Năm 1944, một trận đụng độ đáng tiếc nổ ra giữa không quân Mỹ và Liên Xô, có nguy cơ đẩy hai cường quốc đồng minh vào một cuộc khủng hoảng toàn diện, trong bối cảnh Thế chiến 2 sắp đi đến hồi kết, Theo World war today.
Sáng ngày 7/11/1944, thành phố Nis, Liên bang Nam Tư trở nên rực rỡ khi được phủ một màu đỏ của cờ và băng rôn của lực lượng quân đội Liên Xô đồn trú tại đây. Họ đang chuẩn bị cho lễ diễu binh kỷ niệm 27 năm ngày Cách mạng tháng 10 Nga thắng lợi, cũng như nhằm củng cố lực lượng và tinh thần chuẩn bị cho các trận chiến ác liệt sắp tới với Đức Quốc xã.
"Khi tất cả quân đoàn đã vào vị trí, bất ngờ một tiếng hét vang lên 'chạy đi, máy bay Đức sắp tấn công chúng ta'. Tất cả đều nhìn lên và bối rối khi thấy một phi đội chiến đấu cơ lạ đang hướng về phía quảng trường và có dấu hiệu tiến hành ném bom bổ nhào", Nikolai Shmelev, cựu phi công Nga tại Nam Tư, anh hùng lực lượng vũ trang Liên Xô, kể lại.
"Tất cả phân tán, tìm nơi ẩn nấp", tướng Sudec, chỉ huy trưởng không đoàn số 17 không quân Liên Xô đồn trú tại Nam Tư hét lớn.
Các phi công cùng binh sĩ nhanh chóng phân tán dưới các gốc cây và công sự trú ẩn. Khi các chiến đấu cơ lại gần và hạ thấp độ cao, các sĩ quan Hồng quân vô cùng bất ngờ khi nhận thấy đó là các máy bay P-38 của Mỹ, quốc gia đang đứng cùng chiến tuyến với Liên Xô trong cuộc chiến chống phát xít Đức.
Trước sự ngỡ ngàng của binh sĩ Liên Xô, một tốp phi cơ Mỹ lượn thành vòng tròn trên bầu trời thành phố để cảnh giới, một tốp khác thực hiện ném bom bổ nhào nhằm vào các trang thiết bị quân sự và binh sĩ chưa kịp tìm nơi ẩn nấp.
Cả quảng trường bao phủ đầy khói bụi. Nhiều người đã thiệt mạng. Các binh sĩ Liên Xô liên tiếp vẫy cờ đỏ để báo hiệu với phi công Mỹ rằng họ đang tấn công chính đồng minh của mình. Nhưng bom vẫn liên tiếp dội xuống. Nỗi giận dữ bắt đầu trào dâng thay cho trạng thái bất ngờ và hoảng hốt ban đầu.
"Chuyện gì đang xảy ra vậy? Tại sao họ lại tấn công chúng ta?", một phi công khác thảng thốt nói với Shmelev.
Sau quãng thời gian bị động và bối rối, một phi đội 9 máy bay chiến đấu Yak-3 của Liên Xô mới được lệnh cất cánh nghênh chiến. Tuy nhiên ban đầu họ vẫn được lệnh không khai hỏa trước, đồng thời phát tín hiệu nhận biết, đề phòng trường hợp không quân Mỹ nhầm lẫn.
Các máy bay Mỹ tiếp tục nổ súng tấn công tốp phi cơ của Hồng quân vừa cất cánh. Một chiếc Yak-3 trúng đạn pháo 30 mm và rơi xuống đất. Phi đội Yak-3 đang có mặt trên không lập tức được lệnh khai hỏa.
Một cuộc đụng độ ác liệt đã diễn ra trên không suốt 15 phút, khi các tốp chiến đấu cơ Yak-3 thay phiên nhau tấn công đội máy bay của Mỹ từ dưới lên và từ trên xuống. Theo một số tài liệu của Hồng quân Liên Xô, 7 chiến đấu cơ của Mỹ, trong đó có 5 máy bay P-38 và hai máy bay ném bom B-25, đã bị bắn hạ, 14 phi công thiệt mạng. Phía Liên Xô cũng mất ba máy bay.
"Trước sự tấn công dữ dội của phi đội Yak-3, các phi cơ Mỹ đã không thể kháng cự, đồng thời tổ chức đội hình rút lui khỏi thành phố", Shmelev cho biết.
Theo các chuyên gia quân sự, cuộc đụng độ chớp nhoáng này đã chứng tỏ ưu thế của những chiến đấu cơ Yak-3 của Liên Xô trước máy bay Mỹ. Tuy nhiên, phản ứng chậm trễ của chỉ huy không đoàn đã khiến 31 binh sĩ, một sĩ quan Hồng quân thiệt mạng cùng 37 người bị thương.
Nửa giờ trước đó, một nhóm chiến đấu cơ khác của Mỹ đã tấn công một đoàn xe quân sự của Hồng quân đang hành quân qua Nis khiến 12 binh sĩ và sĩ quan thiệt mạng.
Sự cố này tạo ra những căng thẳng ngoại giao lớn giữa hai nước trong một thời gian ngắn. Washington sau đó vì muốn củng cố đoàn kết trong phe đồng minh đã chủ động xin lỗi Moscow và thừa nhận cuộc tấn công này là một sai lầm. Nhưng các lãnh đạo Mỹ không đưa ra bất cứ giải thích nào rõ ràng về nguyên nhân dẫn đến sai lầm này.
Theo các bình luận viên của World war today, rất có thể phía Mỹ chưa nắm được thông tin về thỏa thuận giữa Liên Xô và Nam Tư cho phép quân đoàn không quân số 17 của Hồng quân được đồn trú và sử dụng bất kỳ sân bay nào ở Nam Tư, trong đó có sân bay tại thành phố Nis, đổi lại Liên Xô sẽ giúp Nam Tư huấn luyện phi công. Đây được coi là sự cảm kích của lãnh đạo Nam Tư sau khi được Liên Xô giúp đỡ giải phóng khỏi sự chiếm đóng của phát xít Đức.
Thời gian cuối Thế chiến 2, cuộc đụng độ trên không này nhanh chóng chìm vào quá khứ. Cả hai bên đã chủ động không nhắc đến vụ việc vì bất cứ lý do gì nhằm tập trung sức lực cho trận chiến cuối cùng tiêu diệt Đức Quốc xã vào năm 1945 tại Berlin.
Nguyễn Hoàng