Thổ Nhĩ Kỳ hôm 17/10 thông báo đình chỉ chiến dịch quân sự tại miền bắc Syria trong 5 ngày sau cuộc đàm phán kéo dài 9 giờ với Phó tổng thống Mỹ Mike Pence. Tổng thống Mỹ Donald Trump nhanh chóng ca ngợi quyết định này, gọi đó là "một ngày tuyệt vời với nền văn minh".
Tuy nhiên, Ankara nhanh chóng dội gáo nước lạnh vào sự vui mừng của ông chủ Nhà Trắng khi Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu khẳng định đó "không phải lệnh ngừng bắn" mà chỉ là quyết định tạm ngừng chiến dịch quân sự. Đạn pháo Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục trút xuống vị trí dân quân người Kurd (YPG) vài giờ sau đó, khi thỏa thuận đình chiến còn chưa ráo mực.
Washington và đồng minh dường như đều lường trước được rằng thỏa thuận này không thực sự tồn tại. Nó hết hạn vào ngày 22/10, chỉ vài giờ sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin gặp Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan để bàn về tương lai của Syria.
Sau 6 giờ đàm phán, Tổng thống Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ thống nhất rằng quân cảnh Nga và biên phòng Syria sẽ bắt đầu đẩy lùi dân quân người Kurd khỏi vùng đệm rộng 30 km giáp biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Các lực lượng Nga và Thổ Nhĩ Kỳ sau đó sẽ tuần tra chung tại khu vực rộng 10 km nằm trong vùng đệm an toàn mà Ankara muốn thiết lập tại đông bắc Syria.
"Đây mới là thỏa thuận thực sự dành cho khu vực đầy biến động này. Tương lai của Syria sẽ được quyết định bởi ông chủ Điện Kremlin", cây bút Frederik Pleitgen của CNN nhận xét. Thỏa thuận này cũng đánh dấu vị thế hoàn toàn mới của Nga trên "bàn cờ" Syria.
Nga bắt đầu can thiệp quân sự vào Syria năm 2015, nhằm cứu vãn chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad khi tình thế vô cùng nguy hiểm. Các lực lượng nổi dậy đang áp sát thủ đô Damascus, trong khi phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng hoạt động mạnh ở đông bắc nước này.
Sự hỗ trợ của Nga đã xoay chuyển tình thế, giúp quân đội chính phủ Syria giành lại phần lớn lãnh thổ từ tay phiến quân. Khi IS bị đánh bại hoàn toàn năm ngoái, Syria gần như bị chia đôi, với phần lãnh thổ rộng lớn ở đông bắc nằm dưới sự kiểm soát của Các lực lượng Dân chủ Syria (SDF), lực lượng có nòng cốt là dân quân người Kurd được Mỹ hậu thuẫn.
Tuy nhiên, Tổng thống Trump đã phá vỡ "thế cờ" tại Syria bằng quyết định rút quân bất ngờ, bỏ rơi người Kurd trước chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở miền bắc Syria.
Trong khi đó, Nga dường như đã có kế hoạch cho riêng mình, khác với những nỗ lực ngoại giao gấp rút vào phút chót để kiểm soát tình hình của Mỹ. Trong lúc người Kurd hoang mang vì bị bỏ rơi, Nga lập tức đứng ra làm trung gian đàm phán giữa họ với chính quyền Tổng thống al-Assad, đạt thỏa thuận cho phép quân đội Syria tiến vào những khu vực mà Damascus không thể đặt chân tới từ năm 2012.
Khi bị dồn vào chân tường, người Kurd không còn cách nào khác ngoài dựa vào chính quyền Syria nhằm đối phó cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ. Quân đội Nga cũng triển khai lực lượng tuần tra vùng đệm ngăn cách các cứ điểm của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và Syria để ngăn hai bên đụng độ.
Rõ ràng Nga đang lấp đầy khoảng trống Mỹ để lại ở phía bắc Syria. Nó giúp Moskva thể hiện vai trò trung gian hòa giải như lời sĩ quan Nga Safar Safarov tuyên bố khi bắt đầu tuần tra Manbij: "Cờ Nga xuất hiện ở đâu thì chiến sự chấm dứt ở đó. Thổ Nhĩ Kỳ và người Kurd đều không muốn làm hại chúng tôi, xung đột kết thúc chính nhờ nỗ lực của Nga".
Dù trở thành "người chơi" chính ở Syria hiện nay, Nga cũng phải tính đến những rủi ro khi đảm nhận vai trò mới ở nước này. Tình hình ở đông bắc Syria ngày càng bất ổn. Thông điệp của Thổ Nhĩ Kỳ khi phát động chiến dịch "Hòa bình Mùa Xuân" là đẩy lùi các tay súng người Kurd khỏi vùng đệm do Ankara thiết lập.
Tuy nhiên, liên minh quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ lại bao gồm các nhóm nổi dậy Syria được Ankara hậu thuẫn, khiến người Kurd lo sợ nhiều tay súng Hồi giáo cực đoan sẽ nhân cơ hội tiến hành thảm sát các nhóm sắc tộc thiểu số.
Sau gần 8 năm nội chiến, các lực lượng chính phủ Syria đã hình thành mối thâm thù không đội trời chung với phiến quân thân Thổ Nhĩ Kỳ. "Hai bên có thể lao vào tấn công nhau ngay khi có cơ hội, Moskva dường như đã hiểu rõ tình thế này", Pleitgen cho hay.
"Nhiều năm qua, chúng ta đã tìm cách cảnh báo về những chính sách tiềm ẩn xung đột của Mỹ và đồng minh nhằm làm sụp đổ nhà nước Syria và tạo ra các cấu trúc 'cận nhà nước' ở bờ đông sông Euphrates. Những chính sách này đã khuyến khích người Kurd đi theo đường lối ly khai và đối đầu với các bộ tộc Arab", Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nhấn mạnh trong cuộc họp với các quan chức an ninh.
Điện Kremlin cũng quan ngại nguy cơ công dân Nga từng tham gia hàng ngũ IS và phiến quân Syria có thể về nước, gây tình trạng bất ổn. Ngay từ khi Ankara phát động chiến dịch ở miền bắc Syria, Moskva đã tỏ ý nghi ngờ về khả năng kiểm soát hàng nghìn tay súng IS và người thân đang bị người Kurd giam giữ.
"Miền bắc Syria là nơi tập trung các tay súng IS đang bị dân quân người Kurd quản thúc cho tới gần đây. Cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tạo điều kiện cho chúng tẩu thoát. Tôi không rõ quân đội Thổ Nhĩ Kỳ có khả năng kiểm soát tình hình kịp thời hay không", Putin phát biểu tại phiên họp diễn đàn Cộng đồng Các quốc gia độc lập (CIS) ở Ashgabat, Turkmenistan hôm 11/10.
Nga từng đối mặt với cuộc nổi dậy đòi ly khai ở Chechnya vào đầu thập niên 1990 và phải triển khai quân đội trấn áp. Tổng thống Putin cảnh báo về nguy cơ hàng trăm đến hàng nghìn IS trở về, kêu gọi lãnh đạo các nước CIS chung tay ngăn chặn những phần tử khủng bố.
"Chúng ta đang nói về hàng trăm, hàng nghìn chiến binh jihad đến các nước CIS. Đây là mối đe dọa thực sự đối với khu vực. Chúng ta chưa biết chúng sẽ đi đâu. Vì vậy, chúng ra cần có nhận thức chung và huy động mọi nguồn lực tình báo để chặn đứng mối đe dọa mới này," ông Putin nhấn mạnh.
Dù vậy, Nga dường như vẫn ở thế thượng phong để ngăn ngừa cuộc nội chiến kéo dài nhiều năm tại Syria, bất chấp mọi nguy hiểm có thể tác động đến cuộc chơi tiềm ẩn nhiều rủi ro ở quốc gia này.
Với phương Tây, Nga luôn là "cái gai trong mắt" từ khi can thiệp vào Syria. Các nhóm nhân quyền nhiều lần cáo buộc Moskva phạm tội ác chiến tranh trong chiến dịch hỗ trợ Tổng thống Assad.
Mỹ cáo buộc quân đội Nga đã dội bom một cách có hệ thống nhằm vào cơ sở hạ tầng dân sự, đặc biệt là các bệnh viện, cũng như hỗ trợ chính quyền Assad che đậy việc sử dụng vũ khí hóa học. Moskva luôn kịch liệt bác bỏ tất cả những cáo buộc này.
Nhiều quan chức Mỹ và châu Âu luôn lên tiếng chỉ trích "cuộc phiêu lưu" của Nga, nhưng hầu hết các bên liên quan đến khủng hoảng Syria lại đồng tình rằng Moskva đáng tin cậy hơn Washington trong cuộc chiến này.
Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên chủ chốt của NATO nhưng lại hợp tác với Nga suốt nhiều năm, trong khi hai bên vẫn ủng hộ các phe phái đối lập tại Syria. Ngay cả Israel và Iran, hai quốc gia thù địch nhau, cũng thừa nhận rằng "mọi con đường lợi ích của họ tại Syria đều chạy qua thành Moskva".
"Một thỏa thuận bảo đảm ổn định ở đông bắc Syria sẽ không bao giờ đạt được nếu có Mỹ. Nó chỉ có thể đến từ các nỗ lực ngoại giao giữa Nga và những bên liên quan trong cuộc chiến này", Pleitgen nhận xét.
Minh Anh (Theo CNN)