Kết quả khảo sát của Viện Lowy tại Sydney được công bố hôm nay cho thấy số người Australia tin tưởng Trung Quốc hành động có trách nhiệm trên trường quốc tế giảm từ 52% năm 2018 xuống còn 23%. Số người Australia coi Trung Quốc là đối tác kinh tế giảm xuống còn 55% so với 82% năm 2018.
"Tin tưởng vào Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của chúng ta, đã giảm nhanh chóng", Giám đốc Viện Lowy Michael Fullilove cho biết khi công bố kết quả khảo sát. "Niềm tin vào lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình thậm chí còn giảm mạnh hơn".
94% số người được hỏi nói rằng họ muốn thấy Australia giảm phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc và 82% ủng hộ các biện pháp trừng phạt quan chức Trung Quốc liên quan đến vi phạm nhân quyền. Trung Quốc chiếm khoảng 1/4 giá trị thương mại của Australia. Các khoáng sản Australia được xuất khẩu tới Trung Quốc để xây dựng ngành công nghiệp nặng và sản xuất năng lượng.
Khảo sát mức độ tin tưởng với Trung Quốc được tiến hành từ năm 2005 và năm nay, Viện Lowy khảo sát 2.448 người trưởng thành trên khắp Australia.
Kết quả khảo sát năm nay cũng cho thấy sự ủng hộ ngày càng tăng của người Australia đối với liên minh an ninh giữa Canberra và Washington, tăng 6 điểm, lên 78%. 51% người được hỏi tin tưởng Mỹ hành động có trách nhiệm trên thế giới, 55% đánh giá mối quan hệ của Australia với Mỹ quan trọng hơn mối quan hệ với Trung Quốc.
Trung Quốc ngày càng trở nên quyết đoán hơn dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình khi Bắc Kinh tìm cách chuyển sức mạnh kinh tế đang lên thành sức mạnh chính trị, ngoại giao và quân sự. Tuy nhiên, việc phô diễn sức mạnh đã gây ra loạt tranh chấp với các nước láng giềng trong khu vực, từ các cuộc ẩu đả biên giới với Ấn Độ đến những xung đột ngoại giao công khai với Australia.
Những tháng gần đây, Trung Quốc áp lệnh trừng phạt thương mại vào các sản phẩm Australia, tuyên án tử hình công dân Australia và chế giễu liên minh lâu đời của Canberra với Washington. Những động thái này nhằm trả đũa việc Australia phản đối công ty công nghệ Huawei, lên án công khai gián điệp Trung Quốc và ảnh hưởng của Trung Quốc ở nước này cũng như kêu gọi điều tra độc lập nguồn gốc virus cũng như cách xử lý trong đại dịch Covid-19.
Huyền Lê (Theo AFP, Reuters)