Việc "Nhiều tài xế xe ôm phản đối đề xuất đeo thẻ khi hành nghề" đang nhận được những tranh cãi trên VnExpress:
Nhiều người bày tỏ lo ngại rằng việc bắt tài xế xe ôm đeo thẻ sẽ gây ra nhiều phiền hà, bất cập, nhất là trong thời đại 4.0:
Bắt buộc phải đeo thẻ chỉ là thêm hình thức để nhiều cơ quan hành nhiễu và tiêu cực. Thời đại 4.0 rồi, nếu cơ quan điều tra, kiểm tra, chỉ cần truy xuất thông tin CMND, hoặc CCCD là có dữ liệu kết nối với đơn vị mà anh tài xế công nghệ đang làm việc.
Sao xe ôm phải đeo thẻ? Để quản lý ư? Họ có tội không? Họ có làm trái pháp luật không? Đeo thẻ có tác dụng gì? Khi đi xe khách có đọc thẻ hay xem ảnh của tài xế không? Nếu để quản lý thì có CMND, CCCD, đăng ký xe, bằng lái, bảo hiểm xe... Nếu cần thì có thể yêu cầu họ đăng ký kinh doanh vận chuyển thôi, còn xe ôm công nghệ họ đã có đồng phục, có công ty quản lý rồi, sao còn dùng giấy tờ thủ công để quản lý công nghệ? Chưa nói mỗi lần làm thẻ lại mất một khoản phí cấp mới thẻ nữa là thêm một khoản chi với người khó khăn.
Nếu người trả lương cho nhân viên bắt họ đeo thẻ thì được. Còn cơ quan chức năng không trả lương bắt họ đeo thẻ thì rườm rà. Nếu chỉ vì xác nhận thì họ đeo luôn cái chứng minh nhân dân là chuẩn. Cần gì thẻ nọ kia.
Xe ôm hay người đi xe máy nói chung đã phải chuẩn bị nhiều thứ rồi: nón bảo hiểm, khẩu trang, áo khoác, kính... lại thêm cái thẻ làm gì cho thêm bất tiện. Thời buổi công nghệ có nhiều cách để quản lý. Sở Giao thông Vận tải Hà Nội trước khi trình dự thảo cần khảo sát chính đối tượng chịu điều chỉnh (xe ôm). Cá nhân tôi là khách đi xe ôm thấy không cần thiết, có chăng là trang bị cho họ kỹ năng để lái xe an toàn hơn, hay thêm vào các ứng dụng để họ có thể chia sẻ thông tin với nhau, báo động nhanh khi gặp tai nạn, cướp... Nói chung là để họ bớt vất vả hơn là ngồi tính cách làm thế nào để quản lý rồi ban hành chính sách.
Quy định là thế nhưng người hành nghề không đăng ký thì có chế tài gì không? Nếu có thì chế tài thì dựa vào luật nào để chế tài và ai được quyền chế tài?
Tuy nhiên,nhiều ý kiến lại đồng tình với đề xuất này bởi vừa thuận tiện cho cơ quan quản lý, vừa giúp người dân yên tâm hơn khi sử dụng dịch vụ:
Tham gia giao thông là một việc. Nhưng đây là việc tham gia vận chuyển người và hàng hóa. Cơ quan quản lý họ có quyền đưa ra các quy định để dễ dàng trong công tác quản lý. Và việc đeo thẻ gần như là một giấy chứng nhận cho việc đã được chính quyền xác nhận. Vậy thì khách hàng họ sẽ yên tâm phần nào trong việc thuê vận chuyển. Còn việc đeo thẻ giả thì sẽ khó làm việc ở một khu vực mà nhiều anh em xe ôm là người dân ở họ đã quen mặt nhau. Nên họ biết người này có được chính quyền địa phương cấp thật không. Việc gì cũng phải theo quy định. Ai làm không đúng có thể phản ánh đến cơ quan cấp trên.
Thêm cái thẻ đeo có gì mà không cần thiết, cái thẻ cũng chẳng cản trở gì. Tôi nghĩ vậy sẽ tốt cho công tác quản lý và nhận dạng. Nếu bạn có cái thẻ cũng không dám mang thì chắc có tật giật mình...
Việc này tốt mà, thể hiện sự quan tâm của chính quyền địa phương đến các bác tài xe ôm. Khi đeo thẻ, các bác tài xe ôm cũng sẽ có thêm tinh thần làm việc chuyên nghiệp hơn và xe ôm chính thức trở thành một nghề được chính quyền công nhận.
Mấy bác xe ôm công nghệ thông cảm đi, một số kẻ vặt trộm gương ôtô, trộm xe máy ở khu vực tôi ở đều khoác áo xe ôm công nghệ nên cứ thấy ai mặc như vậy lảng vảng trên đường hoặc dừng xe vừa nghe điện thoại vừa ngó nghiêng là người dân bảo nhau phải cảnh giác. Bởi vậy, tôi ủng hộ quy định xe ôm công nghệ phải đeo bảng tên có hình. Làm được như vậy thì người dân sẽ tin tưởng và đi xe ông công nghệ nhiều hơn.
Sống phải tuân thủ luật pháp, khi có nhiều sự bất cập xảy ra, pháp luật phải điều chỉnh cho phù hợp. Thiết nghĩ việc đeo thẻ xe ôm cũng là phù hợp để dễ quản lý. Muốn đất nước văn minh thì mỗi người dân nên nâng cao ý thứ chấp hành luật pháp quy định.
Đeo thẻ để hành khách biết đâu là Grab thật hay Grab giả, có những xe ôm họ không phải Grab mà mượn hoặc mua quần áo của Grab của những người khác và hành khách thấy họ dọc đường là gọi thôi. Bây giờ đeo thẻ, ra ngoài đường cứ thấy Grab là xe ôm rồi.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.