Một quan chức của thành phố Phúc Châu, thủ phủ tỉnh Phúc Kiến, người từng làm việc dưới quyền ông Tập từ những năm 1990, cho biết ông luôn là người nuôi dưỡng những tham vọng lớn.
"Bề ngoài, ông Tập trông như một lãnh đạo bình thường và có xu hướng lựa chọn con đường an toàn", ông nói. "Tuy nhiên, trên thực tế, ông ấy là một chính trị gia đầy tham vọng và ấp ủ những điều to lớn vượt ra ngoài cuộc sống của cá nhân".
"Từ khi còn trẻ, trong thâm tâm, ông ấy đã nghĩ đến việc được vào Ban chấp hành trung ương đảng. Nhưng có lẽ ngay chính bản thân ông Tập cũng không ngờ được một ngày nào đó mình sẽ trở thành người đứng đầu Trung Quốc".
Phó chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng trải qua 17 năm thăng trầm ở Phúc Kiến. Ảnh: FP |
Hạ Môn
Ông Tập là con trai thứ hai của cựu phó thủ tướng Tập Trọng Huân, cựu bí thư tỉnh ủy Quảng Đông. Cha ông nổi tiếng là một trong tám công thần của Trung Quốc, ủng hộ mạnh mẽ cho chính sách cải cách kinh tế của Quảng Đông và kế hoạch thí điểm đặc khu kinh tế (SEZ) ở Thâm Quyến, Chu Hải và Sán Đầu.
Công việc đầu tiên của ông Tập tại Phúc Kiến là quản lý đặc khu kinh tế của tỉnh tại thành phố Hạ Môn, rất gần với Đài Loan. Ông đã nỗ lực học hỏi từ cha mình để hỗ trợ cho sự phát triển của Hạ Môn nhưng bước đầu gặp thất bại.
Trước đó ông Tập đang giữ chức bí thư huyện ủy ở Hà Bắc, được điều đến Hạ Môn năm 1985 để thay thế cho phó thị trưởng An Lê, con dâu của bí thư thành ủy khi đó là Hồ Diệu Bang. Bà An bị buộc từ chức do lối sống xa hoa và thái độ ngạo mạn không được lòng các quan chức cũng như dân chúng.
"Sau vụ từ chức của bà An, bí thư tỉnh ủy Lý Hướng Nam đã yêu cầu ông Hồ cử một người khác đến lấp chỗ trống", quan chức Phúc Châu kể tiếp, thêm rằng ông Hồ chọn ông Tập vì nền tảng gia đình tốt, tính tình khiêm tốn và giản dị.
Năm 2000, ông Tập cho biết trên chương trình Kinh tế Nửa giờ của truyền hình trung ương Trung Quốc rằng, tỉnh Phúc Kiến "chưa phát triển mạnh như tôi tưởng tượng trước khi đến đây", và nhắc lại chuyến đi 236 km vất vả từ thủ phủ tỉnh đến Hạ Môn. "Tháng 6/1985, tôi đến Hạ Môn, trải qua 8 tiếng ngồi xe để đến đó từ Phúc Châu, do hạ tầng giao thông quá lạc hậu", ông kể.
Cuốn tiểu sử của ông Tập do nhà xuất bản China Times ở Đài Bắc giới thiệu đầu năm nay, cho hay sau chuyến đi gian truân lần đó, ông quyết định xây đường cao tốc nối Hạ Môn với Phúc Châu.
"Nhiều đồng chí ở Hạ Môn nói với tôi rằng thành phố của họ cứ như một thiếu nữ xinh đẹp khoác trên mình bộ váy rách nát", cuốn sách mang tên "Tập Cận Bình - nhà lãnh đạo mới của đảng Cộng sản Trung Quốc - giữa ngã tư lịch sử", dẫn lời ông Tập kể lại và thêm rằng tân phó thị trưởng cũng lên kế hoạch "lột xác" cho Hạ Môn.
Tuy nhiên, chỉ ba năm sau đó, ông Tập rời Hạ Môn sau khi thành phố này có thị trưởng mới. Bí thư tỉnh ủy Phúc Kiến từ chức năm 1987 và sau đó hầu hết các kế hoạch phát triển thành phố mà ông Tập đề xuất đều bị gác lại.
Ninh Đức
Sau Hạ Môn, ông Tập trở thành bí thư huyện ủy ở Ninh Đức, một thành phố tương đối nghèo ở miền đông bắc hẻo lánh của Phúc Kiến. Một quan chức khác ở Phúc Châu, đang làm ở sở văn hóa tỉnh, cho biết khi ông Tập đến Ninh Đức, giới chức và cư dân địa phương đã yêu cầu ông tận dụng các mối quan hệ có được từ người cha nổi tiếng để đưa thị trấn nhỏ bé này thành thành phố thuộc tỉnh.
"Tuy nhiên ông Tập khước từ yêu cầu của họ và thay vào đó, ông tung ra chiến dịch bảo vệ môi trường với khẩu hiệu "Trả lại sông núi xanh tươi cho người dân chúng ta", theo đó di dời nhiều ngôi mộ lớn được xây dựng dọc một trục đường chính nối Ninh Đức với các tỉnh thành bên ngoài.
Quan chức trên kể rằng ông Tập không ngại "làm mất lòng tầng lớp giàu có và quyền lực, những người muốn gây tổn hại cho lợi ích công cộng", bởi hầu hết các ngôi mộ trên đều do những gia tộc giàu có trong địa phương, có quan hệ với giới chức, xây dựng.
"Sự quyết đoán của ông Tập khiến nhiều gia đình quyền thế và quan chức địa phương không hài lòng", ông nói. Quan chức trên nói thêm rằng việc bảo vệ môi trường là một trong những ưu tiên của ông Tập lúc đó, trong đó dự án kiểm soát sa mạc ở Long Nham, khi ông trở thành quyền chủ tịch tỉnh Phúc Kiến năm 1999, là đáng chú ý nhất.
"Nhưng cách đây hơn một thập kỷ, không ai trong số chúng tôi nhận ra tầm quan trọng của một chương trình bảo vệ môi trường sáng tạo và tiến bộ như thế. Hầu hết giới chức địa phương khi đó chỉ cố gắng tạo ra một vài "dự án hình thức" để dễ bề thăng tiến", ông kể.
Năm 2000, một Ninh Đức thân thiện với môi trường đã chính thức được nâng cấp lên thành phố thuộc tỉnh, và ông Tập trở thành chủ tịch Phúc Kiến. Một thành tích khác của ông Tập nữa đó là thu hút thành công nguồn vốn nước ngoài về Phúc Châu, khi ông giữ chức bí thư thành ủy từ năm 1998 đến năm 2000. Một trong những dự án với sự tham gia của tài phiệt Hong Kong Lý Gia Thành là tái tạo Tam Phòng Thất Cảng, một khu dân cư lịch sử từ triều đại nhà Minh và nhà Thanh.
'Quan chức ngoài lề'
Một vài người làm việc dưới quyền ông Tập ở Phúc Kiến cho biết rất khó để tìm được một sai sót của ông, thậm chí cả khi một vụ buôn lậu lớn gây tranh cãi khiến ít nhất 700 quan chức chính phủ và địa phương mất chức.
Thời gian ông Tập ở Phúc Kiến trùng với giai đoạn thăng trầm của Lại Xương Tinh, tội phạm bỏ trốn bị truy nã gắt gao nhất đại lục năm 2000. Lại, 54 tuổi, lập ra tập đoàn Nguyên Hoa (Yuanhua) ở Hạ Môn thời những năm 1990. Tại phiên xét xử y hồi tháng 4 năm nay, Xinhua đưa tin y đã trốn 14 tỷ nhân dân tệ tiền thuế qua các hoạt động buôn lậu từ năm 1996 đến 1999, và y đã đút lót 40 triệu nhân dân tệ cho ít nhất 64 quan chức chính quyền. Lại bị tuyên án chung thân bởi tòa án nhân dân trung cấp Hạ Môn hồi tháng 5.
Một nguồn tin thân cận với chính quyền tỉnh Phúc Kiến cho biết ông Tập không bị hề hấn gì bởi vụ bê bối trên.
"Không có bằng chứng nào cho thấy ông Tập, lãnh đạo số hai Phúc Kiến sau Giả Khánh Lâm, có quan hệ với Lại", ông này nói. "Giữa những năm 1990, thời điểm huy hoàng của tập đoàn Nguyên Hoa, hầu hết các quan chức cấp tỉnh rất tự hào được kết bạn với Lại, và tất cả đều muốn phô trương mối quan hệ này. Ông Tập lại là một quan chức cấp cao hiếm hoi giữ khoảng cách với Lại".
Ông cho biết thời ông Tập làm thư ký cho Bộ trưởng Quốc phòng hồi đầu những năm 1980 là khoảng thời gian vô giá, giúp ông "tu dưỡng bản lĩnh và nhận thức chính trị", mở đường tiến thân vào hàng ngũ cấp cao của đảng.
"Là một trong các thư ký của Bộ trưởng Quốc phòng, tôi nghĩ ông ấy có cơ hội tham dự nhiều cuộc họp của Bộ Chính trị và đọc nhiều tài liệu mật của đảng", quan chức trên nói. "Những đặc quyền này giúp ông hiểu rằng nhiệm vụ mấu chốt ở Phúc Kiến không phải là kết giao với những kẻ có ảnh hưởng hay chạy đua với tỉnh Quảng Đông láng giềng và những tỉnh ven biển khác về phát triển kinh tế, mà là một nhiệm vụ khác, một nhiệm vụ chính trị - phục vụ công tác thống nhất Đài Loan.
Shi Bing, chủ nhiệm văn phòng tại Phúc Châu của tờ báo có trụ sở ở Hong Kong Ta Kung Pao, cho biết khi ông Tập làm chủ tịch Phúc Kiến, báo chí địa phương từng hỏi ông tại sao lại có một khoảng cách lớn như thế giữa Phúc Kiến và Quảng Đông về kinh tế, khi cả hai có cùng xuất phát điểm.
"Câu trả lời của ông Tập là: khi phát súng bắt đầu quá trình cải cách đất nước và cuộc đua mở cửa vang lên, Quảng Đông đã lao lên ngay lập tức, còn Phúc Kiến vẫn mải buộc dây giày, và công việc của tôi là tạo ra một nền móng vững chắc cho Phúc Kiến", ông thuật lại. "Nền móng này bao gồm tiến hành các bước duy trì diện tích rừng bao phủ hơn 60% của tỉnh, thu hút vốn đầu tư và cải tạo cơ sở hạng tầng địa phương".
Nhiều quan chức cấp trung ở Phúc Châu kể rằng ông Tập, là một quan chức từ tỉnh ngoài đến lãnh đạo, đã trải qua 17 năm đầy khó khăn ở Phúc Kiến. "Nhưng là một người có nền tảng gia đình ưu tú, cuộc sống giản đơn và tính vị tha của ông Tập đã gây ấn tượng mạnh với giới chức và người dân địa phương", một quan chức đối ngoại của tỉnh nói.
"Khi ông Tập ở Hạ Môn và Ninh Đức, ông vẫn mặt bộ đồng phục quân đội màu xanh lá, bộ quần áo ông mặc ở Chính Định, Hà Bắc", ông này kể. "Ông ấy bắt đầu mặc đồ theo phong cách phương Tây khi trở thành bí thư Phúc Châu, vì ông hay phải giao tiếp với các nhà doanh nghiệp nước ngoài tại các buổi xúc tiến đầu tư".
Ông Sze Chi-ching, một doanh nhân Hong Kong gốc Phúc Kiến và là bạn của ông Tập, mô tả ông Tập tính tình khiêm tốn và luôn nhớ rõ bạn bè. "Ông ấy sống ở một khu tập thể công và tự giặt quần áo khi đã làm phó thị trưởng Hạ Môn", ông Sze, 73 tuổi, kể. "Ông ấy cũng ăn tối ở nhà ăn tập thể và không bao giờ lui tới những nhà hàng sang trọng".
"Ông ấy không bao giờ quên những người bạn cũ như tôi, khi tôi đến Chiết Giang và Thượng Hải, ông ấy vẫn dành thời gian gặp tôi, làm tôi cảm thấy rõ tình bằng hữu", ông Sze nói thêm.
Quan chức đối ngoại Phúc Châu thì kể rằng, ông Tập luôn cố gắng giữ vững hình ảnh trong sạch của mình. "Ví dụ, ông ấy không cho phép anh chị em trong gia đình điều hành các doanh nghiệp ở Phúc Kiến khi ông còn ở đó", quan chức này nói. "Ông ấy kể rằng ông từng cảnh báo họ 'Tôi sẽ không giúp đỡ gì hết nếu các anh chị gặp vấn đề gì ở Phúc Kiến' ".
Quan chức trên cho biết mẹ ông Tập, Tề Tâm, đóng vai trò quan trọng trong việc loại bỏ những "chướng ngại vật gia đình" và thuyết phục các anh chị em của ông, bây giờ đều là các doanh nhân, ủng hộ sự nghiệp chính trị của ông.
"Đó là lý do tại sao em trai ông ấy, Tập Viễn Bình, đồng ý rút tất cả các công ty ở Thượng Hải, sau khi ông Tập nhậm chức bí thư thành ủy năm 2007", ông nói.
Anh Ngọc (Theo South China Morning Post)