trạng. Cha mẹ ngổn ngang nỗi lo, song phần lớn thí sinh khi được hỏi lại muốn được thi sớm, bởi càng chờ đợi càng thêm mệt mỏi.

Thí sinh thi tốt nghiệp THPT năm nay tại TP HCM đi lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 sáng 3/7. Ảnh: Hữu Khoa.
Chiều 1/7, tức trước kỳ thi tốt nghiệp THPT đúng 6 ngày, UBND TP HCM quyết định vẫn tổ chức thi đợt 1. Lúc này, TP HCM ghi nhận hơn 3.600 ca Covid-19, nhiều thứ hai cả nước, sau Bắc Giang. "Kỳ thi THPT năm nay gặp khó khăn do dịch bệnh. Để đưa ra quyết định này thật sự không dễ dàng, chúng tôi đã rà soát, đánh giá tình hình từng ngày, phân tích nhu cầu của phụ huynh và thí sinh", Phó chủ tịch UBND TP HCM Dương Anh Đức nói trong buổi công bố kế hoạch thi.
Một ngày sau, kế hoạch xét nghiệm Covid-19 cho toàn bộ thí sinh được triển khai tại 155 điểm lấy mẫu. Ngành y tế ngưng lấy mẫu tầm soát diện rộng trong ngày 3/7 để tập trung lấy mẫu xét nghiệm phục vụ kỳ thi tốt nghiệp. Cùng lúc này, 155 điểm thi tốt nghiệp THPT cấp tập triển khai nốt các công việc chuẩn bị cho kỳ thi, ưu tiên siết chặt các biện pháp chống dịch.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc phụ trách Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM, chia sẻ sự lo lắng, nỗi trăn trở của cha mẹ khi con em thi trong bối cảnh này. Tuy nhiên, với hàng loạt biện pháp phòng chống dịch tại điểm thi cùng kế hoạch chống dịch chung của thành phố, Ban chỉ đạo kỳ thi kêu gọi phụ huynh và thí sinh "yên tâm, tin tưởng và đồng hành".
Không chỉ TP HCM, nhiều tỉnh, thành phía nam cũng phải quyết định cho hàng nghìn học sinh ở các địa phương dịch đang căng thẳng thi đợt 2, chẳng hạn Đồng Tháp, Bình Định. Một số nơi khác phải thay đổi kế hoạch tổ chức kỳ thi trên tinh thần thí sinh ở đâu thi ở đó, đảm bảo an toàn tuyệt đối.
Nhờ đã có kinh nghiệm tổ chức thi hai đợt từ năm ngoái, Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định sẽ cân bằng mọi khâu tổ chức giữa hai đợt nhằm đảm bảo quyền lợi cho thí sinh. Vụ Giáo dục đại học cũng đã đề xuất với lãnh đạo Bộ xét tuyển sinh đại học, cao đẳng sư phạm năm 2021 bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT trong một lần, sau hai đợt thi để đảm bảo công bằng cho thí sinh, giúp các trường không phải tính toán để dành chỉ tiêu xét tuyển đợt 2.
Trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn khiến hai đợt thi tốt nghiệp THPT cách nhau quá xa, Bộ sẽ có các chỉ đạo tiếp theo. "Mọi phương án sẽ được Bộ cân nhắc, mục tiêu cuối cùng là đảm bảo quyền lợi của thí sinh, an toàn phòng, chống dịch bệnh, nhưng không ảnh hưởng tới chất lượng tuyển sinh", bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Giáo dục đại học, nhấn mạnh.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong 1.015.000 thí sinh dự thi, số vừa xét tốt nghiệp, vừa xét tuyển đại học gần 759.000. Chỉ tiêu tuyển sinh dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT chiếm 55% và xét tuyển bằng hình thức khác chiếm 45%.
Chiều 6/7, thí sinh thi đợt 1 sẽ làm thủ tục dự thi. Hàng triệu gia đình, đặc biệt ở 54 tỉnh, thành có dịch, hồi hộp mong cho kỳ thi diễn ra an toàn.

Dương Tâm - Mạnh Tùng