Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 20/4 tuyên bố nước này đã "sẵn sàng cho chiến tranh" với Nga và sẽ "đánh tới người cuối cùng" nếu xung đột nổ ra giữa hai quốc gia chung đường biên giới. Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Kiev và Moskva gia tăng liên quan đến các động thái quân sự gần đây của hai bên gần biên giới, cũng như lệnh hạn chế một phần Biển Đen của Nga.
Kristina Kvien, quyền đại sứ Mỹ tại Ukraine, cho rằng Tổng thống Zelensky có cơ sở để đưa ra phát biểu quyết liệt như vậy, bởi Ukraine hiện nay có tiềm lực quân sự đã được cải thiện rất nhiều so với năm 2014, thời điểm chiến sự bùng lên tại miền đông nước này giữa quân đội chính phủ và phe ly khai, cũng như Nga sáp nhập bán đảo Crimea.
Theo bà Kvien, trong 7 năm qua, quân đội Ukraine đã tăng cường năng lực và sự chuyên nghiệp để ứng phó tốt hơn các mối đe dọa từ bên ngoài, trở thành một trong những lực lượng sẵn sàng chiến đấu mạnh mẽ nhất châu Âu hiện nay. Mỹ cũng có đóng góp đáng kể vào quá trình này, khi đồng ý bán các loại vũ khí sát thương uy lực lớn cho Ukraine, đồng thời tăng cường hỗ trợ quân sự cho nước này.
Một số quan sát viên phương Tây cũng nhất trí rằng quân đội Ukraine hiện nay đã được trang bị, huấn luyện cho xung đột quy mô lớn tốt hơn so với lúc bắt đầu chiến sự ở Donbas hồi năm 2014.
Giờ đây, năng lực quân sự của Ukraine lại được quan tâm, khi Nga tăng cường lực lượng tại bán đảo Crimea và gần biên giới nước này, đồng thời tiến hành các cuộc diễn tập quy mô lớn trên Biển Đen.
"Quân đội Nga có quy mô lớn gấp ba lần Ukraine. Tuy nhiên, mọi chuyện sẽ không dễ dàng như năm 2014, khi các lực lượng đặc nhiệm Nga cùng dân quân địa phương giành quyền kiểm soát Crimea và phần lớn biên giới giữa hai nước mà không gặp nhiều phản kháng", bình luận viên Mitch Prothero của Business Insider cho hay, dựa trên đánh giá của một số chuyên gia.
Lý do được đưa ra là quân đội Ukraine đã có 7 năm kinh nghiệm chiến đấu tại vùng Donbas ở miền đông, với tổn thất gần 10.000 lính trong giai đoạn này. Với sự giúp đỡ của Mỹ và NATO, Ukraine cũng tăng cường chi tiêu và hiện đại hóa lực lượng.
"Ukraine đã mất rất nhiều người trong cuộc chiến tại Donbas và học được nhiều kinh nghiệm trong khoảng thời gian đó", một sĩ quan tình báo quân đội NATO giấu tên nêu ý kiến, đồng thời ca ngợi lòng dũng cảm và yêu nước của binh sĩ Ukraine. "Người Ukraine không thiếu động lực để chống lại Nga. Họ đã chiến đấu dọc mặt trận đó suốt 7 năm".
Sĩ quan tình báo này cho rằng quân đội Ukraine năm 2014 là một "tổ chức mục ruỗng", trong khi binh sĩ được huấn luyện kém và trang bị tồi, với nhiều người lính phải tự sắm bao xe đựng hộp tiếp đạn và đi giày thể thao ra trận. Quân đội Ukraine khi đó về cơ bản không thể phản ứng kịp với các biến cố ở Donbas và Crimea.
"Tuy nhiên, quân đội Ukraine hiện nay đã cải thiện rất nhiều trên mọi khía cạnh so với năm 2014, không còn cảnh tượng như vậy nữa", người này nói. Các đơn vị Ukraine giờ đây đủ khả năng bám trụ phòng tuyến và gây tổn thất nặng cho đối phương trong trường hợp Nga tấn công, theo một cựu binh sĩ giấu tên thuộc lực lượng đặc nhiệm Anh từng hoạt động ở Donbas.
Ukraine hiện chi khoảng 5 tỷ USD mỗi năm cho quân đội, gần gấp đôi so với mức trước năm 2014, không chỉ củng cố lại kỷ luật chiến đấu cho binh sĩ mà còn xây dựng hàng chục lữ đoàn mới. Phần lớn khoản đầu tư được dành cho các đơn vị pháo binh, đồng thời mua sắm một số khí tài quân sự đắt đỏ.
Nước này còn đang phát triển hệ thống tên lửa hành trình chống hạm tiên tiến Neptune, chủ yếu nhằm tăng cường khả năng phòng thủ ven Biển Đen. Bên cạnh đó, Kiev đầu tư vào một lực lượng máy bay không người lái hiện đại, với hợp đồng mua UAV Bayraktar TB2 đầy tham vọng.
Tuy nhiên, bất chấp những bước tiến đáng kể này của quân đội Ukraine, bình luận viên Mark Episkopos của National Interest chỉ ra rằng quân đội Nga trong những năm qua cũng đã phát triển hơn nhiều với mức ngân sách hơn 65 tỷ USD mỗi năm. Do đó, nếu xung đột quy mô lớn nổ ra giữa hai nước, lực lượng Ukraine được cho là gần như không thể cầm cự được lâu.
Tiềm lực quân sự của Nga bao gồm các loại vũ khí không quân và hải quân hiện đại, những tên lửa hành trình siêu thanh có thể bắn trúng mục tiêu từ khoảng cách an toàn, thứ mà Ukraine không đủ khả năng chống đỡ.
"Dù cố gắng đến đâu, Ukraine vẫn không thể xoay xở trước lợi thế của Nga về tác chiến điện tử, tên lửa hành trình và sức mạnh không quân. Vì vậy, nếu hai bên giao tranh, họ có thể gây thương vong trước mắt cho lực lượng Nga, nhưng về trung và dài hạn, họ không có cơ hội chống cự, trừ khi NATO giúp đỡ", cựu binh sĩ đặc nhiệm Anh nhận xét.
Nga có thể dễ dàng nhắm vào những cơ sở hạ tầng và vật chất quan trọng ở sâu bên trong phòng tuyến của Ukraine ngay từ đầu cuộc chiến. Giới phân tích đánh giá viễn cảnh này sẽ làm giảm khả năng chiến đấu của quân đội trên tiền tuyến.
"Tuy nhiên, nếu NATO can thiệp và vô hiệu hóa các hệ thống này của Nga, tình hình có thể trở nên vô cùng dai dẳng và gây bất lợi cho cả hai bên", cựu binh sĩ nói thêm.
Kịch bản nổ ra xung đột giữa Nga và Ukraine được cho là rất khó xảy ra, bởi các động thái quân sự gần đây của Moskva chủ yếu nhằm truyền tải thông điệp chính trị để "nắn gân" chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden. Tổng thống Nga Vladimir Putin dường như đã đạt được mục tiêu này, khi Biden điện đàm và đề nghị ông tổ chức một cuộc gặp thượng đỉnh tại quốc gia thứ ba.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu hôm 22/4 tuyên bố Moskva đã đạt các mục tiêu diễn tập gần Ukraine và bắt đầu rút quân từ ngày 23/4, để trở lại "căn cứ thường trực" trước ngày 1/5. "Quân đội đã chứng tỏ khả năng của họ trong việc đảm bảo nền phòng thủ đáng tin cậy cho đất nước", ông nói.
Ánh Ngọc (Theo Business Insider, National Interest)