"Dữ liệu sơ bộ không cho thấy biến chủng này nghiêm trọng hơn. Thực tế, xu hướng còn cho thấy điều ngược lại", Michael Ryan, giám đốc đáp ứng khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cho biết trong cuộc phỏng vấn hôm 7/12 tại Geneva, Thụy Sĩ.
Tuy nhiên, ông nhấn mạnh đây mới là những dữ liệu ban đầu và cần phải nghiên cứu thêm về Omicron trước khi đưa ra kết luận chắc chắn.
Ryan thừa nhận có khả năng các loại vaccine hiện nay có thể kém hiệu quả hơn với biến chủng Omicron, vốn có hơn 30 đột biến trên protein gai, nhưng không có dấu hiệu nào cho thấy Omicron hoàn toàn né được hiệu quả bảo vệ từ vaccine.
"Chúng ta có những loại vaccine đã chứng minh được hiệu quả chống lại tất cả biến chủng, ngăn ca bệnh nặng và nhập viện", ông cho hay, dẫn dữ liệu sơ bộ từ Nam Phi cho thấy vaccine "ít nhất đang duy trì khả năng bảo vệ".
Quan chức WHO cũng nhấn mạnh rằng trong cuộc chiến chống lại tất cả các biến chủng, "vũ khí tốt nhất chúng ta có ngay bây giờ là tiêm phòng".
Hai tuần sau khi được WHO liệt vào nhóm biến chủng đáng lo ngại, Omicron đã xuất hiện ở 50 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Dữ liệu ban đầu từ các nhà nghiên cứu Nam Phi chỉ ra Omicron có khả năng lây nhiễm cao hơn các biến chủng trước đó, nhưng Ryan cho biết đây không phải điều bất ngờ.
"Khi bất kỳ biến chủng mới nào xuất hiện, nó sẽ có xu hướng dễ lây lan hơn, bởi nó phải cạnh tranh với các biến chủng trước", ông nói.
Ryan dự báo Omicron sẽ dần thay thế Delta để trở thành chủng trội. Ông chỉ ra Omicron hiện lây lan đặc biệt nhanh ở Nam Phi, nơi Delta đã suy yếu và có thể chủng mới đang "khai thác lỗ hổng trong chuỗi lây nhiễm của Delta".
"Có một số bằng chứng cho thấy người từng mắc Covid-19 có khả năng nhiễm Omicron cao hơn so với các sóng lây nhiễm hoặc biến chủng trước. Nhưng chúng tôi không quá quan tâm liệu một người có bị nhiễm Omicron khi từng mắc Covid-19 trước đó hay không, mà là ca nhiễm nặng hay nhẹ hơn", Ryan cho hay.
Theo ông, các loại vaccine Covid-19 hiện nay nhằm ngăn bệnh diễn tiến nghiêm trọng, không phải bảo vệ khỏi lây nhiễm, nên người từng mắc Covid-19 bị nhiễm Omicron với triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng sẽ ít được quan tâm hơn. Tuy nhiên, Ryan nhấn mạnh biến chủng mới nào cũng vẫn là Covid-19, nên biện pháp đối phó không thay đổi, trong đó có tiêm chủng, đeo khẩu trang và giữ khoảng cách.
"Virus không thay đổi bản chất. Nó có thể lây lan mạnh hơn, nhưng không thay đổi hoàn toàn cuộc chơi. Quy tắc vẫn vậy", ông lưu ý.
Biến chủng Omicron được phát hiện đầu tiên tại Botswana vào ngày 11/11 và được Nam Phi báo cáo với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 24/11. Các nhà khoa học trên khắp thế giới đang nỗ lực chạy đua với thời gian để giải mã về mức độ nguy hiểm của biến chủng này, kết quả có thể được công bố trong vài ngày hoặc một tuần tới, theo Anthony Fauci, giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Mỹ (NIAID).
Huyền Lê (Theo AFP)