Đây là lần giao vaccine thứ tư, với số lượng lớn nhất từ trước đến nay, trong hợp đồng đặt mua 30 triệu liều giữa AstraZeneca và Công ty Cổ phần Vắc xin Việt Nam (VNVC).
Lô đầu tiên giao ngày 24/2 với 117.600 liều, đợt hai tối 25/5 với 287.600 liều, đợt ba 580.000 liều về ngày 9/7. Tổng cộng đến nay, AstraZeneca đã giao hơn 1,9 triệu liều vaccine trong hợp đồng này.
921.400 liều vaccine AstraZeneca trên sẽ được VNVC tiếp tục chuyển giao cho Bộ Y tế, theo nguyên tắc phi lợi nhuận (bằng giá mua không bao gồm các chi phí khác), theo ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc VNVC.
Như vậy, từ các nguồn Cơ chế Covax, viện trợ song phương giữa chính phủ các nước và hợp đồng mua 30 triệu liều của VNVC, đến sáng 15/7 Việt Nam đã nhận tổng cộng gần 6,4 triệu liều vaccine AstraZeneca. Loại vaccine này hiện chiếm 71% nguồn cung vaccine phòng Covid-19 trên cả nước, còn lại là Sinopharm, Pfizer, Moderna...
Vaccine Covid-19 của AstraZeneca tên AZD1222, là loại đầu tiên được Việt Nam cấp phép sử dụng, hỗ trợ chương trình tiêm chủng quốc gia của Chính phủ và Bộ Y tế. Mỗi lô vaccine trải qua hơn 60 thử nghiệm kiểm soát chất lượng khác nhau, trong suốt quá trình từ giai đoạn sản xuất đến tiêm chủng.
Đến ngày 14/7, tổng cộng cả nước đã tiêm trên 4,1 triệu liều vaccine AstraZeneca cho nhân viên y tế, lực lượng tuyến đầu chống dịch và các nhóm ưu tiên diện mở rộng.
Mới đây, Bộ Y tế đã phân bổ vaccine Pfizer cho TP HCM gần 55.000 liều, Hà Nội hơn 38.000 liều, Bình Dương và Đồng Nai mỗi tỉnh hơn 25.000 liều.
Bộ Y tế cũng cho phép dùng vaccine này tiêm trộn vaccine Covid-19, tức là có thể tiêm mũi hai bằng Pfizer, mũi một tiêm loại khác. Trong trường hợp số lượng vaccine hạn chế, sẽ ưu tiên sử dụng vaccine Pfizer để tiêm mũi hai cho những người đã tiêm mũi một vaccine AstraZeneca từ 8-12 tuần, nếu người được tiêm chủng đồng ý.
Thư Anh