"Đức phải hiểu rằng thời điểm kết thúc chiến sự phụ thuộc vào lập trường của nước này", Mykhailo Podolyak, cố vấn Tổng thống Ukraine, ngày 13/9 cho biết. "Chúng tôi nhận được các loại vũ khí từ Đức càng nhanh thì nước này càng nhanh phá vỡ cảm giác gần gũi với Nga, chiến sự sẽ càng chóng kết thúc".
Trong bối cảnh quân đội Ukraine giành một số thành công trong đợt phản công ở tỉnh Kharkov, giới chức nước này thúc giục phương Tây lập tức cung cấp thêm vũ khí. Cố vấn Podolyak nói Ukraine đang đưa ra đề nghị cụ thể về xe tăng và thiết giáp để hỗ trợ đà tiến quân.
Tuy nhiên, Đức dường như không sẵn sàng chấp nhận yêu cầu của phía Ukraine, động thái khiến giới chức quốc gia Đông Âu thất vọng sâu sắc.
Chính phủ Đức ngày 13/9 nhấn mạnh họ phải phối hợp hành động với các đồng minh. "Chưa có quốc gia nào chuyển xe tăng chủ lực và xe chiến đấu bộ binh do phương Tây chế tạo cho Ukraine", Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht nói. "Chúng tôi đồng ý với các đối tác rằng Đức sẽ không đơn phương thực hiện hành động như vậy".
Một số quốc gia chuyển cho Ukraine thiết giáp M113, vốn do Mỹ sản xuất và biên chế lần đầu vào những năm 1960. Trong khi đó, Ba Lan và Czech chuyển vài trăm xe tăng chủ lực T-72 từ thời Liên Xô tới Ukraine, còn Đức cam kết tiếp tế hậu cần cho khí tài này.
Một quan chức quốc phòng cấp cao Mỹ ngày 12/9 nhận định đợt phản công của Ukraine "thể hiện hiệu quả" khi họ sử dụng tăng thiết giáp. "Rõ ràng năng lực này rất quan trọng", quan chức Mỹ đánh giá, song khẳng định nước này "chưa có bất cứ kế hoạch về khả năng cụ thể nào vào thời điểm này".
Sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ngày 24/2, Đức bị chỉ trích vì chần chừ chuyển vũ khí cho Ukraine. Giới chức Đức khi đó giải thích chính sách trong nhiều thập kỷ sau Thế chiến II khiến Đức không thể làm điều này.
Dưới áp lực chính trị và dư luận, Đức hồi tháng 4 thông báo chấp thuận chuyển pháo phòng không tự hành Gerpard cho Ukraine, cũng như một số tổ hợp lựu pháo tự hành PzH 2000. Tuy nhiên, Đức tiếp tục từ chối yêu cầu chuyển xe tăng, trong đó có mẫu Leopard 2.
Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba ngày 13/9 bày tỏ hy vọng Đức sẽ chuyển cho nước này xe chiến đấu bộ binh Marder. Nhiều quốc gia NATO đang vận hành tăng chủ lực Leopard với pháo 120 mm do Đức sản xuất, trong đó có Canada, Ba Lan và Thổ Nhĩ Kỳ, còn thiết giáp Marder được trang bị pháo 20 mm.
"Những tín hiệu đáng thất vọng từ Đức trong khi Ukraine đang cần xe tăng Leoard và thiết giáp Marder", ông Kuleba viết. "Không có lập luận hợp lý nào cho lý do không thể cung cấp những vũ khí này, chỉ có nỗi sợ hãi và lời bào chữa mơ hồ. Điều gì khiến Berlin sợ mà lại không làm Kiev lo ngại?".
Trong khi đó, Thủ tướng Đức Olaf Scholz khẳng định đang điều phối cẩn thận việc chuyển giao khí tài với các đối tác phương Tây. Đức thỏa thuận chuyển thiết giáp Marder cho Slovenia để nước này giao lại khí tài cùng loại từ thời Liên Xô cho Ukraine. Đức, Ba Lan và Czech cũng tham gia thỏa thuận tương tự với xe tăng. Tuy nhiên, các nỗ lực này phần lớn đang đình trệ.
Nguyễn Tiến (Theo WP)