Theo Nghị quyết, thành phố Cần Thơ được hưởng 6 cơ chế, chính sách đặc thù.
Thứ nhất, thành phố được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính và tổ chức khác trong nước, từ nguồn nước ngoài của Chính phủ vay về cho thành phố vay lại với tổng mức dư nợ không vượt quá 60% số thu ngân sách của địa phương được hưởng. Tổng mức vay và bội chi ngân sách thành phố hằng năm do Quốc hội quyết định.
HĐND TP Cần Thơ quyết định áp dụng phí, lệ phí chưa được quy định trong Luật Phí và lệ phí; điều chỉnh mức hoặc tỷ lệ thu phí, lệ phí đã được cấp có thẩm quyền quyết định đối với các loại phí, lệ phí có trong luật, trừ án phí, lệ phí tòa án.
Ngân sách thành phố được hưởng 100% số thu tăng thêm từ các khoản thu do việc điều chỉnh chính sách phí, lệ phí.
Thứ hai, HĐND thành phố được quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ 2 vụ trở lên với quy mô dưới 500 ha theo ủy quyền của Thủ tướng.
Việc quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa phải thực hiện công khai, lấy ý kiến người dân, người chịu tác động.
Thứ ba, trên cơ sở đồ án quy hoạch xây dựng khu chức năng, quy hoạch đô thị đã được phê duyệt, Thủ tướng quyết định việc phân cấp cho UBND thành phố phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng; quy hoạch chung đô thị.
Thứ tư, sau khi ngân sách thành phố đảm bảo đủ nguồn thực hiện cải cách tiền lương, chính sách an sinh xã hội, HĐND thành phố được quyết định dùng nguồn còn dư để chi thu nhập bình quân tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức.
Mức chi tăng thêm này dựa trên hiệu quả công việc và không quá 0,8 lần mức lương ngạch bậc, chức vụ hoặc mức lương theo vị trí việc làm, chức danh, chức vụ lãnh đạo. Mức thu nhập cho các chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt do HĐND thành phố quy định. Việc chi thu nhập tăng thêm chỉ thực hiện khi thành phố tự cân đối được ngân sách.
Thứ năm, thành phố được thực hiện dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - Cần Thơ theo phương thức xã hội hóa, đảo đảm chuẩn tắc luồng hàng hải cho tàu có trọng tải từ 10.000 tấn trở lên ra vào; dự án có quy mô vốn từ 500 tỷ đồng trở lên được áp dụng hình thức ưu đãi.
Thứ sáu, Thủ tướng sẽ lập Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long tại Cần Thơ. Các doanh nghiệp có dự án đầu tư tại Trung tâm được hưởng chế độ ưu tiên về thủ tục hải quan và thuế, nếu đáp ứng một số điều kiện.
Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ 1/3 và thực hiện trong 5 năm.
Phát biểu sau khi Nghị quyết được Quốc hội thông qua, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường cho hay các chính sách trên sẽ tạo các động lực giúp thành phố phát triển, phát huy vai trò trung tâm vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Đồng thời, Nghị quyết tạo nguồn lực cho thành phố đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng quan trọng, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, nhất là phát triển nhanh đô thị, hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại kết nối các vùng, miền.
"Chúng tôi sẽ cụ thể hóa các cơ chế, chính sách đặc thù này bằng những chương trình, kế hoạch, đề án cụ thể...", ông Trường nói.
TP Cần Thơ rộng hơn 1.400 km2, gồm 9 quận, huyện với hơn 1,2 triệu dân. Giai đoạn 2015-2020, thành phố đạt mức tăng trưởng kinh tế bình quân 7,53% mỗi năm, thu nhập bình quân đầu người đạt 97,2 triệu đồng (khoảng 4.136 USD). Tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2015-2020 đạt hơn 280.000 tỷ đồng.
Giai đoạn 2020-2025, Cần Thơ phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 7,5 - 8% và 2025 - 2030 tăng bình quân 8-8,5%/năm. Thu nhập bình quân đầu người năm 2025 đạt 140 triệu đồng và trên 200 triệu đồng vào năm 2030...
Hoàng Thuỳ - Viết Tuân - Cửu Long