Các dụng cụ khoa học, chủ yếu là thiết bị phân tích hoặc đo lường sử dụng trong phòng thí nghiệm, hiện chiếm hơn 40% mặt hàng bị hạn chế bán cho Bắc Kinh sau khi Washington đưa chúng vào danh sách kiểm soát xuất khẩu, theo phân tích từ các nhà nghiên cứu Trung Quốc.
Sau khi chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới nổ ra vào năm 2018, các nhà khoa học Trung Quốc cho biết họ ngày càng gặp nhiều khó khăn hơn trong việc mua các công cụ nghiên cứu từ Mỹ.
Tính đến tháng 12 năm ngoái, lượng hàng hóa bị liệt vào danh sách kiểm soát của Mỹ đã tăng lên hơn 4.500. Nhiều cái tên trong danh sách là các sản phẩm kỹ thuật mà chỉ người trong ngành mới quan tâm và không có cái tên nào được chính thức phân loại là dụng cụ khoa học.
Một hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) đã được huấn luyện trên cơ sở dữ liệu thông tin chi tiết về hầu hết các công cụ, thiết bị dùng trong phòng thí nghiệm trên khắp Trung Quốc. Nó phát hiện ra rằng gần 1.900 mặt hàng (42%) trong danh sách kiểm soát của Mỹ là dụng cụ khoa học.
Trong quá khứ, Trung Quốc bị hạn chế tiếp cận một số công cụ khoa học vì lo ngại chúng có thể được sử dụng cho nghiên cứu quân sự. Nhưng sau khi chiến tranh thương mại bùng nổ, các lĩnh vực nghiên cứu cơ bản và sản xuất tiên tiến của Trung Quốc đã trở thành mục tiêu chính mà các chính sách kiểm soát xuất khẩu của Mỹ nhắm đến.
Chính phủ Mỹ "tìm mọi cách hạn chế khả năng tiếp cận của Trung Quốc đối với một số công nghệ nền tảng và mới nổi để kìm hãm Trung Quốc phát triển trong nghiên cứu khoa học và sản xuất công nghiệp", giáo sư Wang Xuezhao cùng các đồng nghiệp tại Thư viện Khoa học Quốc gia, Học viện Khoa học Trung Quốc, cho biết trong một bài viết đăng trên tạp chí World Sci-Tech R&D ngày 25/8. Đáp lại, Trung Quốc đã "lập ra các kế hoạch thay thế, chuyển sang nhập khẩu thương mại từ Nga, châu Âu, Pháp, Đức và những nước khác".
Dụng cụ khoa học là một trong số ít các sản phẩm thương mại thường không được sản xuất tại Trung Quốc. Danh sách 20 nhà cung cấp dụng cụ khoa học hàng đầu thế giới không có tên công ty Trung Quốc.
Nhưng các nhà khoa học Trung Quốc lại rất cần những dụng cụ này. Khoảng 60% khoản đầu tư của Trung Quốc vào cơ sở hạ tầng phục vụ nghiên cứu những năm gần đây là dành để mua dụng cụ khoa học từ nước ngoài, theo dữ liệu từ chính phủ.
Trước đây, các nhà khoa học dân sự Trung Quốc có thể nhận được hầu hết những công cụ thông thường. Nếu được cấp kinh phí đủ lớn, họ thậm chí còn có thể xây dựng một phòng thí nghiệm hiện đại với trang thiết bị tốt hơn cả những đối tác phương Tây. Song nhiệm vụ này trở nên khó khăn hơn sau khi tổng thống Mỹ Donald Trump ký Đạo luật Cải cách Kiểm soát Xuất khẩu năm 2018.
Một nhà vật lý học công tác tại cơ sở nghiên cứu lượng tử quốc gia Trung Quốc ở thành phố An Huy, tỉnh Hợp Phì, cho biết phòng thí nghiệm của họ đã đặt hàng các thiết bị nghiên cứu từ cách đây hai năm, nhưng đến nay, họ vẫn đang chờ nhà chức trách Mỹ phê duyệt việc chuyển hàng đến Trung Quốc. Nhóm nghiên cứu đã cố gắng tìm kiếm một nhà cung cấp thay thế, nhưng quá trình này rất khó khăn và mất thời gian.
"Chúng tôi đã thử chế tạo một số công cụ nhưng không thể tự mình làm hết mọi việc", một nhà khoa học giấu tên từ cơ sở nghiên cứu lượng tử ở An Huy nói.
Theo nghiên cứu của giáo sư Wang, các dụng cụ trong danh sách kiểm soát xuất khẩu của Mỹ không nằm riêng lẻ, mà thường thường liên quan tới những dụng cụ khác do có cùng công nghệ hoặc lĩnh vực ứng dụng. Ví dụ máy chụp X-quang bị cấm cùng với một thiết bị dùng để đo đạc các hầm chứa trong những nhà máy hóa chất.
Việc kết nối các mối quan hệ phức tạp này có thể giúp hé lộ những chiến lược tiềm ẩn của Mỹ, nhưng đây thực sự là một thách thức đối với con người. Thay vào đó, các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã dùng AI để xử lý một lượng lớn tài liệu của chính phủ Mỹ liên quan đến các dụng cụ khoa học bị hạn chế.
Nghiên cứu cho thấy trọng tâm chiến lược kiểm soát xuất khẩu của Mỹ là các công cụ phân tích sử dụng tín hiệu quang học hoặc điện tử để thăm dò cấu trúc một đối tượng hay các đặc tính khác. Những công cụ bị hạn chế nghiêm ngặt khác bao gồm thiết bị đo có độ chính xác cao, những dụng cụ liên quan đến laser, thiết bị phòng thí nghiệm dùng để cải tiến quy trình công nghiệp và các công cụ liên quan đến thiết kế, phát triển chip máy tính.
Một lĩnh vực đáng chú ý mà Mỹ không cấm là thiết bị đo đạc dùng cho nghiên cứu y tế, có thể do Washington hoàn toàn tự tin về khả năng thống trị ở lĩnh vực này. Tuy nhiên, "trong tương lai, khi sức mạnh tổng thể của Trung Quốc được cải thiện, đặc biệt sau đại dịch Covid-19 năm 2020, các thiết bị và dụng cụ trong lĩnh vực xét nghiệm sinh hóa và vaccine có thể bị liệt vào danh sách kiểm soát", giáo sư Wang cùng các đồng nghiệp nhận định.
Chính phủ Trung Quốc gần đây phát động hàng loạt chiến dịch trên toàn quốc nhằm quảng bá về những công cụ khoa học sản xuất trong nước, bởi việc phụ thuộc vào nguồn cung từ nước ngoài đã trở thành mối đe dọa đối với an ninh quốc gia.
Nhưng các sản phẩm sản xuất trong nước hiện ít được đón nhận. Một số gặp phải trục trặc kỹ thuật nhỏ nhưng có thể làm hỏng cả một cuộc thí nghiệm. Nhà chức trách đã phải dùng đến những biện pháp như giảm thuế để khuyến khích các phòng thí nghiệm dùng sản phẩm trong nước.
Theo các nhà nghiên cứu, tính đến cuối năm 2019, Trung Quốc có hơn 4.000 nhà sản xuất dụng cụ khoa học, song hầu hết chỉ sản xuất những sản phẩm cấp thấp đến trung bình. Một số công ty mới thành lập đang thách thức các đối thủ phương Tây ở thị trường cấp cao, song thị phần của họ vẫn chưa đáng kể.
Trong một số lĩnh vực như công nghệ lượng tử mà Trung Quốc đang dẫn đầu, các nhà nghiên cứu đã thành lập những công ty riêng để tự chế tạo thiết bị do không thể mua từ nước ngoài.
Tại Hợp Phì, chính phủ Trung Quốc năm ngoái đã chi hơn 309 triệu USD xây dựng một khu công nghiệp sản xuất hàng loạt dụng cụ khoa học thế hệ tiếp theo sử dụng công nghệ lượng tử với mục tiêu đạt độ nhạy và chính xác chưa từng có.
Dù vậy, giới chuyên gia đánh giá các công ty Trung Quốc không thể bắt kịp đối thủ phương Tây chỉ trong thời gian ngắn, bởi việc phát triển những công cụ khoa học tốt nhất đòi hỏi nhiều thập kỷ nghiên cứu và kinh nghiệm.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cảnh báo điều này sẽ có thể dẫn đến sự phân chia thành "hai khối khoa học" trên thế giới, ảnh hưởng đến nỗ lực toàn cầu ứng phó với các thách thức lớn.
"Nghiên cứu khoa học là một mặt trận mà ở đó bạn vừa muốn giữ riêng kiến thức của mình, nhưng biết rõ nếu không chia sẻ, bạn cũng sẽ không biết người khác đang làm những điều sáng tạo và hữu ích thế nào", Caroline Wagner, chuyên gia về chính sách khoa học công nghệ tại Đại học Bang Ohio, Mỹ, nói. "Trên mặt trận đó, bạn không cần phải đóng cửa, chỉ cần chạy nhanh hơn những người khác".
Vũ Hoàng (Theo SCMP)