Chiều nay (11/1), Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ. Đây là địa phương thứ 8 trong số 63 tỉnh, thành sẽ được trao cơ chế đặc thù. VnExpress phỏng vấn đại biểu Trương Trọng Nghĩa, Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP HCM, xung quanh vấn đề này.
- Ông đánh giá thế nào về việc áp dụng chính sách đặc thù cho các địa phương thời gian qua?
- Cơ chế, chính sách đặc thù tạo điều kiện cho địa phương phát triển không phải vấn đề mới; hiện áp dụng đối với 7 tỉnh, thành gồm TP HCM, Đà Nẵng, Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế. Nếu Quốc hội đồng ý thì sắp tới sẽ có thêm Cần Thơ.
Theo các Nghị quyết của Quốc hội, 8 tỉnh, thành phố nêu trên được phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn, chủ động và linh hoạt quyết định các vấn đề liên quan về nguồn lực đất đai, tài chính, con người... để phát huy thế mạnh của địa phương, phát triển kinh tế xã hội. Qua sơ kết ban đầu, các cơ chế này đã và đang phát huy tác dụng tích cực, tạo tiền đề để địa phương phát triển, góp phần tăng thu ngân sách nhà nước, tạo tác động lan tỏa. Tôi đơn cử, do cơ chế đặc thù, TP HCM có thẩm quyền rộng hơn trong công tác tổ chức, cán bộ. Do đó, TP đã sắp xếp các phòng ban hợp lý, phù hợp hơn với nhu cầu của TP, đồng thời có chính sách để tăng thêm thu nhập cho cán bộ, công chức, nghĩa là có điều kiện hơn giữ chân hay thu hút người tài.
Không chỉ ở Việt Nam, cơ chế, chính sách đặc thù cũng đã được các nước phát triển áp dụng cho những đô thị đặc biệt. Như ở Mỹ, hay châu Âu, thủ đô hoặc một số siêu đô thị đều được trao một số quyền tự quản nhất định trong tài chính, ngân sách, nhân sự, điều phối tài nguyên, khác với các địa phương còn lại.
- Ngoài 8 tỉnh, thành trên, có thể còn nhiều địa phương khác muốn được hưởng cơ chế đặc thù. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
- Việt Nam có 63 tỉnh, thành, nếu bắt tất cả "mặc một chiếc áo cùng kích cỡ" thì không phù hợp. Vì vậy, ở giai đoạn hiện nay, việc Quốc hội xem xét, cân nhắc, trao một số cơ chế, chính sách đặc thù cho các đô thị đặc biệt, hay các đô thị loại 1 là điều hợp lý.
Nếu các địa phương thực sự cần và nếu cơ chế, chính sách đặc thù giúp tỉnh, thành đó giải quyết được những hạn chế, bất cập tồn tại nhiều năm, đồng thời tạo sức bật, đột phá ở những thế mạnh chưa được khai thác đúng tầm, đúng tiềm năng..., thì chúng ta rất nên xem xét.
Tuy nhiên, về lâu dài cơ chế đặc thù không phải để giải quyết từng đặc điểm riêng biệt của mỗi địa phương. Vì Việt Nam có 63 tỉnh, thành thì có từng ấy đặc điểm không giống nhau. Luật pháp không thể "chạy" theo các đặc điểm này mà phải xuất phát từ lợi ích tối ưu của toàn xã hội và định hướng cho tương lai.
Hiện nay do thể chế chúng ta không theo kịp sự phát triển của cuộc sống, nên cần thí điểm cơ chế đặc thù cho một số địa phương, sau đó sẽ sơ kết, tổng kết để ban hành thành chính sách chung.
- Nghĩa là chính sách đặc thù cho một số địa phương hiện nay nên trở thành "cơ chế mở" trong gian đoạn tới?
- Một trong những lý do có cơ chế đặc thù vì quy định chung hiện nay đang bình quân chủ nghĩa, cản trở sự phát triển của một số địa phương, nhất là đô thị đặc biệt. Ví dụ như dân số phường, xã ở các tỉnh chỉ bằng một phần nhỏ dân số phường, xã của TP HCM, nhưng nhiều cơ chế, chính sách lại giống nhau. Hay các sở, ngành, công an, tòa án cấp thành phố ở TP HCM có số lượng công việc gấp hàng chục, thậm chí hàng trăm lần tỉnh thành khác, nhưng các chính sách, chế độ thì như nhau. Đây là điều không hợp lý.
Sau 4 năm TP HCM thực hiện thí điểm chính sách đặc thù, tôi thấy có một số cơ chế nên mở ra cho các tỉnh thành trên cả nước. Chẳng hạn bộ máy tổ chức, số lượng các phòng ban, nên giao cho các địa phương thẩm quyền điều tiết dựa trên quy định chung về bộ khung và tiêu chí. Bộ máy phòng, ban ở Sơn La, Đăk Lăk, Cà Mau... không nhất định phải giống nhau về số lượng, thậm chí nội dung hoạt động. Ví dụ: phòng Tài nguyên môi trường ở một quận của đô thị loại I có nội dung và yêu cầu hoạt động rất khác các phòng Tài nguyên môi trường ở một huyện thuộc tỉnh miền núi phía Bắc hay ở vùng sâu Đồng bằng sông Cửu Long. Nhưng mỗi nơi đó đều phải có một phòng Tài nguyên môi trường, đều phải tuân thủ pháp luật bảo vệ môi trường.
Theo tôi, cần nghiên cứu những chính sách nào qua thí điểm thấy mang lại hiệu quả, thì có thể xem xét sửa luật để áp dụng chung. Qua đó, một loạt cơ chế sẽ không còn là đặc thù nữa. Các tỉnh cũng sẽ không còn thắc mắc, không tìm cách xin đặc thù. Và cơ chế đặc thù lúc này chủ yếu chỉ dành cho những đô thị đặc biệt mà thôi. Nếu pháp luật cho phép đặc thù tràn lan thì nhà nước không còn quản lý xã hội bằng pháp luật nữa mà là bằng chính sách, chủ trương. Điều này không phù hợp với nguyên tắc nhà nước pháp quyền.
- Có ý kiến cho rằng Quốc hội nên ban hành cơ chế đặc thù cho các vùng kinh tế trọng điểm thay vì từng địa phương đơn lẻ. Ông nghĩ sao?
- Hiện nay, cả nước có bốn vùng kinh tế trọng điểm, gồm vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long; với tổng số 24 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đây là các vùng động lực làm đầu tàu kéo theo sự phát triển của các tỉnh, thành trên cả nước.
Nghị quyết Đảng đã yêu cầu đẩy mạnh liên kết vùng, khắc phục tình trạng cát cứ hay chia cắt địa lý trong phát triển kinh tế. Ví dụ, thay vì điều phối nguồn lực, tài nguyên để xây dựng hạ tầng kỹ thuật, thực hiện các dự án đầu tư, môi trường hay năng lượng chung cho một số tỉnh thành lân cận thì mỗi tỉnh lại quy hoạch riêng cho mình, gây lãng phí, kém hiệu quả.
Đây là chủ trương có từ lâu, nhưng thực hiện rất chậm, hầu như chưa có vùng nào đạt được cơ chế hợp tác liên vùng thực sự. Cho nên Chính phủ và địa phương phải đẩy mạnh liên kết vùng một cách thực chất. Khi liên kết vùng đã hình thành, đi vào cuộc sống thì mới đặt vấn đề cơ chế đặc thù cho mỗi vùng.
- Quốc hội sẽ giám sát thế nào để kiểm soát hiệu quả việc trao cơ chế, chính sách đặc thù cho các địa phương?
- Kiểm tra, giám sát là công việc thường xuyên của các cơ quan thuộc Quốc hội và mỗi vị đại biểu. Cơ quan chức năng của Chính phủ, địa phương cũng phải theo dõi sát việc thực hiện chính sách. Ví dụ cho cơ chế đặc thù về đất đai, Bộ Tài nguyên Môi trường, Ủy ban Khoa học Công nghệ Môi trường của Quốc hội phải giám sát để xem nghị quyết có được thực hiện đúng không.
Bên cạnh đó, trong các Nghị quyết của Quốc hội cũng đều nêu rõ, khi tạo cơ chế, chính sách đặc thù, giao thêm quyền cho địa phương nào thì nơi đó phải đạt được chỉ tiêu, mục tiêu rõ ràng để sau này đánh giá kết quả thực hiện.
Để các chính sách có hiệu quả rõ ràng hơn, tôi đề nghị Quốc hội có thêm quy định về trách nhiệm người đứng đầu. Việc trao cơ chế đặc thù không chỉ giúp khơi thông nguồn lực cho địa phương, mà còn là thách thức đối với những người đứng đầu có năng lực, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Xin được mà làm không tốt thì phải chịu trách nhiệm.