Armata là một dự án chế tạo xe tăng chiến đấu chủ lực (MBT) của Nga. Mẫu xe tăng này được phát triển từ năm 2011.Quân đội Nga lần đầu giới thiệu mô hình Armata vào năm 2013. Phiên bản thử nghiệm được trình làng năm 2014. Dự kiến trong năm nay, 12 chiếc đầu tiên sẽ xuất xưởng nhưng chỉ nhằm phục vụ nghi lễ diễu hành kỷ niệm ngày chiến thắng phát xít ở Moscow. Tuy nhiên, theo hãng thông tấn Interfax, những chiếc xe tăng Armata với đầy đủ tính năng sẽ được bàn giao hàng loạt từ năm 2017 đến 2018.
Theo trang thông tin quân sự Military-today, Armata sẽ là con át chủ bài thay thế các mẫu xe tăng T-72, T-80 và T-90 đã lỗi thời của Nga. Một chiếc Armata điển hình dự kiến do một đội hai người điều khiển. Nếu thông tin này chính xác thì Armata sẽ là chiếc MBT với đội lái ít thành viên nhất tính đến nay.
Các loại xe tăng cũ của Nga thường do đội ba người vận hành, trong khi hầu hết những mẫu của châu Âu cần tới 4 người. Việc giảm số thành viên trong đội giúp thu nhỏ kích cỡ và tăng cường khả năng bảo vệ của xe. Đội lái nhiều khả năng được bố trí ngồi trong một khoang bọc thép, tách biệt hoàn toàn với hệ thống nạp tự động cũng như kho đạn dược.
Một số báo cáo cho biết Armata sử dụng các loại vũ khí được phát triển mới, làm từ thép, sứ và vật liệu composite. Armata có thể được lắp đặt lớp giáp chống nổ (ERA) Malakhit nhằm đối phó các loại đạn phá giáp. Armata cũng có cơ chế chống các tác nhân hóa học, sinh học, hạt nhân và hệ thống chống cháy tự động.
Hỏa lực của Armata được nâng cao bằng súng nòng trơn 2A82 125 mm, gắn trên tháp pháo không người lái. Ngoài ra, Armata còn có thể khai hỏa tên lửa dẫn đường chống tăng. Với cự ly 5km, Armata đủ sức bắn hạ những loại máy bay trực thăng tầm thấp.
Armata được vận hành nhờ động cơ diesel tăng áp A-85 1.500 mã lực. Thế hệ động cơ mới này mạnh hơn nhiều so với loại động cơ xe tăng nhỏ gọn trước đây do Nga sản xuất.
Theo Business Insider, một trong những công nghệ quan trọng nhất của Armata là chế độ phòng vệ chủ động Afganit, dùng radar để phát hiện các loại đạn như đạn súng phóng lựu hay tên lửa. Khi hỏa lực đối phương tiếp cận, hệ thống lập tức kích hoạt tên lửa đánh chặn, tiêu diệt đầu đạn, đảm bảo an toàn cho xe tăng.
Nhật báo Rossiyskaya Gazeta của Nga khẳng định hệ thống này trên lý thuyết có thể giúp Armata sống sót trước các đợt không kích của máy bay trực thăng Apache. Tuy nhiên, theo Văn phòng Nghiên cứu Quân sự nước ngoài thuộc Quân đội Mỹ, hệ thống Afganit chỉ có thể bảo vệ Armata khỏi các loại "lựu đạn, tên lửa chống tăng và đạn pháo hạng nhẹ".
Xe tăng Armata được trang bị cả hệ thống chống mìn cùng hàng loạt camera độ phân giải cao, cho phép người điều khiển quan sát toàn bộ các hướng xung quanh thân xe.
Đặc biệt, phần khung của Armata được thiết kế nhằm hỗ trợ nhiều khí tài quân sự khác nhau như một số loại súng phun lửa, pháo tự hành, xe lội nước, xe tiếp viện.
Việc sử dụng một loại khung xe có khả năng tương thích với nhiều loại phương tiện sẽ giúp Nga cắt giảm chi phí, từ đó đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa quân đội. Hoạt động hậu cần sẽ trở nên hiệu quả hơn do quân đội Nga không cần quá nhiều linh kiện, phụ tùng để vận hành các xe thiết giáp.
Tạp chí Stern của Đức bình luận "Armata sẽ là một khí tài quân sự nổi bật trong ngành công nghiệp chế tạo xe tăng Nga bằng sự cơ động cũng như tốc độ của nó".
Vũ Hoàng