Khi Nga trình làng chiếc xe tăng T-14 Armata trong lễ duyệt binh hồi tháng 5 với những tính năng tối tân của một cỗ máy "bán tự động", nhiều chuyên gia quân sự đã đặt câu hỏi về sức mạnh thực sự của chiếc xe tăng này nếu so với M1 Abrams, chiếc xe tăng chủ lực đã được quân đội Mỹ sử dụng từ thời Chiến tranh Lạnh và vẫn đang được tiếp tục nâng cấp.
Theo chuyên gia phân tích Dave Majumdar của National Interest, T-14 Armata là một sự bứt phá về công nghệ và tư duy thiết kế so với các mẫu xe tăng truyền thống trước đây của Nga. Trước đây, quân đội Nga thường chú trọng phát triển những loại xe tăng tương đối đơn giản, chi phí thấp, chịu được môi trường khắc nghiệt và có thể sản xuất hàng loạt trong thời gian ngắn.
Tư duy chế tạo xe tăng này khởi nguồn từ thời Liên Xô, khi quân đội Xô Viết quan tâm hơn đến số lượng xe tăng chứ không phải chất lượng để có thể đọ sức với những mẫu xe tăng hiện đại của phương Tây, nên những tính năng như hệ thống bảo vệ, khả năng sống sót của kíp điều khiển không phải là ưu tiên hàng đầu. Theo ông Majumdar, tất cả các mẫu xe tăng trước đây của Nga, chẳng hạn như T-90, đều được thiết kế, chế tạo dựa trên triết lý cơ bản này.
Tuy nhiên, chiếc T-14 Armata ngay từ ngoại hình của nó đã thể hiện sự đoạn tuyệt với tư duy thiết kế xe tăng truyền thống của Nga. Không còn kiểu tháp pháo hình tròn và cấu trúc thân xe đơn giản nữa, T-14 mang hơi hướng của một chiếc xe tăng phương Tây hiện đại, được trang bị những tính năng tối tân nhất chưa từng xuất hiện trên một chiếc xe tăng đang hoạt động nào trên thế giới.
Điều khiến T-14 Armata khác biệt so với tất cả các loại tăng trước đây là nó có tháp pháo không cần người điều khiển. Ưu điểm của thiết kế này là khoang lái hoàn toàn tách biệt với đạn dược trong xe, giúp nâng cao khả năng sống sót của kíp lái trong trường hợp xe tăng bị trúng đạn.
Ngoài ra, T-14 Armata còn được trang bị giáp đa lớp thụ động kết hợp với giáp phản ứng nổ và hệ thống bảo vệ chủ động. Hệ thống bảo vệ chủ động Afghanit được tích hợp các radar sóng mm có khả năng phát hiện, theo dõi và ngăn chặn những viên đạn chống tăng đang lao tới. Khi kết hợp những tính năng này, xe tăng Armata giúp kíp lái có cơ hội sống sót cao hơn so với bất kỳ mẫu tăng nào trước đây của Nga.
Tuy vậy, kiểu thiết kế tháp pháo độc lập này cũng có nhược điểm. Kíp điều khiển xe tăng phải hoàn toàn dựa vào hệ thống cảm biến trên xe để nắm bắt tình hình trên chiến trường và ngắm bắn mục tiêu. Trong trường hợp xe tăng Armata bị bắn trúng tháp pháo khiến các cảm biết và thiết bị điện tử tê liệt, chiếc xe tăng siêu hiện đại này coi như đã bị loại khỏi vòng chiến khi không còn khả năng ngắm bắn, dù nó vẫn có thể di chuyển được.
Trong khi đó, xe tăng M1A2 SEP Abrams của Mỹ đã chứng tỏ được tính hiệu quả và mức độ đáng tin cậy trên chiến trường trong nhiều năm qua, đến mức quân đội Mỹ vẫn quyết định tiếp tục nâng cấp chúng để tác chiến trong tương lai gần. Bản nâng cấp M1A3 sắp được đưa vào phục vụ sẽ có trọng lượng nhẹ hơn và khả năng cơ động cao hơn so với M1A2, và khẩu pháo nòng trơn 120 ly M256 cũng được thay thế bằng một khẩu pháo nhẹ hơn.
Với các loại đạn dẫn đường mới, xe tăng Abrams có thể bắn trúng mục tiêu ở khoảng cách xa tới 12.000 m, ngoài tầm quan sát thị giác của bất cứ xạ thủ nào. Xe tăng T-14 Armata cũng có thể bắn được tên lửa dẫn đường chống tăng qua khẩu pháo của nó, khiến yếu tố quyết định thắng thua nếu như hai chiếc xe tăng chạm trán phụ thuộc vào việc ai nhìn thấy đối phương trước.
Trong cuộc chiến ngoài tầm quan sát thị giác này, chiếc xe tăng nào "nhìn thấy" đối phương bằng các thiết bị hiện đại của mình trước luôn luôn giành phần thắng. Hiệu quả tác chiến của T-14 Armata lớn đến đâu phụ thuộc rất nhiều vào những tiến bộ của Nga trong việc phát triển các cảm biến và hệ thống mạng dữ liệu cho xe tăng.
Ông Andrey Terlikov, thiết kế trưởng của dự án Armata tuyên bố chiếc xe tăng này sẽ sớm có khả năng tự tác chiến trên chiến trường mà không cần đến kíp lái ngồi bên trong, RT cho hay. Trong triển lãm vũ khí EXPO-2015, Nga cũng khẳng định nước này đã bắt đầu sản xuất những chiếc xe thiết giáp chiến đấu "hoàn toàn tự động".
Nếu tuyên bố này là thật, chỉ trong vài năm nữa, xe tăng Armata có thể hoạt động trên chiến trường nhờ vào hệ thống điều khiển từ xa, bởi ông Terlikov khẳng định T-14 Armata hiện nay đã có đủ mọi yếu tố cần thiết để có thể biến thành một phương tiện chiến đấu hoàn toàn tự động. Mới đây, tập đoàn KRET của Nga cũng tiết lộ rằng xe tăng Armata sẽ được trang bị hệ thống kiểm soát hỏa lực tiên tiến giống như trực thăng vũ trang.
Bởi vậy, các nhà sản xuất vũ khí Nga đã tự tin tuyên bố rằng T-14 Armata là chiếc xe tăng duy nhất trên thế giới có thể đọ sức cùng M1A2 Abrams của Mỹ. Ông Vyacheslav Khalitov, phó tổng giám đốc công ty chế tạo Armata Uralvagonzavod cho rằng chiến trường tương lai là "sàn diễn" của các loại "vũ khí lai", những vũ khí có thể tự động khai hỏa hoặc do con người điều khiển trực tiếp. Trong môi trường tác chiến phức tạp đó, T-14 Armata là chiếc xe tăng duy nhất có thể chiến thắng được các vũ khí hiện đại khác, ông này nhấn mạnh.
Tuy nhiên, đó mới chỉ là tuyên bố chưa được kiểm chứng của các nhà sản xuất vũ khí Nga, bởi Armata là mẫu tăng rất mới chưa có những trải nghiệm chiến trường thực tế như Abrams, và thiết kế mang tính đột phá của nó rất có thể vẫn tiềm ẩn những vấn đề phức tạp. Ngoài ra, với giá thành rất cao của T-14 Armata, Nga rất khó có thể thực hiện kế hoạch sản xuất đồng loạt 2.300 chiếc xe tăng hiện đại này để thay thế các mẫu tăng T-72 và T-90 trong biên chế, đặc biệt là với hoàn cảnh khó khăn của kinh tế Nga như hiện nay.
Trí Dũng