Chiều 7/1, Quốc hội cho ý kiến dự thảo Nghị quyết một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ. Trong số các chính sách này, nhiều cơ chế đã được Quốc hội cho phép một số địa phương khác thực hiện, như: Điều chỉnh mức dư nợ vay; phí và lệ phí; quản lý đất đai; thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức...
Hai chính sách mới đề xuất riêng cho Cần Thơ là nạo vét và kết hợp thu hồi các sản phẩm luồng hàng hải Định An - Cần Thơ; xây dựng một trung tâm liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Bà Tạ Thị Yên - Phó trưởng ban Công tác đại biểu, nêu vấn đề những chính sách đặc thù đã được trao cho một số thành phố thí điểm trước đó, tuy nhiên trong tờ trình của Chính phủ lần này lại không có số liệu hay báo cáo sơ kết hiệu quả đến đâu.
Nữ đại biểu cho rằng, với 7 tỉnh, thành đã được phép thực hiện thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù (Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế), tới đây thêm thành phố Cần Thơ là 8, chiếm 12,6% tổng số địa phương trong cả nước.
"Vậy không biết khi nào những chính sách đặc thù này sẽ được áp dụng cho các địa phương khác, theo hướng tương thích với những đặc điểm riêng có, phát huy lợi thế về vị trí địa lý, tiềm năng kinh tế, nguồn lực con người của từng tỉnh. Chính phủ có dự liệu một lộ trình cho việc này hay không?", bà Yên đặt câu hỏi.
Đại biểu đến từ TP Cần Thơ, ông Đào Chí Nghĩa cho hay việc Chính phủ trình Quốc hội ban hành nghị quyết nêu trên là cụ thể hóa về mặt thể chế, thực hiện Nghị quyết số 59 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Qua đó, đưa Cần Thơ trở thành thành phố trung tâm của vùng, tạo cực tăng trưởng và giúp giải quyết các điểm nghẽn trong giao thông vận tải thủy...
Điều này thể hiện qua việc ưu đãi đầu tư cho các dự án xã hội hóa hoạt động nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - Cần Thơ, cảng hàng hải Cái Cui, khai thông dòng phương tiện vận tải thủy cho tàu 10.000 tấn trở lên có thể ra vào Cần Thơ thông qua luồng Định An. "Việc này giải quyết điểm nghẽn về tàu có tải trọng lớn không ra vào được các cảng dọc sông Hậu để vận chuyển hàng hóa trong nước và xuất khẩu", ông Nghĩa nói.
Bên cạnh đó, với việc thành lập trung tâm liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long tại Cần Thơ, các dự án thuộc lĩnh vực này sẽ được ưu đãi, khắc phục điểm yếu hiện nay trong chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp.
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng nhấn mạnh, cơ chế, chính sách đặc thù đối với Cần Thơ không chỉ cho riêng thành phố mà còn có ý nghĩa đối với phát triển kinh tế của toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long. Từ những ưu đãi nói trên sẽ tạo ra các cực tăng trưởng, kích hoạt các khu vực liên quan phát triển.
Đại biểu Trần Thị Hoa Ry, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, góp ý, dự thảo nghị quyết cần quan tâm đến ưu tiên nguồn lực kết nối phát triển giữa Cần Thơ với các tỉnh trong khu vực. Theo bà, nền kinh tế của đồng bằng sông Cửu Long hiện nay đang hoạt động riêng lẻ theo từng tỉnh, "kinh tế vùng vẫn còn chờ đợi ở thì tương lai".
Theo chương trình, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ vào chiều 11/1.