Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đang trình UBND thành phố dự thảo về quản lý và sử dụng xe thô sơ, xe gắn máy, xe môtô hai bánh để vận chuyển hành khách, hàng hóa (xe ôm).
Theo dự thảo này, xe ôm sẽ phải đăng ký với UBND phường, xã để được cấp thẻ và đeo nơi ngực áo từ ngày 1/1/2021.
Ông Trần Văn Long, Đội trưởng xe ôm bến xe Giáp Bát cho biết, lâu nay điều kiện để lái xe tham gia chở khách ở khu vực này là bằng lái, đăng ký xe, bảo hiểm xe và sơ yếu lý lịch, xác nhận của UBND phường cư trú. Tài xế xe ôm trong bến đều phải mặc đồng phục, in mã số và đeo thẻ có ảnh nhận diện. Khi xảy ra vấn đề trên đường đi, khách hàng có thể đọc mã số tài xế để phản ánh đến quản lý đội xe qua đường dây nóng.
"Trường hợp tài xế vi phạm pháp luật, cơ quan chức năng yêu cầu trích xuất thông tin thì chúng tôi sẵn sàng cung cấp. Vì vậy, không cần thiết phải yêu cầu tài xế đeo thêm một tấm thẻ nữa", ông Long nói.
Anh Lê Văn Linh (30 tuổi) nói, khi tham gia làm tài xế xe ôm Grab, anh đã phải chờ một tuần để lấy xác minh lý lịch tư pháp ở địa phương nộp cho công ty. Anh chia sẻ: "Đeo thẻ nhỏ trước ngực không đến mức vướng víu nhưng tôi sợ thủ tục cấp thẻ sẽ mất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến công việc hằng ngày".
Theo luật sư Trần Tuấn Anh, Đoàn luật sư TP Hà Nội, nghề lái xe ôm hay chở hàng cũng giống như người tham gia giao thông thông thường. Luật giao thông đường bộ 2008 quy định, các giấy tờ lái xe máy cầm theo là bằng lái, giấy đăng ký xe, bảo hiểm. Như vậy, việc yêu cầu cấp thêm thẻ hành nghề xe ôm không nằm trong quy định của pháp luật.
"Tôi nghĩ không cần thiết phải đặt thêm giấy phép con, gây khó khăn cho cá nhân và doanh nghiệp", ông Tuấn Anh nói.
Luật sư này cho rằng, nếu thủ tục cấp thẻ gây mất thời gian, gây phiền hà còn dễ phát sinh tiêu cực, "chạy" thẻ, thẻ giả. Hiện hầu hết các đơn vị kinh doanh, đội xe ôm đều có hệ thống quản lý thông tin lý lịch tài xế, phương tiện. Sở Giao thông Vận tải có thể đề nghị các đơn vị này chia sẻ, cung cấp thông tin để quản lý.
Ông Trần Hữu Minh, Phó chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia thông tin, việc quản lý xe gắn máy đã được các chuyên gia, cơ quan quản lý đặt ra từ năm 2008. Tuy nhiên, lúc đó số lượng xe gắn máy, người hành nghề xe ôm còn ít, quy định áp dụng trên toàn quốc chưa khả thi.
Vì vậy, Bộ Giao thông Vận tải đã giao cho các địa phương tự quản lý và hướng dẫn bằng Thông tư số 08 (tháng 6/2009), quy định người kinh doanh vận chuyển khách, hàng hóa bằng môtô, xe máy "phải có trang phục hoặc biển hiệu do UBND cấp tỉnh, thành quy định để nhận biết".
"Việc lái xe ôm đeo thẻ sẽ giúp khách hàng nhận diện dễ dàng, tin tưởng hơn. Qua đó tài xế có thêm nhiều khách, trước mắt có thể nhiều người chưa đồng thuận song về lâu dài họ sẽ tự nguyện đăng ký để được cấp thẻ", ông Minh nói và cho rằng Sở Giao thông Vận tải cũng cần đưa ra quy trình cấp thẻ đơn giản, thuận tiện, có thể khai báo trực tiếp qua internet, gửi thẻ qua đường bưu điện.
TP HCM từng là địa phương đầu tiên trên cả nước triển khai việc này từ ngày 1/1/2011 bằng Quyết định 71 của UBND TP. Tuy nhiên, việc triển khai gặp không ít vướng mắc, khi người hành nghề xe ôm chủ yếu là dân ngoại tỉnh, không có hộ khẩu thường trú hoặc sổ tạm trú dài hạn (KT3) như quy định. Việc yêu cầu người hành nghề phải có "chứng nhận đăng ký kinh doanh" cũng là một nút thắt chưa có lời giải.
Hà Nội hiện có 5,2 triệu xe máy; trên 1,2 triệu xe đạp; hơn 11 nghìn xe đạp điện, xe máy điện; chưa kể số phương tiện ngoại tỉnh hoạt động trên địa bàn.
Võ Hải - Tất Định