Ký giả Jeremy Page, hoạt động ở Bắc Kinh và là cây viết thường xuyên của Wall Street Journal về Trung Quốc từ năm 1998, nói về sự thay đổi ban lãnh đạo ở Trung Quốc, sự khác nhau giữa các thế hệ lãnh đạo, và về những điều ông Tập Cận Bình sẽ phải làm để chèo lái nền kinh tế thứ hai thế giới trong thập niên tới. |
Thay vào đó, ông Tập sẽ đào sâu tìm hiểu lịch sử Trung Quốc, rút ra những lời khuyên chí lý từ tư tưởng uyên thâm của Mạnh Tử, nhà tư tưởng cổ đại chủ thuyết "thiên mệnh", theo đó những hoàng đế nào bất minh sẽ bị lật đổ. "Vì sao phải nói về lợi?", Mạnh Tử từng đặt câu hỏi với một đấng trị vì. Nếu một nhà vua mải kiếm lợi hơn là quan tâm đến trau dồi đạo đức và trách nhiệm, thì quan lại và dân chúng cũng sẽ làm như vậy, Mạnh Tử nói. "Và thế là tất cả mọi người ở cấp cao cho đến cấp thấp đều nhăm nhăm kiếm lợi, quốc gia sẽ lâm nguy".
Trung Quốc ngày nay phát triển mạnh nhờ việc cả nước làm kinh tế, tìm kiếm lợi nhuận, tuy thế nhiều quan chức đã không cưỡng lại được sức cám dỗ của lợi nhuận, lợi dụng đặc quyền, tham nhũng trong một hệ thống kinh tế chưa thực sự là kinh tế thị trường.
Trong phát biểu khai mạc Đại hội đảng 18, Tổng bí thư Hồ Cẩm Đào nhấn mạnh yêu cầu phải chống tham nhũng, bởi nếu không, tệ nạn này sẽ "làm sụp đổ" đảng và chính quyền.
"Nếu chúng ta không giải quyết được vấn đề này, nó có gây tác động nghiêm rọng tới đảng và thậm chí làm sụp đổ đảng và nhà nước", ông Hồ nói trước hơn 2.000 đại biểu đại diện cho hơn 80 triệu đảng viên Cộng sản Trung Quốc.
Ông Tập sẽ nhận trọng trách cầm quyền cao nhất trong đảng vào một năm đặc biệt, khi những vụ án tham nhũng và lạm quyền lớn bị phanh phui, đặc biệt là vụ án liên quan đến cựu ủy viên Bộ Chính trị Bạc Hy Lai, người có vợ đã sát hại một doanh nhân người Anh.
Thách thức lớn nhất đối với ông Tập, đại diện thế hệ lãnh đạo thứ năm của Trung Quốc, là tìm cách để đưa một chính quyền theo kiểu hệ thống Leninist thích ứng với các vấn đề kinh tế và các xung lực chính trị của thế kỷ 21, trong kỷ nguyên thông tin xã hội. Ông Tập có một số lợi thế để có thể thực hiện nhiệm vụ này.
Phó chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, người được dự đoán sẽ trở thành Tổng bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc sau cuộc bỏ phiếu ngày mai. Ảnh: Global News |
Cha ông Tập là một lão thành cách mạng từ thời Mao, bị thanh trừng trong Cách mạng Văn hóa và sau đó phục chức trong đảng vào những năm 1980, trở thành nhà kiến thiết của những cải cách ban đầu về kinh tế. Xuất thân này giúp ông Tập có được những mối liên hệ trong mạng lưới các "thái tử" - như cách dân chúng vẫn gọi con cái của các nhà lãnh đạo - và duy trì vị trí vững chắc cả trong giới quân sự lẫn dân sự.
Ông Hồ Cẩm Đào bắt đầu xây dựng sự nghiệp ở sâu trong nội địa, nơi có rất ít kinh tế tư nhân và đầu tư nước ngoài. Ông Tập dành gần như 30 năm sự nghiệp của mình để giải quyết các khó khăn và hỗ trợ công cuộc phát triển kinh tế ở các tỉnh duyên hải miền đông - động lực của phát triển kinh tế Trung Quốc. So với ông Hồ, ông Tập có cách nhìn thân thiện hơn đối với phương Tây, đặc biệt là với Mỹ, nơi ông lần đầu tiên đến thăm và ở một thời gian cùng gia đình người Mỹ, tại Iowa năm 1985. Con gái ông Tập đang học tại đại học Harvard.
Là một fan bóng đá và yêu thích phim hành động Hollywood, ông Tập được coi là có một hình ảnh rõ rệt hơn về tính cách. Điều này cũng một phần nhờ người vợ ca sĩ xinh đẹp có chất giọng cao vút, rất nổi tiếng ở Trung Quốc của ông.
"Ông Tập rất tự tin nhờ xuất thân, kinh nghiệm quản lý, kinh nghiệm trong giới quân đội và uy tín của người cha", Kevin Rudd, cựu thủ tướng Australia, từng là nhà ngoại giao công tác ở Bắc Kinh và có nhiều lần gặp ông Tập, nhận xét. "Ông ấy có phong thái tự tại. Tôi tin chắc chắn rằng Tập nắm rõ tầm quan trọng và quy mô của các thách thức trước mắt ông ấy".
Vấn đề là liệu ông Tập có thể sử dụng toàn bộ uy tín được thừa hưởng, các mối quan hệ cấp cao, sức thu hút cá nhân và kinh nghiệm quản lý sâu rộng của mình để chặt đứt tệ đặc quyền, đưa Trung Quốc đi trên những nấc thang phát triển hay không.
Các nhà kinh tế trong và ngoài Trung Quốc đều nhất trí rằng, muốn tiếp tục phát triển, nước này cần dựa vào kinh tế tư nhân và tiêu dùng. Điều đó có nghĩa là chính phủ phải hạn chế quyền lực của các công ty quốc doanh, hạn chế tình trạng quan chức địa phương ăn đất, xây dựng đội quân người tiêu dùng mới gồm hàng chục triệu người ở các thành phố, bằng cách tạo điều kiện cho người nhập cư sinh sống tốt hơn ở các đô thị.
Trung Quốc cũng đang lâm vào những tranh chấp căng thẳng về chủ quyền với nhiều nước láng giềng, trong lúc Mỹ đang tìm cách tăng sự hiện diện và ảnh hưởng trong khu vực.
Tuy nhiên, giới quan sát dự đoán ban lãnh đạo mới của Trung Quốc cũng sẽ không quá vội đưa ra những thay đổi to lớn. Thống đốc ngân hàng trung ương nước này, ông Zhou Xiaochuan, một nhà tài chính có tư tưởng tự do, nói rằng nếu có những cải cách lớn chắc cũng phải chờ đến tháng 10 năm sau là sớm nhất. Ông Tập, cho dù có đầu óc cải cách, cũng phải tuân thủ nguyên tắc nhất trí trong đảng.
Trong một cuộc phỏng vấn với một tạp chí Trung Quốc năm 2000, ông Tập nói: "Dường như ai cũng muốn làm ngay điều gì đó mới mẻ ngay trong năm đầu tiên. Nhưng cần phải dựa trên nền tảng mà những người đi trước đã xây dựng. Đây là một cuộc chạy tiếp sức. Anh phải nhận được cây gậy, rồi sau đó mới chạy bằng hết sức của bản thân mình". Ông cũng dẫn lời một triết gia cổ của Trung Quốc: "Đừng cố làm việc không thể. Đừng muốn có cái không thể có".
Các bạn bè của gia đình ông Tập cho biết ông được truyền nguồn cảm hứng lớn nhất từ cha ông. Ông Tập Trọng Huân là nhà cải cách về kinh tế và có tư tưởng thoáng đạt về chính trị. Dù không bao giờ công khai đề cập đến cha, ông Tập Cận Bình có niềm tự hào sâu sắc về gia đình, nhưng ông cũng rất coi trọng sự ủng hộ của các nhà lãnh đạo khác.
Ông Tập từng có thời thơ ấu khá sung sướng, lớn lên ở trung tâm Bắc Kinh, nơi gia đình của các nhà lãnh đạo được ở trong các nhà vườn lớn, được phục vụ về hậu cần, đi lại trên những chiếc xe do Liên Xô sản xuất. Ông và các bạn đồng lứa đi học ở những trường tốt nhất và có điều kiện đọc sách, xem phim nước ngoài. Cuộc sống êm đềm đó chấm dứt năm 1962 khi cha của ông bị tố cáo là ủng hộ một cuốn sách chỉ trích Mao chủ tịch, và bị quản thúc. Tiếp đó là những năm thử thách đối với Tập khi ông bị chuyển đến một tỉnh xa để "học tập những đức tính tốt của người nông dân" trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa.
Được đưa đến làng Lương Gia Hà tại tỉnh Thiểm Tây cùng với một nhóm khoảng 20 sinh viên, chàng trai trẻ Tập Cận Bình ở đó 7 năm trong một ngôi làng được đục vào vách núi. Ban đầu Tập vùi đầu vào sách vở mang theo từ Bắc Kinh, nhưng dần dần hòa nhập với cuộc sống nhà nông, với công việc chủ yếu là đào các hố, đổ phân chuồng xuống và sau đó chiết lấy biogas.
Tập Cận Bình thời niên thiếu |
Bước khởi nghiệp của Tập Cận Bình |
Tập Cận Bình tôi luyện ở Phúc Kiến |
Tập Cận Bình chắp cánh kinh tế tư nhân |
Người vợ tài sắc của Tập Cận Bình |
Sau đó, Tập vào đảng và đi học ngành hóa tại đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh vào cuối những năm 70. Bước tiếp theo, Tập làm thư ký cho bộ trưởng quốc phòng.
Năm 1982, Tập có bước ngoặt chiến lược trong sự nghiệp, từ bỏ quân đội và trở về nông thôn, làm phó bí thư hạt Chính Định, tỉnh Hà Bắc. Các vị trí công tác tiếp theo của ông là ở Hạ Môn, Phúc Kiến, rồi bí thư tỉnh ủy Chiết Giang, sau đó là bí thư thành ủy Thượng Hải. Tại tất cả những nơi này, Tập đã hỗ trợ cho sự phát triển của kinh tế tư nhân, thu hút đầu tư nước ngoài, đề cao việc bảo vệ môi trường, tỏ ra là nhà lãnh đạo có đầu óc tiên tiến.
Các quan chức đảng thường "thận trọng trên bước đường thăng tiến", Gregory Gilligan, giám đốc McDonald's tại Chiết Giang thời ông Tập công tác, bình luận. "Tập thì khác bởi ông ấy có niềm tự tin sâu sắc rằng những việc làm của ông sẽ được người khác đồng tình". McDonald thời đó đã được giúp để vượt qua những khó khăn trong việc mở rộng kinh doanh ở Chiết Giang.
Tập Cận Bình thể hiện niềm yêu thể thao trong chuyến công du Ireland đầu năm nay. Ảnh: WSJ |
Kể từ khi vào thường vụ Bộ Chính trị, cơ quan lãnh đạo tối cao ở Trung Quốc, năm 2007, ông Tập dường như thận trọng hơn nữa trong các phát biểu của mình. Nhiều quan chức Mỹ từng gặp ông cho hay ông tỏ ra sẵn sàng trả lời các câu hỏi, nhưng khi đi sâu vào các vấn đề thì câu trả lời của ông thường rất rộng. Tuy thế ông cũng gây được sự chú ý mạnh mẽ và cảm tình trong chuyến thăm Mỹ hồi đầu năm nay. Ngoài việc trở lại với gia đình người Mỹ nơi ông ở năm 1985, Tập còn trở thành nhà lãnh đạo Trung Quốc đầu tiên tham dự một trận đấu của Liên đoàn bóng rổ nhà nghề Mỹ, gặp các ngôi sao thể thao như Beckham và Magic Johnson.
Giới phân tích cho rằng những động thái này của ông Tập là sự kế tục phong cách ông Đặng Tiểu Bình, nhưng ông Tập cũng theo bước cha mình, bởi ông Tập Trọng Huân từng thăm Iowa, Los Angeles là các địa điểm khác ở Mỹ năm 1980.
Trong chuyến thăm hồi tháng 1, ông Tập được tặng một cuốn album có ảnh chụp cha ông hồi thăm Mỹ. Một tấm ảnh cho thấy ông Tập cha mang tràng hoa kiểu Hawaii; một bức khác cho thấy ông đứng cạnh Mickey Mouse ở Disneyland. Ông Tập mở cuốn album, cười lớn và chỉ vào từng người trong ảnh đi cùng với cha mình, đọc tên vanh vách. Thời gian trao album dự kiến dài hai phút đã biến thành 10 phút.
"Thật vui và sống động, rất sống động, rất con người", Steve Orlins, chủ tịch Ủy ban quốc gia Mỹ về quan hệ Mỹ - Trung, nhận xét. Ông Orin chính là người trao cuốn ảnh. "Cha của ông ấy là người có sức thu hút mạnh mẽ và rất được yêu mến trong thời gian ở Mỹ. Chúng tôi rất trông đợi vào câu 'cha nào con nấy'".
Ánh Dương (theo WSJ)