Mùa thu năm 1944, cục diện chiến trường ở mặt trận phía tây nhanh chóng chuyển biến theo hướng bất lợi, buộc trùm phát xít Đức Adolf Hitler phải ra lệnh chủ động tấn công, gây sức ép để Mỹ và Anh phải ký hiệp định hòa bình riêng rẽ, theo Military History.
Bộ tư lệnh tối cao Đức vạch kế hoạch sử dụng xe tăng kết hợp bộ binh nhanh chóng bao vây, chiếm cảng Antwerp, miền bắc nước Bỉ để chia cắt quân Anh và Mỹ trong khu vực, khiến Đồng minh mất một cảng hậu cần, tiếp tế cực kỳ quan trọng.
Trong khi phát xít Đức tập kết ba tập đoàn quân ở Ardennes, phía đông nam nước Bỉ, phe Đồng minh do tướng Dwight D. Eisenhower chỉ huy lại không hề hay biết các di biến động của quân Đức, khiến họ hoàn toàn bất ngờ khi Đức mở màn trận đánh Ardennes.
Sáng sớm 16/12/1944, quân đoàn Panzer số 6 của Đức phát động tấn công, dùng pháo binh bắn phá dữ dội vào các cứ điểm quân Mỹ ở Elsenborn Ridge và Losheim Gap để đánh thẳng vào Liege. Tuy nhiên, đà tấn công của quân Đức vấp phải sự kháng cự mạnh mẽ của sư đoàn bộ binh số hai và số 99 của quân Mỹ, khiến Deitrich buộc phải huy động lực lượng xe tăng tham chiến.
Đến ngày 17/12, sau sự ngỡ ngàng ban đầu, tướng Eisenhower nhận định đây là một cuộc tổng tấn công của quân Đức chứ không đơn thuần là một cuộc tấn công quy mô nhỏ, nên bắt đầu nhanh chóng tăng cường lực lượng tới khu vực.
Trên mặt trận phía nam, lính Mỹ dưới quyền chỉ huy của chuẩn tướng Bruce Clarke đã cầm cự kiên cường ở St. Vith nhưng vẫn bị quân đoàn Panzer số 5 của Đức đẩy lùi, khiến sở chỉ huy của sư đoàn thiết giáp số 10 và sư đoàn đổ bộ đường không số 101 bị bao vây ở Bastogne.
Khi chiến sự đang diễn ra ở St. Vith và Bastogne, Eisenhower nhóm họp với các chỉ huy chiến trường ở Verdun. Nhận thấy đây là một cơ hội để tiêu diệt quân Đức ở địa hình trống trải, Eisenhower liền ban hành mệnh lệnh phản công.
Tại Bastogne, lực lượng phòng thủ đã đẩy lùi nhiều đợt tấn công của quân Đức dù phải chiến đấu trong thời tiết lạnh giá của mùa đông. Dù thiếu thốn lương thực và đạn dược, chuẩn tướng Anthony McAuliffe vẫn chỉ huy binh sĩ chiến đấu kiên cường, không đầu hàng theo yêu cần của quân Đức.
Đà phản công của phe Đồng minh được tăng cường nhờ thời tiết tốt, tạo điều kiện cho các tiêm kích bom tham chiến, trong khi tốc độ tiến công của xe tăng Đức chậm dần lại vì cạn kiệt nhiên liệu. Tướng von Manteuffel buộc phải xin chỉ thị rút quân nhưng bị Hitler từ chối.
Eisenhower tiếp tục ra lệnh cho các tướng lĩnh thuộc quyền tấn công dồn ép quân Đức từ cả phía bắc và phía nam, với mục tiêu hội quân ở Houffalize và giăng bẫy quân Đức. Tuy nhiên, một nhánh lực lượng của Mỹ tiến công chậm trễ, khiến nhiều quân Đức thoát được sau khi bỏ lại trang bị và xe tăng.
Để tiếp tục chiến đấu, quân Đức tiếp tục phát động một đợt tấn công lớn vào ngày 1/1/1945 nhưng bị quân đoàn 7 của Mỹ chặn đứng. Ngày 24/12, quân Đức bị đẩy ra khỏi vùng Ardennes, Thống chế Von Rundstedt cho quân rút lui dần về Berlin một cách có trật tự, chiến dịch tấn công của Đức bị phá sản.
Kết thúc Trận đánh Ardennes, Mỹ bị thiệt hại tới 19.000 binh sĩ, số thương vong nặng nề nhất mà họ phải hứng chịu trong một trận đánh thời kỳ Thế chiến II, nhưng họ đã bảo vệ thành công phòng tuyến quan trọng trước quân đội phát xít.
Trong khi đó, quân Đức mất 15.652 lính, và lực lượng tăng thiết giáp của họ hứng chịu tổn thất nặng nề không thể khôi phục được. Sau thất bại trong trận đánh này, quân Đức không còn khả năng phát động tấn công ở mặt trận phía Tây.
Tổng cộng đã có 600.000 binh sĩ hai bên tham gia trận đánh, trong đó có 81.000 người thiệt mạng. "Rõ ràng đây là trận đánh lớn nhất, được xem như một chiến thắng nổi tiếng nhất của Mỹ trong Thế chiến II", cựu thủ tướng Anh Winston Churchill nhấn mạnh.
Xem thêm: Trận đụng độ duy nhất giữa Mỹ và Liên Xô trong Thế chiến 2.
Duy Sơn