Chủ tịch Ủy ban Nobel Na Uy sẽ công bố người giành giải Nobel Hòa bình 2021 vào lúc 11h (16h giờ Hà Nội) tại Trung tâm Hòa bình Nobel ở thủ đô Olso, Na Uy. Một giờ sau đó, chim bồ câu, biểu tượng của hòa bình, sẽ được thả từ cửa sổ trung tâm để thông báo chủ nhân giải thưởng.
Các công ty cá cược Anh Betfair và William Hill hôm 2/10 quy định tỷ lệ đặt cược cho chiến thắng của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) lần lượt là 4 ăn 5 và 4 ăn 6, cho thấy họ nhận định cơ quan thuộc Liên Hợp Quốc này là ứng viên sáng giá nhất cho giải Nobel Hòa Bình 2021.
Các ứng viên khác được nhà cái xếp tỷ lệ đặt cược cao gồm thủ lĩnh phe đối lập Nga Alexey Navalny, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern và nhà hoạt động môi trường Thụy Điển Greta Thunberg.
Năm ngoái, WHO cũng được đề cử giải Nobel Hòa bình, nhưng giải thưởng danh giá này cuối cùng được trao cho Chương trình Lương thực Thế giới, cũng thuộc LHQ, với thành tích giúp gần 100 triệu người ở 88 quốc gia khác nhau.
WHO dường như nhận được nhiều sự ủng hộ cho giải Nobel Hòa bình năm nay, sau gần hai năm dẫn dắt thế giới ứng phó với đại dịch Covid-19. WHO cũng là cơ quan chịu trách nhiệm điều hành Covax, sáng kiến phân phối công bằng vaccine Covid-19 toàn cầu.
Tuy nhiên, không phải mọi người đều tin rằng WHO sẽ nhận giải Nobel Hòa bình năm nay. Dan Smith, giám đốc Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), cho hay sẽ rất ngạc nhiên nếu WHO được trao giải. Ông cho rằng các nhóm nghiên cứu vaccine Covid-19 cũng khó nhận giải Nobel Hòa bình do đã có giải thưởng cho lĩnh vực y học.
Ủy ban Nobel Na Uy hàng năm trao giải Nobel Hòa bình cho cá nhân hoặc tổ chức vì nỗ lực và hành động xuất sắc trong thúc đẩy hòa bình thế giới. 329 ứng viên được đề cử giải Nobel Hòa bình năm nay, gồm 234 cá nhân và 95 tổ chức.
Khi Alfred Nobel qua đời năm 1896, ông để lại khoản tài sản khổng lồ và muốn dùng một phần số tiền này để trao giải "cho những người mang lại lợi ích lớn nhất cho nhân loại trong một năm trước".
Di chúc của Nobel cho biết giải thưởng sẽ trao cho các lĩnh vực vật lý, hóa học, y học hoặc sinh lý học, văn học và hòa bình. Giải Nobel Hòa bình nên trao cho "những người đóng góp nhiều nhất hoặc thực hiện công việc tốt nhất nhằm thắt chặt tình bằng hữu giữa các quốc gia, bãi bỏ hoặc cắt giảm quân đội thường trực hoặc xúc tiến các hội nghị hòa bình", di chúc có đoạn.
Huyền Lê (Theo Nobel Peace Center)