Các thủy thủ này từng nhiễm nCoV không triệu chứng, được cách ly hai tuần tại đảo Guam, nơi tàu sân bay USS Theodore Roosevelt neo đậu sau khi bị đình chỉ nhiệm vụ, một quan chức Mỹ ngày 14/5 cho biết.
Sau hai lần nhận kết quả xét nghiệm âm tính, 5 thủy thủ được quay trở lại tàu. Tuy nhiên, khi được xét nghiệm lần nữa, các thủy thủ lại dương tính với virus và tiếp tục được sơ tán khỏi tàu sân bay Roosevelt.
Hải quân Mỹ chưa bình luận về các ca tái dương tính nCoV trên tàu sân bay này.
Tàu sân bay Roosevelt cùng gần 5.000 thủy thủ phải nằm cảng 6 tuần sau khi thủy thủ nhiễm nCoV. Hơn 1/5 thủy thủ đoàn, trong đó có cựu hạm trưởng Brett Crozier, dương tính với virus và phải cách ly, tàu Roosevelt được tẩy trùng toàn diện.
Các ca tái dương tính trên tàu Roosevelt cho thấy thách thức trong xét nghiệm và tính dai dẳng của virus. Lầu Năm Góc ghi nhận gần 8.300 ca nhiễm và 27 ca tử vong trong lực lượng quân đội, nhân viên dân sự cùng gia đình họ.
Tàu sân bay Roosevelt tới đảo Guam cuối tháng 3 và neo tại đây suốt tháng 4, trong lúc Lầu Năm Góc đối mặt với thách thức thật sự đầu tiên từ đại dịch. Cách xử lý lúng túng cụm dịch trên tàu Roosevelt đặt ra câu hỏi về mối đe dọa từ nCoV với khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội Mỹ.
Cụm dịch trên tàu Roosevelt gây ra cuộc hỗn loạn ở cấp cao nhất trong hải quân Mỹ. Hạm trưởng Crozier bị quyền Bộ trưởng Hải quân Thomas Modly cách chức vì bày tỏ quan ngại về dịch bệnh trên tàu. Modly sau đó bay tới tàu Roosevelt, gặp các thủy thủ và chê trách Crozier "ngây thơ, ngu ngốc". Phát ngôn này vấp phải làn sóng phản ứng dữ dội trong hải quân Mỹ, buộc Modly phải từ chức sau đó.
Một quan chức Lầu Năm Góc cho biết tàu Roosevelt đã được khử trùng thường xuyên, thủy thủ đoàn được tiếp tục xét nghiệm và chia thành các nhóm không tiếp xúc với nhau để ngăn một đợt bùng phát dịch mới.
Khoảng 2.900 thủy thủ đã quay lại tàu Theodore Roosevelt, họ đều đeo khẩu trang và duy trì cách biệt cộng đồng. "Đó là môi trường khác xa trước khi dịch bệnh xảy ra", quan chức Lầu Năm Góc nói.
Covid-19 khởi phát từ Trung Quốc vào tháng 12/2019, xuất hiện tại hơn 210 quốc gia và vùng lãnh thổ với hơn 4,5 triệu người nhiễm, hơn 303.000 người chết và hơn 1,7 triệu người đã hồi phục. Mỹ là vùng dịch lớn nhất thế giới với hơn 1,4 triệu ca nhiễm và gần 87.000 người chết.
Nguyễn Tiến (Theo AFP)