"Chúng tôi cung cấp một loạt các hệ thống điện tử mới, từ hệ thống kiểm soát bắn cho tới thiết bị định vị quán tính tự động. Chúng tôi đang phát triển hệ thống kiểm soát vũ khí cho trực thăng, và chúng tôi cũng có thể áp dụng công nghệ đó cho xe tăng", Sputnik News ngày 8/9 dẫn lời ông Vladimir Mikheyev, giám đốc cấp cao tại Tập đoàn Công nghệ Vô tuyến điện tử (KRET), cho hay.
Theo ông Mikheyev, khi được trang bị công nghệ này, ghế lái trên xe tăng Armata sẽ trông giống như ghế của phi công trực thăng với các nút điều khiển chống sốc đa năng cùng các thiết bị điện tử phù hợp với yêu cầu của một phương tiện chiến đấu trên mặt đất.
Nga đang có kế hoạch thay thế 70% xe tăng trong quân đội nước này đến năm 2020. Để thực hiện kế hoạch này, từ năm sau, quân đội Nga sẽ mua sắm một loạt các hệ thống vũ khí mới cho lực lượng thiết giáp, trong đó có xe tăng Armata, xe bọc thép chở quân Bumerang, Kurganets-25 và Typhoon.
Chiếc xe tăng thế hệ mới T-14 Armata sẽ hoàn tất các thử nghiệm cuối cùng và dự kiến sẽ được sản xuất hàng loạt vào năm 2016, tướng Oleg Salyukov, tư lệnh lực lượng bộ binh Nga cho hay. Đây được coi là chiếc xe "bán robot" đầu tiên của Nga và vượt trội hơn về công nghệ so với nhiều đối thủ của phương Tây.
Nga dự kiến sẽ sản xuất khoảng 1.300 chiếc T-14 Armata để thay thế cho lực lượng xe tăng chiến đấu chủ lực T-72 và T-90 đã già cỗi của nước này. Theo ước tính, giá của một chiếc T-14 Armata có thể xấp xỉ 8 triệu USD. Theo các chuyên gia quân sự Nga, T-14 Armata là chiếc xe tăng "bất khả xâm phạm" trong thời điểm hiện nay, có thể chống lại tất cả các vũ khí của NATO như súng phóng lựu hoặc tên lửa chống tăng có cỡ nòng 150 mm, do được tích hợp lớp giáp phản ứng nổ (ERA) tiên tiến.
"Giáp ERA mới có thể chống được mọi loại đạn diệt tăng hiện nay của NATO, từ đạn xuyên giáp DM53 và DM63 tối tân do Rheinmetall sản xuất cho tới các loại tên lửa chống tăng mặt đất trang bị đầu nổ mạnh", IHS Jane’s cho biết.
Trí Dũng