Kế hoạch tài chính cá nhân luôn phải cân bằng giữa hiện tại và tương lai. Nếu có quá nhiều người không đợi được tương lai thì nên cho họ lựa chọn sống cho hiện tại. Nếu muốn khuyến khích họ giữ quỹ hưu thì hãy thêm các lựa chọn:
1. Vay từ sổ BHXH của họ lãi suất thấp hơn vay ngân hàng, nếu họ trả không nổi thì mất sổ, cũng như rút một lần vậy thôi, BHXH không mất gì.
2. Tương tự như vay, nhưng cho phép họ rút ra rồi nộp lại, như vậy họ khỏi trả lãi hàng tháng, nhưng không mất số năm. Ví dụ: Nếu hoàn cảnh bỗng nhiên quá khổ, họ rút số tiền đã đóng trong 19 năm được 380 triệu đồng. 5 năm sau có tiền họ nộp lại số 380 triệu đồng đó x hệ số trượt giá của BHXH, cộng với một số tiền phạt nho nhỏ vài phần trăm, và lấy lại được 19 năm đóng. Cơ quan BHXH cũng chẳng mất gì.
3. Cho người từ 55 tuổi lĩnh lương hưu sớm, nhưng giảm phần trăm (áp dụng tới khi chết chứ không phải chỉ 62 tuổi). Ví dụ: Người 62 tuổi, đã đóng BHXH 20 năm được lãnh 45%, thì từ 55 tuổi cho họ lãnh 30% thôi. Bù lại là cho phép những người lãnh sau 62 tuổi được nhận tới 50%.
Nói chung là cơ quan BHXH nắm mọi số liệu trong tay. Bao nhiêu người thuộc thành phần nào họ đều có thể tính ra. Nên mời chuyên gia nước ngoài tư vấn thêm nhiều công cụ, chính sách đáp ứng cho càng nhiều thành phần càng tốt.
Theo tôi biết thì nước càng phát triển chính sách xã hội càng phức tạp, ví dụ như Mỹ và Singapore. Kể cả Thái Lan cũng phức tạp hơn chúng ta.
Quan điểm của bạn thế nào?
Hữu Nghị tổng hợp
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.