"Một số ít thủy thủ nhiễm nCoV vào mùa hè này", Jennifer Cragg, phát ngôn viên bộ tư lệnh Không quân Hải quân Đại Tây Dương, cho biết trong email ngày 30/7. "Tàu sân bay USS George H.W. Bush không trong trạng thái triển khai và không bị ảnh hưởng tới khả năng sẵn sàng chiến đấu".
Các thủy thủ dương tính với nCoV đang được cách ly tại nhà riêng ở bang Virginia, "được chăm sóc và hỗ trợ y tế hàng ngày cho tới khi hồi phục", Cragg cho biết, nhưng không tiết lộ số lượng cụ thể thủy thủ nhiễm Covid-19 cũng như thời điểm họ được xét nghiệm.
Tàu sân bay George H.W. Bush tới Nhà máy Đóng tàu Hải quân Norfolk, bang Virginia, hồi tháng 2/2019 và đang trong quá trình bảo trì 28 tháng.
"Thủy thủ đoàn tàu George H.W. Bush đang tích cực thực hiện giãn cách xã hội, giảm thiểu các cuộc tụ họp, mặc trang phục bảo hộ và khử trùng diện rộng", Cragg viết. "Nhà máy đóng tàu Norfolk kiểm tra thân nhiệt, sàng lọc toàn bộ nhân viên và đưa thủy thủ có triệu chứng tới kiểm tra y tế nếu được yêu cầu".
Dù hải quân Mỹ cung cấp thông tin chi tiết về các cụm dịch ở nhiều đơn vị cấp dưới, Lầu Năm Góc ra lệnh không tiết lộ chúng do lo ngại về an ninh.
George H.W. Bush là tàu sân bay tiếp theo của hải quân Mỹ bị Covid-19 tấn công, song cụm dịch này có thể không nghiêm trọng như trên chiến hạm USS Theodore Roosevelt.
Tàu sân bay Theodore Roosevelt hồi tháng 3 buộc phải đình chỉ nhiệm vụ, về quân cảng trên đảo Guam và ở lại đây hai tháng sau khi phát hiện thủy thủ nhiễm nCoV. Hơn 25% trong số khoảng 5.000 thủy thủ tàu Roosevelt sau đó được xét nghiệm dương tính với nCoV. Sau hai tháng nằm cảng, chiến hạm này ra khơi ngày 20/5 để làm nhiệm vụ đầu tiên tại Biển Philippines.
Ba tàu sân bay khác của hải quân Mỹ gồm Nimitz, Ronald Reagan, Carl Vinson cùng một số chiến hạm khác đã báo cáo thủy thủ thuộc biên chế nhiễm nCoV. Gần 1/4 thủy thủ đoàn khu trục hạm USS Kidd nhiễm virus. Một số thủy thủ trên tàu đổ bộ USS Carter Hall dương tính với nCoV sau đợt xét nghiệm hồi tháng 5, song giới chức hải quân Mỹ từ chối tiết lộ chi tiết.
Covid-19 bùng phát hồi tháng 12/2019, xuất hiện tại 213 quốc gia và vùng lãnh thổ với gần 17,5 triệu ca nhiễm, gần 677.000 ca tử vong và gần 11 triệu người đã bình phục. Mỹ là vùng dịch lớn nhất thế giới với hơn 4,6 triệu ca nhiễm và hơn 155.000 ca tử vong.
Hải quân Mỹ ghi nhận hơn 9.000 ca nhiễm nCoV gồm quân nhân, nhân viên dân sự, người phụ thuộc và các nhà thầu, trong đó 18 người đã chết, gồm một thủy thủ tàu Roosevelt, 13 nhân viên dân sự và 4 nhà thầu.
Nguyễn Tiến (Theo Navy Times)