"Khí cầu dân sự đến từ Trung Quốc phục vụ nghiên cứu khí tượng và các hoạt động khoa học khác. Do ảnh hưởng của gió tây và khả năng điều khiển hạn chế, khí cầu đã đi chệch hướng dự kiến", Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 3/2 thông báo.
"Trung Quốc lấy làm tiếc vì khí cầu đi lạc vào Mỹ do sự cố bất khả kháng. Trung Quốc sẽ tiếp tục duy trì liên lạc với phía Mỹ để xử lý thỏa đáng sự cố này", Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết.
Mỹ chưa bình luận về thông báo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc.
Trước đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh đề nghị Mỹ thận trọng trong xử lý vụ khí cầu nghi là phương tiện do thám. Bà Mao Ninh cảnh báo "những lời đồn đoán và thổi phồng" không mang lại lợi ích trước khi thông tin về khí cầu được làm sáng tỏ.
Lầu Năm Góc ngày 3/2 thông báo không quân Mỹ nhiều ngày qua theo dõi một khí cầu tiến vào không phận nước này, nhận định đây là "khí cầu do thám tầm cao của Trung Quốc".
Phát ngôn viên Lầu Năm Góc Patrick Ryder nói khí cầu Trung Quốc bay rất cao và cách xa khu vực diễn ra hoạt động hàng không, đồng thời không gây nguy hiểm cho quân đội hoặc người dân Mỹ dưới mặt đất.
Khí cầu nói trên bay qua một số địa điểm nhạy cảm, song Mỹ đánh giá phương tiện có giá trị hạn chế trong thu thập thông tin tình báo. Một quan chức Mỹ cho biết quân đội nước này vẫn "hành động nhanh chóng để ngăn khí cầu thu thập dữ liệu quan trọng".
Quân đội Mỹ lên kế hoạch bắn hạ khí cầu đi lạc trên bầu trời bang Montana và điều tiêm kích tàng hình F-22 tới khu vực. Tuy nhiên, Lầu Năm Góc từ bỏ kế hoạch này do lo ngại mảnh vỡ rơi xuống đất và đe dọa những người phía dưới.
Nguyễn Tiến (Theo Reuters)