Thứ 7 nào cũng vậy, lịch trình của Steve Li luôn bận rộn. Em có một tiếng rưỡi tại lớp học bơi vào buổi sáng, sau đó là một tiếng rưỡi tập patin. Buổi chiều, em đổ mồ hôi trên sân tập cầu lông hai tiếng trước khi kết thúc ngày với 30 phút nhảy dây.
Steve đang là một cậu học sinh 9 tuổi.
"Tôi đã hủy tất cả lớp học thêm của con trai và thay thế chúng bằng các lớp thể thao", Bai Peipei, 36 tuổi, mẹ Steve, cho hay. "Rõ ràng chính phủ Trung Quốc đang ưu tiên khả năng thể chất của trẻ em hơn là kết quả học tập, thể hiện qua động thái siết chặt hoạt động dạy thêm gần đây".
Bai là một giáo viên trường công lập ở Bắc Kinh nhưng đã nghỉ việc để làm nội trợ. "Khi chính phủ ra định hướng, bạn phải làm theo. Nếu không, bạn sẽ bị bỏ lại phía sau trong cuộc đua khốc liệt vào những đại học tốt".
Thi đại học tại Trung Quốc luôn là một cuộc cạnh tranh cam go. Kỳ thi tuyển sinh đại học hồi tháng 6 của nước này ghi nhận kỷ lục 18,78 triệu học sinh đăng ký tham gia. Khoảng 7% trong số đó được nhận vào 151 đại học và cao đẳng top đầu.
Nhằm mở rộng cơ hội cho con em đặt chân vào giảng đường đại học, các bậc phụ huynh Trung Quốc trước đây trông cậy vào những lớp dạy thêm. Ngành dạy thêm ở Trung Quốc đang trên đà phát triển bùng nổ thì vào hồi tháng 7, chính quyền trung ương ban hành quy định mới siết chặt hoạt động dạy thêm, sau khi Chủ tịch Tập Cận Bình kêu gọi giảm áp lực cho học sinh cũng như gánh nặng tài chính lên phụ huynh.
Theo quy định mới, các công ty dạy thêm bị cấm nhận đầu tư từ nước ngoài và thu lợi từ việc giảng dạy các môn trong chương trình học chính khóa. Những môn như toán, tiếng Anh hay tiếng Trung bị cấm dạy vào cuối tuần, các kỳ nghỉ lễ và nghỉ hè.
Tuy nhiên, quy định không áp dụng với các lớp dạy thể thao và nghệ thuật, khi Trung Quốc đang hướng tới mục tiêu xây dựng một đất nước phồn vinh, thịnh vượng với những người dân "có thói quen tập thể dục suốt đời" và "tình cảm cao quý".
Chính sách này đang mang đến nguồn khách hàng mới cho ngành thể thao Trung Quốc nhưng cũng tạo ra thêm nỗi lo âu, căng thẳng cho các bậc phụ huynh, những người luôn đặt kỳ vọng cao vào con cái, muốn con em mình đạt được thành công vượt bậc.
Trung Quốc luôn đề cao giáo dục thể chất và thành tích thể thao. Sau Olympic Bắc Kinh 2008, Trung Quốc đã phát động một chiến dịch quốc gia nhằm khuyến khích người dân rèn luyện sức khỏe thường xuyên và đưa đất nước thành cường quốc thể thao hàng đầu.
Nước này hồi năm 2019 đặt ra mục tiêu đầy tham vọng trong Kế hoạch Hành động Sức khỏe Quốc gia: Hướng tới 50% học sinh đạt điểm "xuất sắc" hoặc "tốt" trong bài kiểm tra thể chất hàng năm vào năm 2022 và 60% vào năm 2030. Đây sẽ là một bước đột phá đáng kể so với mức 30,3% hồi năm 2018, theo dữ liệu từ Bộ Giáo dục Trung Quốc.
Tháng 10 năm ngoái, Quốc vụ viện Trung Quốc ban hành một thông tư yêu cầu gia tăng tỷ trọng điểm của môn giáo dục thể chất trong kỳ thi vào các trường trung học phổ thông. Vì thế, nhiều tỉnh gần đây đã điều chỉnh điểm số của môn này.
Hồi đầu năm, Thâm Quyến nâng điểm tối đa cho môn giáo dục thể chất từ 30 lên 50, so với 120 đối với môn tiếng Trung, 100 với toán, 100 với tiếng Anh, 120 với hóa học kết hợp vật lý và 120 với lịch sử, đạo đức kết hợp chính trị. Tỉnh Vân Nam thậm chí còn tăng điểm giáo dục thể chất lên 100.
Các bậc phụ huynh Trung Quốc đang nhanh chóng thích ứng với quy định mới. Xu Shumei cho biết cô đã đăng ký cho con gái 5 tuổi của mình tham gia lớp nhảy dây ở Bắc Kinh từ hai tuần trước với giá 309 USD cho 10 buổi học, mỗi buổi 40 phút.
"Dù Bắc Kinh chưa thay đổi tỷ trọng điểm của môn giáo dục thể chất trong kỳ thi trung học phổ thông, nhiều người đã lường trước xu hướng ngày càng tập trung vào thể thao của chính phủ", Xu nói. "Tất cả các ông bố bà mẹ xung quanh tôi đều cho con đi học nhảy dây. Đó là một bài thi hàng năm ở cấp tiểu học và trung học cơ sở. Nếu không rèn giũa kỹ năng này, bạn sẽ đánh mất lợi thế cạnh tranh".
Bài thi thể dục của Trung Quốc bao gồm nhảy dây một phút, chạy ngắn 50 mét, gập bụng, bài gập người đo độ dẻo và chạy dài 800 m hoặc 1.000 m. Ngoài ra, học sinh còn được đo dung tích sống (VC) và chỉ số khối cơ thể (BMI) như một chỉ số đánh giá thể lực.
Học sinh không vượt qua bài kiểm tra thể dục sẽ không đủ điều kiện đạt danh hiệu học sinh giỏi. Những học sinh với thành tích học tập tốt có nhiều cơ hội được nhận vào các trường thứ hạng cao hơn.
Tuy nhiên, nhảy dây không phải bộ môn dễ dàng đối với nhiều đứa trẻ. Amy, con gái Xu, luôn "yếu ớt và vụng về", theo lời mẹ em. "Dù rất cố gắng, con bé cũng chỉ nhảy được khoảng hơn chục lần. Vì thế, tôi quyết định gửi con đến một trung tâm đào tạo để những người có chuyên môn giúp đỡ", Xu nói.
Trung Quốc đang có vị thế tốt để phát triển ngành công nghiệp thể thao. Tháng trước, Bắc Kinh công bố đề cương kế hoạch thể hình toàn quốc giai đoạn 2021-2025, cam kết cung cấp ngày càng nhiều cơ sở thể thao tốt hơn và tăng số lượng huấn luyện viên thể hình cũng như số người tập thể dục, thể thao thường xuyên.
Chính phủ dự báo lĩnh vực thể thao sẽ có giá trị hơn 774,6 tỷ USD vào năm 2025, tăng 70% so với năm 2019.
Ma Hui, huấn luyện viên cầu lông, đồng sáng lập một câu lạc bộ thể thao ở Bắc Kinh, cho biết anh bắt đầu dạy nhảy dây từ mùa hè để đáp ứng nhu cầu tăng vọt.
"Điện thoại của tôi liên tục reo. Chúng tôi nhận rất nhiều cuộc gọi từ các bậc phụ huynh hỏi về khóa dạy nhảy dây", anh nói. "Dù đã tăng số lượng huấn luyện viên từ 20 lên 30, chúng tôi vẫn không thể đáp ứng hết nhu cầu".
"Nhiều khách hàng đặt ra các mục tiêu cụ thể, như có thể nhảy 100 cái trong một phút sau 10 ngày, hay 200 cái sau 15 ngày. Họ muốn con cái mình đạt điểm xuất sắc trong bài kiểm tra thể dục ở trường. Tôi phát điên lên mất!", Ma cho hay.
Bai, mẹ của Steve, nói cô muốn con trai đạt thành tích xuất sắc trong môn thể dục. "Ở Trung Quốc, cạnh tranh rất khốc liệt, đến mức chỉ cần kém một điểm trong kỳ thi đại học, bạn sẽ xếp sau cả nghìn người", cô chia sẻ. "Dù cạnh tranh trong những môn học chính có thể giảm bớt phần nào do hành động của chính phủ, các bậc phụ huynh sẽ tìm cách để con em họ đạt được lợi thể trong lĩnh vực khác, như thể thao. Nỗi lo âu không bao giờ kết thúc".
Vũ Hoàng (Theo SCMP)