Tổng số liều Pfizer phân bổ theo kế hoạch đưa ra hôm nay là hơn 745.000, nhưng thực tế mới về Việt Nam hơn 97.000 liều. Phần còn lại dự kiến về trong tháng này. Vaccine mua từ tiền ngân sách, theo hợp đồng 31 triệu liều với Pfizer ký tháng 5.
Theo phương án, vaccine phân bổ tới 63 tỉnh, thành, lực lượng công an, quân đội và 21 bệnh viện, viện, trường thuộc Bộ Y tế.
TP HCM nhận được nhiều nhất, 55.000 liều. Nếu tính cả số phân về cho các bệnh viện thuộc Bộ Y tế trên địa bàn TP HCM, tổng số lên đến hơn 105.000 liều. Hầu hết các tỉnh khác được phân 5.850 liều Pfizer mỗi nơi.
Bộ cũng cho phép dùng vaccine này tiêm trộn vaccine Covid-19, tức là có thể tiêm mũi 2 bằng Pfizer, mũi 1 tiêm loại khác.
"Trường hợp số lượng vaccine hạn chế thì ưu tiên sử dụng vaccine Pfizer để tiêm mũi 2 cho những người đã tiêm mũi 1 vaccine AstraZeneca từ 8-12 tuần nếu người được tiêm chủng đồng ý".
Một số quốc gia đã thử nghiệm chiến lược tiêm trộn vaccine Covid-19. Trung Quốc xem xét tiêm kết hợp các loại vaccine Covid-19 khác nhau để cải thiện hiệu quả tương đối thấp của vaccine trong nước. Thủ tướng Đức Angela Merkel đã được tiêm mũi 2 bằng vaccine Moderna, hai tháng sau khi bà tiêm mũi đầu tiên bằng AstraZeneca. Thái Lan mới đây tuyên bố sẽ tiêm thêm một mũi AstraZeneca cho nhân viên y tế đã tiêm hai liều Sinovac.
Tuy nhiên, Tổ chức Y tế Thế giới hôm qua cảnh báo các nước không nên vội vàng tiêm trộn vaccine khi chưa đủ dữ liệu khoa học. Bà Soumya Swaminathan, trưởng nhóm khoa học gia WHO, cho rằng đây là "xu hướng nguy hiểm" vì chưa rõ tác động tới sức khỏe.
Hiện Việt Nam đã nhập gần 9 triệu liều vaccine. Trong đó, hơn 6 triệu liều AstraZeneca, 2 triệu liều Moderna, nửa triệu liều Sinopharm, 1.000 liều Sputnik.
Vaccine Pfizer điều chế theo công nghệ mRNA, được Việt Nam phê duyệt khẩn cấp ngày 12/6, có hiệu quả 95,3%, ngăn ngừa trường hợp nhiễm nCoV nghiêm trọng. Miễn dịch tạo bởi vaccine kéo dài ít nhất 6 tháng nếu tiêm hai liều. Vaccine Pfizer hiện được sử dụng ở 103 quốc gia/lãnh thổ.