Cảnh sát Liên bang Australia (AFP) tuần trước khám xét nhà và văn phòng nghị sĩ đảng đối lập Shaoquett Moselmane, thành viên Hội đồng Lập pháp bang New South Wales, cùng John Zhang, cựu nhân viên của ông. Vụ đột kích này được thực hiện theo luật chống can thiệp nước ngoài mà Canberra thông qua năm 2018, giữa lúc có nhiều lo ngại về nguy cơ Bắc Kinh can thiệp nội bộ.
Văn phòng của Moselmane đã trở thành "tâm điểm" nghi vấn của Tổ chức Tình báo An ninh Quốc gia Australia (ASIO) về việc liệu ông và nhân viên có liên quan tới các hoạt động gây ảnh hưởng của Trung Quốc tại quốc gia này hay không.
Đây là một canh bạc lớn với Australia. Một vụ truy tố và kết án thành công sẽ tăng thêm sức nặng pháp lý cho cáo buộc Trung Quốc can thiệp vào xã hội và chính trị Australia trong nhiều năm qua. Đồng thời, nó cũng giúp chứng minh mối lo ngại của thế giới về việc ảnh hưởng của Bắc Kinh ngày càng lớn.
Nhưng nó chắc chắn làm tăng thêm căng thẳng cho mối quan hệ ngày càng rạn nứt giữa Canberra và Bắc Kinh. Ngoài ra, nếu Caberra không thể đưa ra bằng chứng thuyết phục về việc can thiệp quá mức của Bắc Kinh, nó sẽ làm tăng thêm chỉ trích rằng Australia quá đa nghi và theo chủ nghĩa bài Trung Quốc.
"Tôi nhận thấy nó sẽ tạo ra bước ngoặt. Tôi tin rằng ASIO và AFP đã có bằng chứng chắc chắn. Nếu không, hành động này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới danh tiếng của họ. Tất nhiên, vụ này cũng sẽ được cả thế giới dõi theo, đặc biệt là Trung Quốc", Feng Chongyi, phó giáo sư Đại học Công nghệ Sydney, cho hay.
Luật chống can thiệp nước ngoài của Australia đưa ra 40 tội danh, trong đó có đánh cắp bí mật thương mại cho chính phủ nước ngoài, hay thay mặt chính phủ nước ngoài thực hiện bất kỳ hành vi gây ảnh hưởng tới chính trị. Nó cũng yêu cầu các nhà vận động hành lang nước ngoài phải đăng ký thông tin cá nhân.
George Rennie, giảng viên chính trị và chuyên gia về chiến lược vận động hành lang tại Đại học Melbourne, cho biết vận động hành lang được xem như hoạt động ngoại giao phổ biến ở nhiều quốc gia, trong đó có Trung Quốc và Mỹ, nhưng vẫn có các "vùng xám" nơi "các ranh giới có thể bị vượt qua và rất khó phát hiện".
Greg Barns, người phát ngôn về tư pháp hình sự quốc gia cho Liên minh Luật sư Australia, cho biết việc ca ngợi Bắc Kinh hay chỉ trích Canberra đơn thuần không phải là hành vi phạm tội. Tuy nhiên, ông nói thêm luật bao gồm các tội danh "liên quan tới việc cung cấp thông tin bất lợi cho Australia và có lợi cho quốc gia khác, những quy định được xem quá rộng và mơ hồ".
Ngoài ý định muốn gửi thông điệp cứng rắn tới Bắc Kinh, các cuộc đột kích mới đây có thể cho thấy quan ngại về việc chính trị gia bị lôi kéo bởi "các hợp đồng vận động hành lang hấp dẫn khi họ rời nhiệm sở", theo Clive Williams, giáo sư Đại học Quốc gia Australia và từng là giám đốc tình báo an ninh.
Hôm 29/6, Moselmane kiên quyết phủ nhận mọi hành vi sai trái và nói rằng ông không phải nghi phạm trong cuộc điều tra của cảnh sát Australia. "Tôi không làm điều gì sai trái. Tôi chưa từng gây tổn hại tới lợi ích của đất nước và của người dân", Moselmane nói trong cuộc họp báo ở Sydney.
Moselmane nói thêm bằng chứng hiện tập trung vào "vài người khác với cáo buộc thúc đẩy mục tiêu của chính phủ nước ngoài" và lên án cái mà ông gọi là "tấn công chính trị".
AFP và ASIO từ chối bình luận, nhưng cho biết các cuộc điều tra đang được tiến hành.
Khi được hỏi về vấn đề trên trong buổi họp báo hôm 29/6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói không bình luận về vấn đề nội bộ của Australia, trước khi cáo buộc một số chính trị gia của Canberra "bị ám ảnh với nỗi lo sợ về Trung Quốc".
"Họ thường đưa ra cáo buộc vô căn cứ về Trung Quốc trong các vấn đề chính trị nội bộ, kỳ thị và bôi nhọ việc hợp tác với Trung Quốc và gây tổn hại mối quan hệ song phương. Điều này hoàn toàn không mang tính xây dựng và vô trách nhiệm", ông Triệu nói.
Ông Triệu cũng tuyên bố "có bằng chứng không thể chối cãi" về hoạt động gián điệp của Australia ở Trung Quốc dù không đưa ra thông tin cụ thể.
Cả Moselmane và cựu nhân viên John Zhang đều đối mặt với nhiều cáo buộc thân Trung Quốc trong những năm gần đây. Hồi tháng 4, Moselmane đã phải rời ghế trợ lý Chủ tịch Thượng viện New South Wales, sau khi tờ Sydney Morning Herald đưa tin ông đăng lên trang web cá nhân bài viết ca ngợi vai trò lãnh đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình trong cuộc chiến với Covid-19. Năm 2018, Moselmane cũng vấp phải chỉ trích gay gắt khi ủng hộ Trung Quốc "kiểm soát nhiều hơn truyền thông toàn cầu" và lãnh đạo "trật tự thế giới mới".
Nghị sĩ Australia này cũng từng bị lên án sau khi niên giám xuất bản năm 2014 chỉ ra Zhang, trợ lý và người viết diễn văn của ông, là người tham gia khóa đào tạo về tuyên truyền do Văn phòng Ngoại kiều Trung Quốc tổ chức.
Cho tới năm ngoái, Zhang vẫn là phó chủ tịch Hiệp hội Kinh tế, Thương mại và Văn hóa Australia - Trung Quốc (ACETCA), tổ chức mà nhiều nhà phân tích mô tả có mối liên hệ mật thiết với Bắc Kinh. ACETCA đã lên tiếng phủ nhận cáo buộc.
Moselmane và Zhang cũng từng được truyền thông Trung Quốc nhắc đến với tư cách là nhà nghiên cứu và giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Hoa Đông ở Thượng Hải. Trung tâm Nghiên cứu Australia của đại học này, do học giả và nhà phê bình Chen Hong đứng đầu, từng tổ chức cho Moselmane buổi thảo luận về luật chống can thiệp nước ngoài của Canberra hồi năm 2018.
"Tôi cho rằng ASIO đã chuẩn bị rất kỹ cho vụ này và để đảm bảo vụ đầu tiên áp dụng luật chống can thiệp sẽ thành công", Peter Jennings, giám đốc điều hành Viện Chính sách Chiến lược Australia ở Canberra, nhận định.
Tuy nhiên, nhiều khía cạnh khác của cuộc điều tra đang làm dấy lên nhiều lo ngại. Việc nhiều hãng truyền thông đã chụp ảnh được vụ đột kích cho thấy thông tin đã bị rò rỉ trước đó.
"Đây không phải lần đầu tiên thông tin về cuộc đột kích của AFP bị rò rỉ. Về lâu dài, nó sẽ làm tổn hại danh tiếng của các cơ quan này về khả năng hoạt động độc lập, ngay cả khi họ không phải nguồn rò rỉ thông tin", James Laurenceson, giám đốc Viện Quan hệ Australia - Trung Quốc, nói.
Thanh Tâm (Theo SCMP)