Chiều 28/6, phiếu khảo sát lấy ý kiến phụ huynh được Sở Giáo dục và Đào tạo phát đi với 3 lựa chọn: yên tâm và đồng ý cho con thi tốt nghiệp THPT năm 2021 đợt 1; không yên tâm nhưng vẫn đồng ý; không yên tâm và không đồng ý.
Động thái này được đưa ra để Sở có cơ sở xem xét toàn diện khi quyết định tổ chức thi tốt nghiệp THPT, tránh gây tâm lý hoang mang, lo lắng, ảnh hưởng đến kết quả thi của thí sinh.
Các trường có thể lấy ý kiến phụ huynh hoặc người giám hộ học sinh qua các nhóm của lớp học, Google Form rồi tổng hợp, báo cáo Sở.
Sáng cùng ngày, UBND TP HCM họp Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19, thống nhất sẽ quyết định phương án thi tốt nghiệp THPT vào ngày 30/6 - ngày cuối thực hiện giãn cách xã hội toàn thành phố.
Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, thành phố yêu cầu các ngành liên quan xây dựng cụ thể phương án tổ chức xét nghiệm, sàng lọc cho tất cả thí sinh, cán bộ, giáo viên và nhân viên coi thi tại 155 điểm thi (hơn 104.000 người) nếu thi đợt 1 như đơn vị đã đề xuất. Trong tuần này, Sở tập huấn tổ chức thi cho các trưởng điểm thi và nghiệp vụ thanh tra.
Theo hiệu trưởng các trường THPT, công tác chuẩn bị thi đang hoàn tất theo kế hoạch thi đợt 1 (ngày 7 và 8/7). Những thí sinh ở nơi bị phong toả hoặc thực hiện cách ly xã hội, nhóm F0-F2 sẽ dự thi tốt nghiệp đợt 2 (lịch được thông báo sau).
Để giúp ngành giáo dục rà soát thí sinh ở nơi bị phong toả, thuộc nhóm F0-F1, giáo viên chủ nhiệm sẽ liên lạc với học sinh hằng ngày để cập nhật thông tin. Khi có kế hoạch xét nghiệm cho thí sinh, các trường sẽ triển khai thông tin đến các em, hỗ trợ nhân sự điều phối, giúp ngành y tế lấy mẫu.
TP HCM đã huy động hơn 15.800 người để phục vụ kỳ thi; trong đó 400 nguời là thanh tra thi; cán bộ chấm thi là hơn 1.700; cán bộ chấm phúc khảo 1.000 người.
Nếu UBND TP HCM chốt thi đợt 1, ngày 2/7 (tức 5 ngày trước kỳ thi) sẽ diễn ra buổi tổng dợt phương án thi an toàn. Sở Y tế hỗ trợ nhân sự để lấy xét nghiệm toàn bộ cán bộ, giáo viên, nhân viên và thí sinh; trưởng điểm thi triển khai phương án thi an toàn gồm: phân luồng, đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn, hướng dẫn học sinh giãn cách ra vào điểm thi...
Mỗi điểm thi có từ 20 đến 35 phòng với 380-800 thí sinh; không quá 130 cán bộ, giáo viên và nhân viên coi thi. Mỗi điểm có ít nhất 2 phòng thi dự phòng cho các em có dấu hiệu bệnh, ho, sốt; mỗi quận huyện, TP Thủ Đức sẽ có 1-3 điểm thi dự phòng.
Phòng thi không quá 24 thí sinh, không sử dụng máy lạnh. Mỗi điểm thi phân ít nhất 4 luồng để đo thân nhiệt thí sinh theo phòng thi; thí sinh ra về ngay sau khi thi, không tụ tập.
Về công tác an ninh, Công an TP HCM sẽ cử 2 công an làm việc trong mỗi điểm thi, 2 công an bảo vệ trật tự bên ngoài. Ngoài ra, mỗi điểm thi sẽ có thêm ít nhất 6 nhân sự là công an phường, xã, dân phòng, bảo vệ khu phố hướng dẫn phân luồng, đảm bảo giãn cách, tránh tụ tập đông người.
Hiện, TP HCM ghi nhận hơn 3.200 ca Covid-19, nhiều thứ hai cả nước, sau Bắc Giang. Một tuần trước, các giáo viên, phụ huynh và thí sinh bày tỏ sự lo ngại khi kỳ thi diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, khó lường. Tuy nhiên, lãnh đạo TP HCM đặt quyết tâm để kỳ thi "diễn ra an toàn tuyệt đối".