Phó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: AFP |
Trong ba năm rưỡi làm bí thư tỉnh ủy Chiết Giang, ông Tập đã đặt niềm tin và có những bước đi ủng hộ mạnh mẽ cho kinh tế tư nhân; không cạnh tranh mà liên kết với các tỉnh láng giềng để trở thành trung tâm kinh tế quốc gia.
Ngay khi vừa nhậm chức vào mùa xuân năm 2003, Tập Cận Bình, với tư cách chủ tịch và bí thư tỉnh ủy Chiết Giang, đã khuyến khích những nhà máy và khu công nghiệp nặng chuyển sâu vào nội địa, đồng thời ủng hộ việc nghiên cứu và phát triển của các doanh nghiệp tư nhân. Nhờ những nỗ lực của ông, tỷ lệ nghiên cứu, đầu tư và phát triển nền kinh tế tư nhân ở nơi này đã tăng tới 4 lần, từ 5,6 tỷ nhân dân tệ vào năm 2003 lên 31,6 tỷ trong năm 2007.
Nâng đỡ kinh tế tư nhân
Ông Tập tuyên bố sẽ hỗ trợ nền kinh tế tư nhân ở một đất nước nơi phần lớn các công ty lớn đều thuộc quyền điều hành của nhà nước. Tính tới khi ông Tập rời nhiệm sở, số lượng doanh nghiệp tư nhân ở Chiết Giang đã tăng lên 203, so với con số 183 hồi năm 2003.
"Những thành tựu mà Tập đã đạt được ở Chiết Giang đều rất ấn tượng, đặc biệt trong việc thúc đẩy sự phát triển của kinh tế tư nhân. Điều đó cho thấy ông là một nhà lãnh đạo có tư tưởng cởi mở", giáo sư Cheng Li, một chuyên gia Trung Quốc đang làm việc tại Viện Brookings, nói.
Khi Tập chuyển tới Chiết Giang sau 17 năm làm việc ở Phúc Kiến, tỉnh này đã được xếp hạng thứ 4 trong danh sách những tỉnh giàu nhất Trung Quốc. Vị bí thư tỉnh ủy mới đã nhanh chóng nhận ra rằng các doanh nghiệp tư nhân, vốn đã nở rộ vào thập niên 80 nhờ chính sách "mở cửa" của Đặng Tiểu Bình, đóng vai trò rất lớn trong sự tăng trưởng đó.
Để tiếp nối chuỗi thành công này, Tập Cận Bình quyết định xây dựng thêm nhiều kế hoạch phát triển. Ông khuyến khích các ngành công nghiệp tốn nhiều nhân công của địa phương chuyển địa điểm tới những tỉnh ở sâu trong nội địa, nơi có không gian và nguồn lao động dồi dào hơn, đồng thời hỗ trợ và thu hút những doanh nghiệp hiện đại và có tính sáng tạo tới Chiết Giang.
Tập Cận Bình thời niên thiếu |
Bước khởi nghiệp của Tập Cận Bình |
Tập Cận Bình tôi luyện ở Phúc Kiến |
Nữ tướng tài sắc của Tập Cận Bình |
Sở dĩ Tập làm vậy là vì tình trạng khan hiếm tài nguyên và sự gia tăng chí phí lao động ở Chiết Giang, Shi Jinchuan, người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Tư nhân tại Đại học Chiết Giang, nhận định.
"Đó là một chính sách đúng đắn, bởi nó sử dụng những lợi thế của Chiết Giang, trong khi thúc đẩy quá trình hiện đại hóa cho các doanh nghiệp ở nơi này", Shi nói.
Và những bước đi của ông Tập đã thực sự mang lại hiệu quả. Trong hai năm qua, không ít doanh nghiệp lớn của Chiết Giang đã có đủ khả năng thuê gia công bên ngoài, để tập trung nguồn lực cho việc xây dựng thương hiệu, bán hàng và nghiên cứu phát triển, ông Shi cho biết.
Nền kinh tế tư nhân bắt đầu bùng nổ ở Chiết Giang vào cuối những năm 70 và đầu thập niên 80. Chiết Giang, nơi đã đứng ngoài trong suốt những chương trình đầu tư công nghiệp của kỷ nguyên trước đó, nay trở thành một trong những tỉnh được trang bị tốt nhất để đáp ứng nhanh chóng trước môi trường mới.
"Rất nhiều doanh nhân ở Chiết Giang đã bắt đầu từ con số không, nhưng họ đã làm việc rất chăm chỉ và trở nên giàu có", Tập nói hồi tháng 12/2003. Ông nhấn mạnh rằng, một phần ba trong số 500 doanh nghiệp giàu có nhất đại lục có trụ sở ở Chiết Giang, và 30 trong số đó đang sở hữu hơn 10 tỷ tệ.
Để có thêm hiểu biết về lĩnh vực này, ngay từ khi nhậm chức, Tập đã nhiều lần tới thăm các doanh nghiệp tư nhân lớn ở Chiết Giang. Nơi đầu tiên ông tới là Geely, doanh nghiệp sản xuất ô tô duy nhất trên địa bàn tỉnh, có trụ sở ở Hàng Châu, thành phố thủ phủ của tỉnh Chiết Giang.
Sau đó, ông đưa ra 9 biện pháp để hỗ trợ Geely, bao gồm việc khuyến khích các công ty taxi ở Chiết Giang sử dụng ô tô do Geely sản xuất. Nhờ những cố gắng của ông, Geely hiện đã trở thành một trong những nhà sản xuất ô tô hàng đầu Trung Quốc.
Trong suốt 3,5 năm gắn bó với Chiết Giang, Tập Cận Bình đã giúp doanh thu tổng sản phẩm quốc nội của tỉnh tăng liên tục với tốc độ nhanh chóng. Theo quan điểm của ông Tập, quyền lợi của các doanh nghiệp tư nhân cần được luật pháp bảo vệ. Ông cho rằng những doanh nghiệp này chính là một trong những nhân tố quan trọng nhất quyết định sự thành bại của nền kinh tế quốc gia, Yao Xinbao, một giáo sư chuyên ngành báo chí ở Đại học Giao thông, Thượng Hải, nói.
"Tập luôn giữ vững niềm tin của mình", Yao nói. "Sự phát triển của nền kinh tế tư nhân là thành tựu lớn nhất của Tập trong thời gian ông tại vị ở Chiết Giang."
Tầm nhìn rộng lớn
Li cho rằng cha của Tập Cận Bình, cựu phó thủ tướng Tập Trọng Huân, một trong những người đi đầu làn sóng cải cách kinh tế ở Trung Quốc, có thể đã gợi mở niềm tin vào nền kinh tế tư nhân của nhà lãnh đạo tương lai. Với tư cách là bí thư tỉnh Quảng Đông từ năm 1978 tới 1980, Tập Trọng Huân là một trong những người tiên phong trong việc thực hiện chính sách cải cách và mở cửa ở nơi này.
Để tăng cường sức mạnh của nền kinh tế tư nhân, Tập Cận Bình chọn cách liên kết chặt chẽ hơn với Thượng Hải, trung tâm tài chính của đất nước, và Giang Tô, tỉnh "láng giềng" của Chiết Giang. Chiến lược của Tập là để Thượng Hải dẫn dắt Chiết Giang và Giang Tô trong việc phát triển kinh tế ở khu vực đồng bằng sông Dương Tử.
"Tập có tầm nhìn về vị trí của Chiết Giang ở khu vực đồng bằng sông Dương Tử", một phóng viên, từng làm việc cho một tờ báo Hong Kong ở Chiết Giang trong thời gian Tập ở đó, cho hay.
Thời điểm đó, có những tranh luận về việc tỉnh, thành nào sẽ đóng vai trò đi đầu trong sự phát triển của đồng bằng sông Dương Tử, bởi Chiết Giang, Giang Tô và Thượng Hải đều có những lợi thế riêng, cô nói. Theo nữ phóng viên này, Thượng Hải có nguồn lực tài chính, Chiết Giang có nền kinh tế phát triển và Giang Tô nhận được nhiều vốn đầu tư từ Đài Loan.
Tập Cận Bình không ngại việc để Thượng Hải dẫn đầu. Trong kế hoạch nhằm thành lập một trung tâm vận chuyển quốc tế ở khu vực, Tập đã quyết định tạo điều kiện để Thượng Hải quản lý Dương Sơn, một cảng nước sâu ở phía nam vịnh Hàng Châu. Công trình được bắt đầu vào năm 2002 và được đưa vào hoạt động từ năm 2005.
Tháng 3/2007, Tập Cận Bình được bổ nhiệm làm bí thư thành phố Thượng Hải. Việc này diễn ra sau khi bí thư Trần Lương Vũ, bị mất chức vì tội chiếm đoạt tiền từ quỹ an sinh xã hội Thượng Hải.
Thượng Hải vốn có mối quan hệ kinh tế chặt chẽ với Chiết Giang, và kinh nghiệm lãnh đạo Chiết Giang trong gần 4 năm đã giúp Tập Cận Bình nhận được ghế lãnh đạo một trong những thành phố đông dân và sôi động nhất Trung Quốc, Li nói.
Trong suốt thời gian tại vị ở Thượng Hải, nhiệm vụ quan trọng nhất của Tập Cận Bình là đưa thành phố vượt qua những bê bối liên quan tới nguồn quỹ an sinh xã hội, các nhà phân tích nói.
Yao kể rằng ông Tập từng gạt đi sức ảnh hưởng của một số người Mỹ, những người muốn vận động để một công ty Mỹ xây Tháp Thượng Hải. Công trình này đã được một hãng kiến trúc có trụ sở ở San Francisco thiết kế. Theo quan điểm của Tập, đó sẽ là một công trình mang tính biểu tượng, tọa lạc ở khu tài chính trung tâm và dự kiến sẽ trở thành tòa tháp cao thứ hai thế giới, và phải được xây bởi một công ty của Trung Quốc.
Tòa tháp Shanghai Tower J sẽ được đưa vào sử dụng trong năm 2014. Ảnh: ChinaDaily |
Và điều đó sắp trở thành sự thật, khi tòa tháp Shanghai Tower J cao 632m đang được Công ty Xây dựng Thượng Hải xây dựng, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2014.
"Nó cho thấy sự kiên định và quyết liệt của ông Tập", Yao nói.
Không giống Hà Bắc, Phúc Kiến, hay Chiết Giang, thời gian làm việc tại Thượng Hải của ông Tập không kéo dài. 7 tháng sau khi nhậm chức, ông được bổ nhiệm vào Thường vụ Bộ Chính trị, và trở thành một trong những nhà lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc từ đó tới nay.
Quỳnh Hoa (Theo South China Morning Post)