Nga đang tận hưởng nhiều "trái ngọt" trong các lĩnh vực quân sự, thương mại và ngoại giao sau 4 năm can thiệp quân sự vào Syria. Không chỉ giúp chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad đứng vững và thu hồi phần lớn lãnh thổ, đánh bại phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, Nga còn củng cố và mở rộng ảnh hưởng trong khu vực, ký kết ngày càng nhiều hợp đồng vũ khí giá trị lớn ở Trung Đông.
Chuyên gia phân tích Omar Lamrani thuộc Trung tâm nghiên cứu Stratfor của Mỹ nhận định Nga đã thu được thành quả ngoài mong đợi ở Syria với chi phí tương đối thấp.
Với lực lượng chỉ 5.000 quân được triển khai ở Syria vào giai đoạn cao điểm, Nga đã phối hợp cùng các đồng minh như Iran để ổn định tình hình Syria. Các đòn không kích của Nga tạo điều kiện cho quân đội Syria phản công đẩy lùi cả IS lẫn các nhóm nổi dậy, bảo vệ được hai căn cứ quân sự quan trọng ven bờ Địa Trung Hải và tiếp cận một số lợi ích thương mại ở nước này.
Màn phô diễn của không quân Nga trên chiến trường Syria đã làm thay đổi cái nhìn của thế giới về sức mạnh quân sự Nga, đồng thời giúp Moskva đóng vai trò ngoại giao lớn hơn tại Trung Đông.
Về mặt ngoại giao, Nga mở rộng quan hệ đối tác với Iran, chuyển quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ từ đối đầu căng thẳng sang phối hợp chặt chẽ và trở thành thế lực then chốt trong khu vực mà Israel, Jordan, Iraq và Arab Saudi không thể phớt lờ.
Moskva cũng thành công khi buộc Washington tham gia đàm phán về các vấn đề khu vực như tiêu hủy vũ khí hóa học ở Syria, bất chấp việc Nga đang bị phương Tây trừng phạt sau sự kiện sáp nhập bán đảo Crimea.
Về mặt quân sự, chiến dịch can thiệp tại Syria giúp quân đội Nga thử nghiệm các vũ khí mới, luân chuyển quân đến chiến trường để tích lũy kinh nghiệm thực chiến, mở rộng thị trường xuất khẩu vũ khí sau khi chứng tỏ hiệu quả của chúng trên chiến trường.
"Những thành quả thu được rất to lớn, trong khi thương vong và tổn thất tương đối thấp giúp Nga phát triển chiến lược 'hành động có giới hạn'", Lamrani nhận xét.
Nga cũng thu được những lợi ích quan trọng thông qua sự hiện diện tại Syria từ khi Thổ Nhĩ Kỳ phát động chiến dịch quân sự ở miền bắc nước này hôm 9/10. Sau khi Mỹ rút phần lớn quân khỏi biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ và mất uy tín cũng như ảnh hưởng với các đồng minh, Nga trở thành bên duy nhất có thể đàm phán với tất cả các quốc gia, phe phái liên quan nhằm tìm giải pháp cho vấn đề Syria.
Hình ảnh đoàn xe thiết giáp chở lực lượng quân cảnh Nga tiếp quản các căn cứ quân sự bị Mỹ bỏ lại một cách vội vã đã thể hiện chiến thắng mang tính biểu tượng của nước này ở Syria.
Vị thế mới trên chiến trường Syria cũng giúp Moskva thành bên trung gian hòa giải không thể thiếu với mọi phe phái, bao gồm cả Các lực lượng Dân chủ Syria (SDF) với nòng cốt là dân quân người Kurd và những nhóm phiến quân được Ankara hậu thuẫn.
Tuy nhiên, giới phân tích cũng cảnh báo rằng dù thu được nhiều thành công cả về chiến thuật lẫn chiến lược ở Syria, Nga vẫn sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức ở phía trước, bởi Trung Đông từ lâu luôn là một "chảo lửa" với rất nhiều mâu thuẫn, xung đột chồng chéo. Theo Lamrani, mối đe dọa đầu tiên với Nga hiện nay chính là các nhóm Hồi giáo cực đoan trong khu vực đang lăm le trỗi dậy.
Khoảng trống quyền lực Mỹ bỏ lại ở miền đông Syria và những rối ren nảy sinh từ chiến dịch chống người Kurd của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là điều kiện thuận lợi cho IS tái xuất. Những phần tử cực đoan mới đào thoát khỏi các nhà tù ở đông bắc Syria cũng sẽ gia tăng đáng kể sức mạnh cho nhóm khủng bố này.
Các nhóm Hồi giáo cực đoan khác có thể tận dụng giai đoạn này để tích lũy lực lượng, chuyển trọng tâm hoạt động từ tỉnh Idlib đến các khu vực khác ở Syria. Nga sẽ phải triển khai thêm quân và nguồn lực đến Syria để đối phó với xu hướng này, nhất là khi các nhóm phiến quân chống chính phủ Assad đều coi Moskva là kẻ thù.
Sự chia rẽ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ cũng mang đến một số rủi ro cho Nga, do Moskva và Ankara đang ủng hộ hai phe đối lập nhau sau khi Washington rút lui và người Kurd bị đẩy lùi khỏi miền bắc Syria.
Điểm nóng xung đột trên thực tế nằm ở tây Syria, với hai bên gồm phiến quân thân Thổ Nhĩ Kỳ và quân đội chính phủ Syria do Nga hậu thuẫn. Tiền tuyến đối đầu giữa hai lực lượng này mở rộng về phía đông sông Eupharates, khiến khả năng nổ ra giao tranh sẽ tăng lên và kéo cả hai quốc gia vào tranh chấp.
Trên thực tế, quân đội Syria và Thổ Nhĩ Kỳ hôm 29/10 đã có cuộc đụng độ đầu tiên ở thành phố biên giới Ras al-Ain khiến 6 binh sĩ Syria thiệt mạng. Nếu Nga và Thổ Nhĩ Kỳ không có các biện pháp can thiệp kịp thời, những vụ chạm súng như vậy có thể xảy ra thường xuyên hơn, gây thương vong lớn cho hai bên.
Việc rạn nứt quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ cũng có thể thúc đẩy Mỹ lên kế hoạch sơ tán 50 quả bom hạt nhân B-61 khỏi căn cứ không quân Incirlik ở nước này. Nếu điều này xảy ra, Ankara có nguy cơ theo đuổi chương trình vũ khí hạt nhân của riêng mình, dẫn tới chạy đua vũ trang gây bất ổn khu vực. Nga sẽ là bên hứng chịu nhiều rủi ro khi ngày càng nhiều vũ khí hạt nhân xuất hiện sát biên giới nước này.
Vị thế mạnh của Nga cũng khiến họ mắc kẹt trong các cuộc cạnh tranh ảnh hưởng ở khu vực, đặc biệt là giữa Iran và Israel. Cả Moskva và Tehran đều đang ủng hộ chính phủ Syria, khiến quân đội Nga có nguy cơ bị kéo vào vòng xoáy bạo lực trong trường hợp các lực lượng thân Iran tấn công Israel và buộc Tel Aviv đáp trả.
Trên thực tế, Nga đã chịu tổn thất lớn khi trinh sát cơ Il-20 của quân đội nước này bị kíp tên lửa phòng không S-200 Syria bắn nhầm trong nỗ lực đáp trả đòn không kích của Israel hồi tháng 9/2018.
Ngay cả khi các cường quốc phương Tây rời bỏ Syria, lực lượng Nga ở nước này vẫn có thể bị thiệt hại dưới các đòn không kích nhằm vào quân đội Syria với cáo buộc dùng vũ khí hóa học.
"Cho đến nay, các tính toán của Nga ở Syria vẫn đang thành công. Với lực lượng tương đối nhỏ, Moskva đã nhận về nhiều phần thưởng to lớn và trở thành thế lực có tầm ảnh hưởng lớn nhất trên chiến trường. Tuy nhiên, vị thế mới cũng đi kèm trách nhiệm lớn và rủi ro lớn hơn", chuyên gia Lamrani nhận xét.
Duy Sơn (Theo Business Insider)