"Tôi đã ra lệnh bắn hạ một vật thể không xác định xâm phạm không phận Canada. Bộ Tư lệnh Phòng không Bắc Mỹ (NORAD) hạ vật thể trên không phận vùng Yukon. Máy bay của Canada, Mỹ xuất kích và một chiếc F-22 của Mỹ đã bắn trúng vật thể", Thủ tướng Canada Justin Trudeau thông báo trên Twitter ngày 11/2.
Yukon là vùng lãnh thổ nhỏ nhất và xa nhất của Canada, nằm ở tây bắc đất nước, giáp với bang Alaska của Mỹ. Thủ tướng Trudeau cho biết ông đã trao đổi với Tổng thống Mỹ Joe Biden về sự việc.
"Lực lượng Canada sẽ thu hồi và phân tích mảnh vỡ của vật thể. Cảm ơn NORAD vì đã giám sát khu vực Bắc Mỹ", ông Trudeau cho biết thêm.
Bộ trưởng Quốc phòng Canada Anita Anand cũng đã trao đổi với người đồng cấp Mỹ Lloyd Austin. "Hai bên tái khẳng định chúng tôi sẽ luôn cùng nhau bảo vệ chủ quyền của mình", bà thông báo trên Twitter.
Trong cuộc họp báo sau đó, Bộ trưởng Quốc phòng Anand cho biết vật thể hình trụ, nhỏ hơn khí cầu Trung Quốc bị Mỹ bắn hạ tuần trước song có hình dáng tương tự. Theo bà, nó đang bay ở độ cao 12 km và gây rủi ro cho giao thông hàng không dân sự khi bị bắn hạ.
"Không có lý do gì để tin rằng tác động của vật thể trên lãnh thổ Canada gây ra mối lo ngại đối với công chúng", bà Anand nói, song từ chối suy đoán nguồn gốc của vật thể này.
Lầu Năm Góc cho hay NORAD phát hiện vật thể này trên bầu trời Alaska tối 10/2. Các chiến đấu cơ Mỹ từ căn cứ Elmendorf-Richardson, Alaska, đã theo dõi khi nó bay vào không phận Canada. Tại đây, các máy bay CF-18 và CP-140 của Canada tham gia nhiệm vụ theo dõi cùng chiến đấu cơ Mỹ.
"Một chiếc F-22 của Mỹ đã bắn hạ vật thể trên lãnh thổ Canada bằng tên lửa AIM 9X sau sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền Mỹ và Canada", người phát ngôn Lầu Năm Góc Patrick Ryder cho biết.
Sự việc diễn ra một ngày sau khi Tổng thống Mỹ hôm 10/2 lệnh bắn hạ vật thể kích thước bằng chiếc ôtô nhỏ, bay ở độ cao 12 km trên không phận bang Alaska, do giới chức an ninh đánh giá nó là "mối đe dọa đối với an toàn hàng không dân sự".
Không quân Mỹ đã sử dụng tiêm kích, trong đó có F-35, để thu thập thông tin về vật thể bay lạ trong hai ngày 9 và 10/2. Cả hai lần tiếp cận đều chỉ thu được thông tin "hạn chế" về mục tiêu, trong đó có kết luận đây dường như là thiết bị bay không người lái.
Đánh giá ban đầu cho thấy vật thể này không có thiết bị do thám, có kích thước nhỏ hơn và mức độ công nghệ thấp hơn khí cầu Trung Quốc bị bắn hạ tuần trước. Giới chức Mỹ chưa rõ nguồn gốc vật thể, nhưng tin đây không phải là thiết bị của Mỹ.
Một số quan chức tiết lộ vật thể rơi xuống Bắc Băng Dương, gần biên giới Canada, cách bờ biển phía bắc Alaska khoảng 16 km. Lầu Năm Góc đã lên kế hoạch thu hồi mảnh vỡ của vật thể.
"Hiện chúng tôi không có thêm thông tin chi tiết nào về vật thể, bao gồm khả năng, mục đích hoặc nguồn gốc của nó", NORAD cho biết hôm 11/2, thêm rằng điều kiện thời tiết khó khăn ở Bắc Cực, như gió lạnh, tuyết và ánh sáng ban ngày hạn chế sẽ cản trở nỗ lực tìm kiếm, thu hồi.
Những vụ bắn hạ diễn ra trong bối cảnh căng thẳng Washington - Bắc Kinh tăng nhiệt sau vụ khí cầu Trung Quốc đi vào không phận Mỹ ngày 28/1, di chuyển sang không phận Canada ngày 30/1 và trở lại vùng trời Mỹ một ngày sau đó. Giới chức Mỹ không công khai về sự hiện diện của khí cầu cho đến ngày 2/2.
Không quân Mỹ sau đó điều tiêm kích tàng hình F-22 phóng tên lửa, bắn hạ khí cầu Trung Quốc trên vùng biển ngoài khơi bang Nam Carolina ngày 4/2. Hạ viện Mỹ ngày 9/2 thông qua nghị quyết lên án việc Trung Quốc "sử dụng khí cầu do thám tầm cao trên lãnh thổ Mỹ là hành vi vi phạm trắng trợn chủ quyền" nước này.
Trung Quốc cho biết nước này đã nhiều lần giải thích khí cầu bị bắn hạ được dùng cho mục đích dân sự và vô tình đi vào không phận Mỹ, song bị Washington phớt lờ. Bắc Kinh cáo buộc cách xử lý khí cầu của Washington là "thái quá, sai lầm và vô trách nhiệm".
Huyền Lê (Theo Reuters, AFP)