Sau khi quân đội Ukraine rút khỏi Lysychansk, giới quan sát đã nghĩ tới kịch bản Nga có thể kiểm soát cả vùng Donbass ở miền đông Ukraine, một trong những mục tiêu lớn nhất của giai đoạn hai chiến dịch quân sự ở nước này. Nếu quân Nga có thể kiểm soát toàn bộ vùng Donbass và tạo ra hành lang trên bộ nối tới bán đảo Crimea, Tổng thống Vladimir Putin có thể cảm thấy đủ để tuyên bố về một chiến thắng cho chiến dịch quân sự đặc biệt của ông.
Tuy nhiên, Ukraine vẫn quyết tâm kháng cự và nêu mục tiêu giành lại Lysychansk, đặt cược vào sự giúp đỡ và ủng hộ của phương Tây để tái kiểm soát lãnh thổ. Tổng thống Volodymyr Zelensky tiếp tục kêu gọi phương Tây cung cấp vũ khí để chiến đấu với Nga, nhưng cơ hội để quân đội Ukraine đẩy lùi được đối thủ ra khỏi vùng Donbass trong năm nay rất mong manh.
Anh và nhiều đồng minh phương Tây khẳng định sẽ sát cánh với Ukraine tới cùng. Nhưng Boris Johnson, Thủ tướng Anh sắp rời nhiệm sở, cũng nói rằng Tổng thống Zelensky và người dân Ukraine "phải tự quyết định những gì họ muốn" và thêm rằng không nước nào trong nhóm G7 có thể quyết định thay, mà chỉ đơn giản là hỗ trợ Kiev.
Nhưng ở hậu trường, quan chức nhiều nước phương Tây thừa nhận câu thần chú "để Ukraine tự quyết định cách thức và thời điểm chấm dứt xung đột" không hoàn toàn đúng.
"Dĩ nhiên chúng tôi cũng có lợi ích riêng, chỉ là hiện tại chúng trùng khớp với lợi ích của Kiev", một nhà ngoại giao Pháp nói. Một quan chức Đức cũng đưa ra bình luận tương tự rằng "hiện tại, chúng tôi hoàn toàn ủng hộ lập trường của Ukraine".
Giáo sư Mark Galeotti, giám đốc công ty tư vấn Mayak Intelligence ở Anh, cho biết có nhiều thông tin rằng Nhà Trắng cũng hoài nghi khả năng Ukraine có thể giành lại toàn bộ vùng Donbass, cũng như không nhất trí về định nghĩa "chiến thắng" theo quan điểm của Kiev.
"Nói cách khác, quan điểm của phương Tây là 'Ukraine phải quyết định cách cuộc chiến chấm dứt, nhưng chúng tôi hy vọng Kiev cũng sẽ chú ý đến những mối quan ngại và ý kiến của chúng tôi'", Galeotti cho hay.
Giới quan sát cho rằng rất khó để ông Putin đồng ý một thỏa thuận hòa bình với Ukraine mà không kèm điều kiện nới lỏng trừng phạt phương Tây đang áp đặt với Moskva. Nhưng đây là vấn đề mà ông Zelensky không thể tự đàm phán. Trừ khi kết cục xung đột được định đoạt trên chiến trường, kịch bản được đánh giá là rất khó xảy ra, phương Tây đến một thời điểm nào đó sẽ phải tham gia vào cuộc đàm phán Nga - Ukraine.
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu các đồng minh phương Tây có thực sự đồng lòng đàm phán về kết cục của xung đột Ukraine hay không. Giáo sư Galeotti cho rằng câu trả lời có thể là không, bởi NATO không thực sự là một khối thống nhất.
Với những quốc gia mà Galeotti cho là có quan điểm "diều hâu" trong liên minh, họ cảm thấy chiến thắng có thể chấp nhận được không chỉ là giành lại tất cả lãnh thổ Ukraine, gồm cả bán đảo Crimea, mà còn khiến Nga bị tổn thất nặng nề tới mức không thể đe dọa các láng giềng trong tương lai.
Với những nước ôn hòa hơn, điều họ quan tâm chỉ là đảm bảo hòa bình ở Ukraine. Nhiều nước chấp nhận kết quả Nga rút quân về ranh giới trước xung đột, đồng nghĩa Ukraine phải chấp nhận từ bỏ bán đảo Crimea và hai vùng ly k hai Donetsk, Lugansk.
"Một thỏa thuận như vậy sẽ không công bằng, nhưng nó thực tế", một quan chức ở bán đảo Scandinavia nêu quan điểm của nhóm nước ôn hòa.
Nhưng một số quốc gia khác không thuộc hai nhóm trên đơn giản chỉ muốn xung đột biến mất. Những nước này, đặc biệt là khu vực Nam Âu, tán thành những tuyên bố chung của các đồng minh, nhưng mối quan tâm thực sự của họ là các vấn đề ở trong nước hoặc những nơi khác, ngoài xung đột Ukraine.
Thậm chí ngay cả phe diều hâu cũng miễn cưỡng thừa nhận rằng quân đội của NATO sẽ không bao giờ tham chiến, vì nó tiềm ẩn nguy cơ leo thang căng thẳng nghiêm trọng hơn với Nga.
Phương Tây đã cam kết viện trợ quân sự cho Ukraine hơn 25 tỷ USD, gấp 7 lần ngân sách quốc phòng trước xung đột của Kiev, một nửa số này đã được chuyển giao. Tuy nhiên, ngay cả những hệ thống vũ khí mới và uy lực hơn cũng không thể phát huy hiệu quả nhanh chóng và trở thành yếu tố quyết định cục diện chiến trường.
Các biện pháp trừng phạt của phương Tây cũng chưa thể phát huy tác dụng ngay lập tức với Moskva, mà chỉ có thể thực sự bắt đầu được cảm nhận vào mùa thu và tiếp tục tác động tới nền kinh tế Nga trong nhiều năm tới. Tuy nhiên, ông Putin nhiều lần khẳng định nền kinh tế Nga sẽ đứng vững trước sóng gió.
"Thực tế có hai cuộc chiến đang diễn ra. Một là cuộc chiến kiểu thế kỷ 20 diễn ra ở Ukraine và một cuộc chiến kinh tế, chính trị, văn hóa kiểu thế kỷ 21 giữa Nga và phương Tây", giáo sư Galeotti nhận xét.
Tổng thống Putin đặt mục tiêu chiến thắng cả hai cuộc chiến dựa trên ý chí và lòng kiên nhẫn, với niềm tin rằng 144 triệu dân của ông và một nền kinh tế từng trải qua 8 năm chống chịu lệnh trừng phạt có thể trụ vững lâu hơn Ukraine và phương Tây.
Trong khi Ukraine tới nay không có dấu hiệu mất đoàn kết hay chấp nhận thất bại, các nước phương Tây thể hiện một bức tranh rất khác. Chi phí kinh tế đang gia tăng, không chỉ viện trợ quân sự cho Ukraine, mà còn gần 30 tỷ USD cam kết hỗ trợ tài chính cho nước này.
"Đây mới là khởi đầu. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ước tính Ukraine cần khoảng hơn 5 tỷ USD hỗ trợ tài chính từ nước ngoài mỗi tháng để duy trì hoạt động", giáo sư Galeotti cho hay.
Giới quan sát nhận định "nỗi mệt mỏi mang tên Ukraine" đang dần xuất hiện ở phương Tây. Không phải cử tri các nước hối hận vì giúp đỡ Ukraine, mà họ bắt đầu nhận thấy các vấn đề ưu tiên khác trong nước không được chú ý thích đáng.
Tại Mỹ, Tổng thống Joe Biden có thể hứng chịu tổn thất trong cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ vào tháng 11. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Olaf Scholz và các lãnh đạo châu Âu khác đều phải đối mặt với những thách thức riêng trong nước. Cho đến nay, chưa lãnh đạo nào chia sẻ thẳng thắn với với cử tri của họ về những hệ quả lâu dài mà đất nước có thể phải đối mặt.
Những hệ quả này có thể bao gồm cả lĩnh vực quân sự, khi nhiều loại vũ khí hiện đại đang được dồn tới Ukraine, khiến kho dự trữ trong nước cạn kiệt. Mỹ đã cung cấp cho Ukraine hơn 1/3 kho tên lửa Stinger, Javelin và con số này dự kiến chạm ngưỡng 50% trước cuối năm nay.
Vấn đề ở đây không chỉ là tiền bạc. "Bạn không thể sản xuất nhanh chóng các loại vũ khí hiện đại để bù đắp", Đô đốc Tony Radakin, tham mưu trưởng quốc phòng Anh, nói.
Dù quốc hội Mỹ đã phê duyệt 9 tỷ USD để bổ sung kho vũ khí của nước này, nhiều nhà thầu quốc phòng không thể đáp ứng nhu cầu do đang bị quá tải. Dù Raytheon đã giành được hợp đồng hơn 600 triệu USD để sản xuất tên lửa Stinger cho quân đội Mỹ, công ty này cảnh báo họ không thể bắt đầu hợp đồng trước năm sau.
Quân đội Anh và nhiều nước châu Âu đang yêu cầu tăng chi tiêu quốc phòng. Trong thời kỳ cao điểm của Chiến tranh Lạnh vào những năm 1970, các nước châu Âu đã chi tới 4% GDP cho quốc phòng và một quan chức NATO thừa nhận đây là mức an toàn hơn. Nhưng con số này là điều mà các chính trị gia không muốn công bố với người dân, khi họ đang chật vật đối phó với lạm phát và các mặt hàng thiết yếu tăng giá kỷ lục.
Các nhà phân tích cho rằng thực tế này cho thấy phương Tây khó có thể tiếp tục hỗ trợ Ukraine cho tới khi Kiev giành chiến thắng cuối cùng.
"Chúng ta sẵn sàng chịu đựng những điều gì và trong bao lâu để đứng về phía Ukraine? Làm thế nào để duy trì thống nhất chính trị không chỉ giữa các đồng minh phương Tây mà còn ở trong nước? Khi nào tính toán địa chính trị và các động thái bầu cử sẽ bắt đầu xung đột? Chúng ta sẵn sàng rút cạn kho vũ khí tới mức nào?", giáo sư Galeotti đặt ra hàng loạt "câu hỏi khó" mà phương Tây đang phải đối mặt trong vấn đề Ukraine.
Ông cho rằng khi giao tranh ở Ukraine đã bước sang tháng thứ 5 và chưa có dấu hiệu dừng lại, đã đến lúc các nước phương Tây phải sẵn sàng giải quyết những câu hỏi khó này.
Thanh Tâm (Theo Times)