Giải Nobel Hòa bình 2021 sẽ được Ủy ban Nobel Na Uy công bố vào 11h (16h giờ Hà Nội) hôm nay tại Oslo cho các cá nhân và tổ chức đã "thúc đẩy hòa bình và tình hữu nghị giữa các nước".
Được xem là một trong những giải thưởng danh giá nhất, Nobel Hòa bình luôn thu hút rất nhiều đồn đoán về chủ nhân tương lai. 234 cá nhân và 95 tổ chức đã được đề cử cho giải thưởng này năm nay, trong đó có một số ứng viên nổi bật.
Ứng viên đầu tiên là Sáng kiến chia sẻ vaccine Covid-19 Covax. Khi các quốc gia giàu có thống trị thị trường vaccine, Covax đã trở thành cách duy nhất để phần lớn các nước nghèo trên thế giới được tiếp cận tiêm chủng công bằng.
Được dẫn dắt bởi Liên minh Vaccine và Tiêm chủng toàn cầu Gavi, Liên minh Đổi mới Sẵn sàng cho Dịch bệnh (CEPI), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), sáng kiến này đặt mục tiêu phân phối hai tỷ liều vaccine Covid-19 trong năm 2021.
Tuy nhiên, Covax tháng trước thông báo phải cắt giảm 30% mục tiêu của mình, do nguồn cung hạn chế. Chính sự bất bình đẳng về vaccine, điều mà Covax muốn xóa bỏ, đã cản trở nỗ lực phân phối vaccine cho nhóm nước thu nhập thấp.
Song một giải thưởng Nobel Hòa bình cho Covax được đánh giá là phù hợp với tiêu chí của Ủy ban Nobel, đó là tôn vinh những nỗ lực đóng góp cho cộng đồng và biểu tượng của hy vọng.
Cạnh tranh trực tiếp với sáng kiến Covax cho giải thưởng năm nay là WHO và Tổng giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus. Năm ngoái, WHO cũng được đề cử giải Noble Hòa bình, nhưng giải thưởng cuối cùng được trao cho Chương trình Lương thực Thế giới, cũng thuộc LHQ, với thành tích giúp gần 100 triệu người ở 88 quốc gia khác nhau.
Trong suốt gần hai năm Covid-19 hoành hành khắp thế giới, WHO đã liên tục tổ chức các cuộc họp cấp cao và họp báo, đóng vai trò tiếng nói lương tâm trong bối cảnh bất bình đẳng tiếp cận vaccine ngày càng rõ rệt.
Tuy nhiên, cơ quan LHQ này cũng trở thành một tâm điểm trong cuộc cạnh tranh quyền lực lớn giữa Mỹ và Trung Quốc, đồng thời vấp nhiều chỉ trích từ dư luận vì cách ứng phó ban đầu với đại dịch.
WHO dường như nhận được nhiều sự ủng hộ cho giải Nobel Hòa bình năm nay, nhưng lịch sử cho thấy Nobel Hòa bình hiếm khi được trao cho các công việc liên quan tới sức khỏe cộng đồng, do đã có giải Nobel cho lĩnh vực Y học và Sinh lý học.
Greta Thunberg, nhà hoạt động chống biến đổi khí hậu, cũng được xem là một ứng viên tiềm năng cho cuộc đua năm nay. Kể từ khi thực hiện các cuộc biểu tình đơn độc bên ngoài quốc hội Thụy Điển ở tuổi 15 nhằm yêu cầu hành động mạnh mẽ chống biến đổi khí hậu, cho đến khi phát triển thành phong trào môi trường toàn cầu, Thunberg đều lọt vào danh sách ứng viên cho giải Nobel Hòa bình.
Đại dịch Covid-19 và các biện pháp phong tỏa đã khiến chiến dịch toàn cầu của cô và những người ủng hộ gặp nhiều hạn chế khi phải chuyển sang hình thức trực tuyến. Tuy nhiên, gần đây, cô gái 18 tuổi đã gây chú ý khi lên tiếng chỉ trích giới chính trị gia trong bài phát biểu tại Milan, nơi cô mô tả những lời hứa hẹn của họ là nói suông và chỉ trích cuộc chiến chống biến đổi khí hậu thiếu những bước tiến rõ rệt.
"Những lời nói nghe có vẻ tuyệt vời nhưng cho đến nay chưa được thực hiện. Hy vọng và tham vọng của chúng tôi bị nhấn chìm trong những lời hứa suông của họ", Thunberg nói.
Giới quan sát cho rằng khi hội nghị thượng đỉnh COP21 về biến đổi khí hậu sẽ diễn ra vào tháng 11 tại Glasgow, Scotland, Ủy ban Nobel có thể sẽ chọn Thunberg cho giải thưởng Nobel Hòa bình năm nay để truyền tải thông điệp với thế giới.
Tổ chức B'Tselem của Israel và Trung tâm Nhân quyền Palestine cũng nằm trong danh sách ứng viên cho Nobel Hòa bình năm nay. Hai tổ chức này suốt nhiều thập kỷ đã nỗ lực ghi lại những vi phạm nhân quyền ở Bờ Tây và Dải Gaza, thúc đẩy giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột của khu vực.
Danh sách ứng viên năm nay còn có sự góp mặt của những cái tên khác như nhà hoạt động đối lập Nga Alexei Navalny, tổ chức Phóng viên Không biên giới và Ủy ban Bảo vệ nhà báo (CPJ).
Navalny được biết đến là thủ lĩnh phong trào đối lập ở Nga và thoát chết trong vụ nghi bị đầu độc vào năm ngoái. Tuy nhiên, ông này được cho là không có nhiều đóng góp nổi bật cho hòa bình thế giới.
Trong khi đó, Ủy ban Bảo vệ Nhà báo và Phóng viên Không biên giới là hai tổ chức đi đầu trong cuộc chiến bảo vệ những người làm báo, vốn đã trải qua thời gian không dễ dàng gần đây, khi không ít người đã thiệt mạng khi đưa tin về các cuộc xung đột trên thế giới.
CPJ hồi tháng 8 đã góp phần lớn vào nỗ lực sơ tán các nhà báo Afghanistan sau khi Taliban nắm quyền kiểm soát ở nước này. Trong khi đó, Tổ chức Phóng viên Không biên giới, có trụ sở tại Paris, đã tiến hành nhiều chiến dịch truyền thông công cộng để thu hút sự chú ý đến các nhà báo gặp nguy hiểm.
Giải Nobel Hòa bình nên trao cho "những người đóng góp nhiều nhất hoặc thực hiện công việc tốt nhất nhằm thắt chặt tình bằng hữu giữa các quốc gia, bãi bỏ hoặc cắt giảm quân đội thường trực hoặc xúc tiến các hội nghị hòa bình", di chúc của Alfred Nobel, người đã để lại tài sản để lập giải thưởng Nobel trước khi qua đời, có đoạn.
Thanh Tâm (Theo Washington Post)