Căng thẳng giữa Moskva và Kiev leo thang từ tháng 3, khi quân đội Nga triển khai lượng lớn xe tăng, thiết giáp, chiến đấu cơ cùng hàng chục nghìn binh sĩ tới bán đảo Crimea và khu vực biên giới giáp Ukraine. Động thái quân sự quy mô lớn của Nga khiến Ukraine cùng các đồng minh NATO không khỏi bất an.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng đây không phải là màn khởi đầu cho một cuộc tấn công của Nga vào lãnh thổ nước láng giềng, mà gần như chắc chắn là một phép thử đối với năng lực lãnh đạo cũng như mức độ cứng rắn của tân Tổng thống Mỹ Joe Biden.
"Tôi tin là họ đang muốn thử thách Tổng thống mới của Mỹ. Họ cũng muốn sử dụng thời điểm này để truyền đi thông điệp rằng 'đừng xem thường sức mạnh Nga'", Michael Shoebridge, chuyên gia về chính sách đối ngoại tại Viện Chính sách Chiến lược Australia, bình luận.
Điện Kremlin tuyên bố họ triển khai lực lượng lớn gần biên giới Ukraine như một động thái đề phòng, trong bối cảnh Kiev tăng lực lượng gần giới tuyến với phe ly khai thân Nga ở miền đông Ukraine. Tuy nhiên, theo Shoebridge, Ukraine không phải là lý do chính cho các động thái quân sự hùng hậu đó.
"Họ điều 15 tàu chiến từ Biển Caspia tới Biển Đen, trong khi hạm đội Biển Đen đã có tới 50 chiến hạm. Họ cũng phong tỏa một phần Biển Đen, cấm tàu chiến, tàu công vụ nước ngoài đi qua đây trong 6 tháng", chuyên gia này nói. "Vấn đề là tại sao lại vào lúc này. Tôi cho rằng có nhiều lý do và không phải tất cả đều vì Ukraine".
Tổng thống Nga Vladimir Putin "đang phô diễn sức mạnh", Marta Dyczok, phó giáo sư thuộc khoa Khoa học Chính trị Đại học Western, Canada, nhận xét.
Mối quan hệ Nga - phương Tây hiện không ở trạng thái tốt nhất. Hồi giữa tháng ba, Biden từng gọi Putin là "kẻ sát nhân". Hôm 21/4, trong một cuộc họp với các thống đốc bang và thành viên quốc hội, Tổng thống Putin nói Nga muốn xây dựng "quan hệ tốt" với phương Tây, "nhưng nếu ai đó nhầm lẫn rằng mục đích tốt của chúng tôi là biểu hiện cho sự yếu đuối, họ nên biết phản ứng của Nga sẽ không tương xứng, nhanh chóng và quyết liệt hơn".
"Những người muốn gây hấn nhằm đe dọa lợi ích an ninh cơ bản của Nga sẽ hối hận về hành động của họ hơn bất kỳ điều gì khác trong suốt thời gian dài", ông chủ Điện Kremlin nhấn mạnh. "Tôi hy vọng không một ai có ý định vượt qua cái gọi là lằn ranh đỏ với Nga".
Nhằm phản ứng với tình hình, Tổng thống Biden đã đề xuất tổ chức họp thượng đỉnh với Putin qua một cuộc điện đàm mà ở đó ông tái khẳng định cam kết của Mỹ đối với "chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ" của Ukraine, đồng thời bày tỏ quan ngại về việc Nga điều động quân đội.
Giới phê bình gọi đây là một "bước đi sai lầm".
"Người Mỹ thường tổ chức các hội nghị thượng đỉnh kiểu này như phần thưởng cho những đồng minh, đối tác mà họ coi là có hành vi tốt. Puin sẽ coi đó là biểu hiện của sự yếu đuối. Nếu bạn đang muốn tỏ ra cứng rắn, bạn sẽ không mời ông ấy gặp mặt trực tiếp", Andres Kasekamp, giáo sư sử học Trường Munk về Chính sách Công và Quan hệ Quốc tế thuộc Đại học Toronto, Canada, bình luận.
Aurel Braun, giáo sư về Quan hệ Quốc tế và Khoa học Chính trị tại Trường Munk, cũng đồng tình với quan điểm này.
"Obama từng sử dụng những lời lẽ rất cứng rắn nhưng không hiện thực hóa chúng bằng các chính sách tương xứng", ông nói. "Các dấu hiệu hiện nay đều cho thấy Biden có thể đang làm điều tương tự".
"Biden gọi Putin là 'kẻ sát nhân', lên án những hành động đe dọa tới Ukraine, đồng thời tuyên bố sẵn sàng hỗ trợ Kiev hết mình. Tuy nhiên, thực tế không cho thấy điều đó", Braun cho hay.
Ngoài việc phát thông điệp "nắn gân" Biden, Putin còn có những động cơ bên trong khi thực hiện màn phô diễn sức mạnh ở biên giới Ukraine. "Đây là năm bầu cử ở Nga và tỷ lệ tín nhiệm Putin đang giảm đáng kể", Dyczok chia sẻ với Global News.
Nền kinh tế đang lao dốc và giá thực phẩm ở Nga đã tăng nhanh hơn tỷ lệ lạm phát chung của cả nước, theo báo cáo tháng trước của Rosstat, cơ quan thống kê liên bang Nga. Trong khi đó, đại dịch Covid-19 đang tiếp tục tàn phá đất nước và niềm tin của công chúng vào vaccine Sputnik-V do chính Nga sản xuất đang bị xói mòn.
"Cách tốt nhất để chuyển hướng chú ý của dư luận khỏi những vấn đề trong nước là gì? Thực hiện một chính sách ngoại giao phô trương", Dyczok nói.
Vũ Hoàng (Theo Global News, Sky News)