Năm 1939-1940, khi những cỗ xe tăng Panzer của phát xít Đức càn quét trên chiến trường Ba Lan và Pháp với những chiến thắng như đi dạo, các chỉ huy quân đội Mỹ trở nên rất lo lắng. Trong trường hợp cuộc thế chiến lan sang nước Mỹ, quân đội cần tìm ra cách phá hủy những cỗ máy này, theo WarIsboring.
Do đó, Mỹ đã thành lập một đơn vị diệt tăng đầu tiên trong lịch sử quân sự của mình mang tên tiểu đoàn 601, theo sử gia Victor Failmezger kể lại trong cuốn Những hiệp sĩ của nước Mỹ.
Tiểu đoàn 601 của Mỹ được thành lập vào tháng 8/1941 với những trang thiết bị nghèo nàn chưa qua thử nghiệm như xe chiến đấu bộ binh M3, xe jeep M-6 lắp pháo 75 mm và 37 mm, những vũ khí không phải đối thủ của tăng Panzer.
Sau một thời gian huấn luyện cấp tốc ở North Carolina, đến tháng 12/1942, tiểu đoàn 601 gồm 111 binh sĩ được điều đến Bắc Phi, nơi đang diễn ra cuộc giao tranh giữa quân Đồng minh và quân đoàn Bắc Phi khét tiếng của thống chế Đức Erwin Rommel. Đây cũng là lần đầu tiên quân đội Mỹ tham chiến trong Thế chiến 2 chống lại phát xít Đức ở chiến trường châu Âu.
Ngay từ đầu, màn ra mắt của quân Mỹ đã không suôn sẻ. Tổn thất đầu tiên của tiểu đoàn này là Michael Syrko, trợ lý ban chỉ huy đại đội trong một cuộc không kích, theo Failmezger.
Một máy bay của Italy trong đội hình chiến đấu cơ Đức bay ngang qua đội hình của tiểu đoàn 601 đã nã đạn trúng Syrko. 10 phút sau, các đồng đội của Syrko trong cơn giận dữ đã bắn điên cuồng vào một chiếc máy bay trên bầu trời mà không hề biết rằng đó là chiếc Spitfire của đồng minh Anh đang đuổi theo máy bay phát xít. Bị trúng đạn, phi công Anh buộc phải nhảy dù và bị tiểu đoàn "bắt giữ". Đây là kinh nghiệm thực chiến đầu tiên của tiểu đoàn 601.
Tiểu đoàn 601 sau đó chiến đấu trong hoảng loạn và thua liểng xiểng trong các cuộc đối đầu với quân đoàn châu Phi của Đức, thậm chí là các trận đụng độ với chính quân mình.
Tháng 1/1943, tiểu đoàn 601 đang di chuyển theo đội hình hàng dọc về hướng Tây thì một lính Mỹ bất ngờ khai hỏa khẩu súng máy 12,7 mm nhằm vào 4 máy bay phe Đồng minh, buộc họ phải không kích đáp trả vào đội hình tiểu đoàn. Tiếp đó, pháo của phát xít Đức nã vào đội hình hàng dọc của tiểu đoàn, khiến họ phân tán vào các khe nhỏ giữa những tàn tích La Mã. Pháo Đức chưa ngớt, pháo Mỹ bắt đầu dội vào các xe chiến đấu đang nằm im trên đường. Ngay lập tức, quân Đức ngừng bắn bởi họ cho rằng các xe này là của quân phát xít.
Sau những thất bại trên, tiểu đoàn 601 và các đơn vị khác của Mỹ đã rút ra được những kinh nghiệm quý giá, giúp họ giành được chiến thắng đầu tiên trước lực lượng thiết giáp của Đức tại El Guettar, Tunisia vào ngày 23/3/1943.
Ở địa hình đồng bằng tại El Guettar, xe tăng Panzer Đức dàn hàng ngang di chuyển xen kẽ cùng các khẩu pháo tự hành 88 mm và xe chở bộ binh. Phát hiện hướng di chuyển của quân địch, tiểu đoàn 601 quyết định chuẩn bị trận địa đương đầu với các xe tăng Panzer. Sau khi nã một loạt đạn vào chiếc Panzer số 10 đang lao đến, tổ trinh sát rút lui theo kế hoạch để tăng cường cho đại đội A và chuẩn bị ứng phó với đợt tấn công của tăng Panzer sắp diễn ra.
Lúc 5 giờ sáng ngày 23/3/1943, khi trời vẫn còn mờ tối, quân Đức với hơn 100 tăng Panzer phát động cuộc tấn công vào vị trí của tiểu đoàn 601. Tiểu đoàn lâm vào thế bất lợi vì đối phương có lực lượng mạnh hơn hẳn, với khoảng ba xe tăng Panzer đấu với một xe diệt tăng của Mỹ. Pháo binh Đức ở dưới thung lũng bất ngờ khai hỏa và các xe tăng của Đức hiệp đồng cùng bộ binh phía sau tiến công. Pháo binh Mỹ đáp trả nhưng hầu như không gây ảnh hưởng gì ngoài việc buộc các xe tăng Panzer tản ra.
Ở cự ly ngoài tầm bắn của các xe diệt tăng Mỹ, đội tăng Panzer Đức chia làm hai mũi tấn công. Khoảng 30 tăng Panzer vòng sang cánh trái để tiến lên con đường hướng về thị trấn El Guettar, với mục đích chiếm thị trấn quan trọng này, cắt đứt đường rút lui của tiểu đoàn Mỹ. Tuy nhiên quân Đức không ngờ rằng bên trái con đường là vùng đất lầy lội dễ lún, khiến các xe tăng Panzer không thể di chuyển, phơi mình ra trước những xe M3 trang bị pháo diệt tăng của Mỹ.
Các khẩu pháo của Đại đội A Mỹ liên tục khai hỏa vào đội hình quân Đức ở khoảng cách hai km, khiến 8 chiếc tăng Panzer bị chặn đứng trên đường và đà tiến công bị khựng lại. Quân Đức rút lui, kéo theo 4 chiếc tăng Panzer bị bắn hỏng ở phía sau.
Ở mũi còn lại, 70 xe tăng Panzer tấn công thọc sâu chia cắt đội hình đại đội B và C trước sườn núi. Quân Đức tiến công theo 5 hàng ngang, chia thành 5 hoặc 6 nhóm xe tăng với từ 15-20 xe tăng ở mỗi hàng. Các xe tăng Panzer cùng bộ binh Đức tiến công như thể đang thực hiện một cuộc diễu binh trên bộ.
Tiểu đoàn 601 kiên nhẫn đợi xe tăng Panzer tiến đến gần trước khi khai hỏa pháo xuyên giáp. Tổ cảnh giới phía trước thông báo một nhóm xe Panzer đang tiến tới và cung cấp cho chỉ huy khoảng cách, hướng di chuyển của nhóm tăng này. Sau khi nhận được thông tin, xe diệt tăng Mỹ di chuyển lên đỉnh đụn cát, nhanh chóng khai hỏa vào đội hình Panzer và lui xuống. Một lát sau, khi các tăng Panzer tiến lên ào ạt, các pháo thủ diệt tăng quyết định bám trụ trên đụn cát và bắn càng nhanh càng tốt.
Các xe diệt tăng Mỹ hỗ trợ lẫn nhau chuyển sang thế phòng ngự, di chuyển nhịp nhàng giữa các vị trí, khiến pháo binh và xe tăng Đức khó bắn trúng họ hơn. Những người lính không trực tiếp điều khiển hỏa lực xe diệt tăng thì sử dụng các vũ khí hạng nhẹ và súng máy tấn công bộ binh Đức.
Kết thúc cuộc chiến, 27 trong tổng số 36 khẩu pháo của tiểu đoàn 601 bị hỏng với 72 lính thương vong, trong đó có 14 người thiệt mạng. Nhưng bù lại, tiểu đoàn 601 đã tiêu diệt 37 xe tăng Panzer của phát xít Đức. "Một số người cho rằng đây là trận chiến mang tính quyết định trong chiến dịch Tunisia. Rõ ràng, đó là chiến thắng đầu tiên của Mỹ trước lực lượng thiết giáp đối phương trong Thế chiến 2", Failmezger nhấn mạnh.
Duy Sơn