Đối với Tổng thống Vladimir Putin, mối quan hệ nồng ấm giữa Ukraine với Mỹ và châu Âu là thách thức cho ảnh hưởng của Nga trong khu vực, đặc biệt sau khi Tổng thống Joe Biden tuyên bố Washington sẽ có quan điểm cứng rắn hơn trước Moskva. Nga coi nguyện vọng gia nhập NATO của Ukraine là mối đe dọa tiềm tàng ngay trước cửa ngõ.
Quân đội Nga gần đây có một số động thái được nhận định là bước đi mang tính "cảnh giác lâu dài", trong đó có việc chuyển quân và khí tài đến một căn cứ mới gần thành phố Voronezh, cách biên giới Ukraine khoảng 155 km, tổ chức Nhóm Tình báo Xung đột (CIT) có trụ sở tại Moskva cho biết. Nga cũng điều chuyển Lữ đoàn Tấn công Đường không cận vệ số 55 tới đóng quân tại thị trấn Feodosia trên bán đảo Crimea.
"Nga đang thách thức ý chí các bên và tuyên bố lập trường rằng họ vẫn là một bên quan trọng với các nước khác, bao gồm Mỹ và Ukraine", Ruslan Leviev, một chuyên gia của CIT, cho biết. "Nga cố gắng thể hiện rằng họ không dung thứ cho bất cứ lệnh trừng phạt hay các hành động gây áp lực buộc họ trao trả Crimea cho Ukraine hay thay đổi tình hình ở khu vực Donbass, miền đông Ukraine".
Leviev cho biết Nga bắt đầu điều động lực lượng tới gần biên giới Ukraine cách đây khoảng một tháng. Đợt chuyển quân này ban đầu được cho là một phần của các cuộc diễn tập theo kế hoạch trước đó. Tuy nhiên, sau khi đợt diễn tập kết thúc hồi cuối tháng 3, các đơn vị tăng cường vẫn ở vị trí cũ. Tăng thiết giáp được chở sang bán đảo Crimea, đồng thời nhiều đoàn tàu liên tục chở khí tài từ phía bắc nước Nga tới khu vực biên giới phía tây.
Bộ Quốc phòng Nga thông báo 10 tàu hải quân, bao gồm tàu đổ bộ và tàu pháo, đã di chuyển từ Biển Caspi đến Biển Đen để "diễn tập", song chưa công bố thời gian chi tiết.
CIT thu thập khoảng 150 video, chủ yếu từ TikTok, cho thấy quy mô đợt điều chuyển lực lượng của quân đội Nga. "Dường như Bộ Quốc phòng Nga muốn những đoàn xe và đoàn tàu này xuất hiện trên video", Leviev nói. "Thông điệp về sức mạnh quân sự Nga và cái giá phải trả cho việc chơi đùa với nó sẽ được chuyển đến Ukraine và phương Tây thông qua truyền thông".
Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố Nga "điều chuyển quân đội trong lãnh thổ của mình theo quyết định riêng của chúng tôi, điều này không liên quan tới bất cứ ai".
Serhii Deineko, tư lệnh Biên phòng Ukraine, cho biết ít nhất 85.000 quân nhân Nga hiện diện ở khu vực cách biên giới Ukraine 9-40 km và bán đảo Crimea.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki ngày 8/4 cho biết số lượng quân nhân Nga hiện diện ở biên giới phía tây giáp Ukraine đang đông đảo nhất kể từ năm 2014. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết đã "yêu cầu Nga giải thích về hành động khiêu khích này" và "đã phát thông điệp trấn an đến đối tác Ukraine".
Một quan chức cấp cao Mỹ cho biết việc Nga điều quân có thể làm thụt lùi các nỗ lực hợp tác trên các lĩnh vực hai nước cùng quan tâm, bao gồm đàm phán đảo ngược quyết định rút khỏi hiệp ước Bầu trời Mở của cựu tổng thống Donald Trump.
Trong cuộc điện đàm hôm 2/4, Tổng thống Joe Biden cam kết với người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky rằng Mỹ "ủng hộ vững chắc chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Ukraine trước sự gây hấn liên tục của Nga". Zelensky ngày 8/4 tới thăm các binh sĩ Ukraine gần khu vực giao tranh ở miền đông nước này.
Mỹ viện trợ quân sự cho Ukraine 4,5 tỷ USD từ năm 2014, bao gồm hai lô tên lửa chống tăng Javelin. Tuy nhiên, số vũ khí tiên tiến này được bố trí cách xa miền đông Ukraine do lo ngại kích động leo thang với Nga và nguy cơ chúng rơi vào tay đối thủ của Mỹ.
Ukraine và Mỹ giữ bí mật nơi triển khai số tên lửa chống tăng Javelin. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ và Lầu Năm Góc từ chối cho biết liệu Ukraine có bố trí lại số tên lửa này để đáp trả việc Nga điều chuyển lực lượng hay không.
Giao tranh ở khu vực Donbas, miền đông Ukraine, hạ nhiệt đáng kể sau lệnh ngừng bắn giữa năm 2020. Tuy nhiên, đụng độ tiếp tục bùng phát trong những tháng gần đây, khiến hơn 20 binh sĩ Ukraine thiệt mạng từ đầu năm 2021. Ukraine đã điều động lực lượng dự bị để tăng cường tuyến phòng thủ ở biên giới phía đông và phía bắc sau các đợt chuyển quân của Nga.
"Zelensky và các trợ lý thực sự lo ngại về nguy cơ một cuộc tấn công", Alyona Getmanchuk, người đứng đầu Trung tâm châu Âu mới đặt trụ sở tại Kiev, nhận định.
Trong cuộc điện đàm với Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hôm 6/4, Zelensky bày tỏ mong muốn tham gia tổ chức này và khẳng định đây là "cách duy nhất để kết thúc chiến tranh" với lực lượng dân quân thân Nga ở miền đông.
Tuy nhiên, Moskva đưa ra cảnh báo khá rõ ràng. Dmitry Kozak, trưởng phái đoàn đàm phán của Nga với chính phủ Ukraine và dân quân miền đông, khẳng định nếu Ukraine gia nhập NATO, nước này sẽ không còn toàn vẹn. "Tôi đồng tình với các ý kiến được nhiều người Ukraine chia sẻ rằng một động thái quân sự đồng nghĩa với dấu chấm hết cho quốc gia này", Kozak nói.
Hồi cuối tháng 1, Tổng biên tập kênh RT Margarita Simonyan tới phát biểu tại Diễn đàn Nga Donbas ở Donetsk, khu vực ở miền đông Ukraine do lực lượng dân quân kiểm soát, kêu gọi Moskva "có lập trường chủ động hơn" với nước láng giềng.
"Dân Donbas muốn có cơ hội trở thành người Nga. Chúng ta phải trao cho họ cơ hội đó. Dân Donbas muốn quay về nhà, trở thành một phần của đất mẹ hào phóng và vĩ đại của chúng ta. Chúng ta phải trao cho họ cơ hội đó", Simonyan nói.
Khi được hỏi liệu phát biểu của Simonyan có phải dấu hiệu cho thấy Nga sẽ tấn công Ukraine hay không, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định Tổng biên tập RT "không phải là người phát ngôn đại diện cho Liên bang Nga, vấn đề này không có trong chương trình nghị sự".
Căng thẳng giữa Ukraine và Nga tăng đột biến trong những tháng gần đây, khi Zelensky tiến hành các cuộc cải cách theo hướng thân phương Tây. Tổng thống Ukraine áp lệnh trừng phạt nhằm vào Viktor Medvedchuk, một doanh nhân được cho là bạn của Tổng thống Putin. Moskva cũng tỏ thái độ tức giận khi Kiev đóng cửa một số hãng truyền thông Ukraine được cho là thân Nga hồi tháng 2.
Maxim Samorukov, chuyên gia của Trung tâm Carnegie Moscow, nhận định Nga "đã chuẩn bị kỹ lưỡng về mặt quân sự" trong bối cảnh Zelensky dùng đến "quân bài chống Nga".
Trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 8/4, Putin cho biết "đã ghi nhận những hành động khiêu khích và cố tình thổi phồng tình hình của Kiev dọc đường tiếp giáp tại khu vực chiến sự ở miền đông Ukraine". Thủ tướng Merkel kêu gọi Nga "rút lực lượng để giảm leo thang tình hình khu vực".
Một cố vấn của Zelensky cho biết "phía Ukraine thấy khó hiểu trước đợt điều quân của Nga". "Ý tưởng việc Ukraine sắp phát động chiến dịch tấn công vào Donbas là lố bịch và cái cớ cho điều gì đó", cố vấn này cho biết.
Đợt điều chuyển lực lượng của Nga tới gần biên giới với Ukraine được nhận định là phép thử với các nước châu Âu, đặc biệt là Đức, quốc gia đang bị Mỹ chỉ trích vì kế hoạch xây dựng đường ống nhập khẩu khí đốt từ Nga.
Một quan chức ngoại giao châu Âu cho biết Nga đang "đe dọa và gây áp lực" lên Ukraine. "Động thái điều động lực lượng của Nga có thể nhằm gây bất ổn và gây hấn, tệ nhất là tập trung lực lượng để tấn công", quan chức này cho biết, đồng thời cảnh báo rằng châu Âu "đang theo dõi chặt chẽ mọi động thái của Nga".
Nguyễn Tiến (Theo Washington Post)