Câu chuyện công nhân bán "lúa non" sổ Bảo hiểm xã hội (BHXH) không mới. Tình hình dịch Covid - 19 khiến đời sống của nhiều công nhân trở nên bấp bênh. Các nhà máy, công ty hoạt động cầm chừng hoặc phá sản khiến người lao động mất việc, không có đồng ra đồng vào, trong khi phí sinh hoạt vẫn phải trả.
Tôi thấy nhiều người vội chỉ trích họ "không biết tính đường dài", "bán sinh mệnh tuổi già"...nhưng không chịu thấu hiểu hoàn cảnh của họ đang ở mức cùng quẫn.
Tôi từng chứng kiến một cô công nhân thất nghiệp, ao ước có số vốn 5 triệu đồng để mở hàng khô, trứng vịt lộn bán mà còn phải hỏi vay tận hai người. Số tiền hàng tháng đã gửi về quê nên tiền tiết kiệm hầu như chẳng có. Xong, cô phải bán sổ bảo hiểm lấy tiền mua chiếc xe máy cho em trai mới vừa ra trường để có phương tiện đi lại.
Vậy nên, với nhiều người, dăm ba chục triệu chỉ là số tiền nhỏ, hoặc chí ít có thể xoay xở được. Nhưng với nhiều công nhân, đây là số tiền lớn phải tích góp khá lâu, thậm chí nếu cần đột xuất thì không thể xoay ra nổi. (Vì thế mới có nhiều trường hợp nhắm mắt đưa chân đi vay nóng bên ngoài, rồi cuộc đời tăm tối từ đó).
Việc bán sổ BHXH như một thứ ánh sáng le lói cuối đường hầm lúc này, bởi nếu muốn nhận BHXH một lần, thì phải chờ một năm, trong thời gian đó thì biết lấy tiền đâu lo cho bản thân, gia đình?
Ai cũng biết tuổi già cần lương hưu và cũng chẳng ai nỡ bán sổ BHXH hoặc nhận BHXH một lần cả. Nhưng với nhiều người, cần kíp tiền bạc ngay trước mắt để sinh nhai, để mua xe máy chạy giao hàng, làm vốn kinh doanh nhỏ duy trì cuộc sống gia đình khiến họ chọn hy sinh luôn cái "sinh mệnh tuổi già".
Vậy nên tôi nghĩ để người lao động có thể xoay được tiền trong lúc cùng quẫn, cơ quan chức năng có thể nghiên cứu với các ngân hàng chính sách xã hội tạo ra các gói vay ưu đãi, thế chấp bằng sổ BHXH. Một mặt, giải quyết nhu cầu tiền bạc trước mắt. Một mặt vẫn có thể bảo lưu được số năm đóng bảo hiểm của người lao động. Nếu có tiền thì họ tất toán với ngân hàng, lấy sổ ra và vẫn có thể đi làm công ty khác để được đóng BHXH.
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.