Phó thủ tướng Lý Khắc Cường, 57 tuổi, được cho là sẽ được bầu vào chức thủ tướng sau đại hội đảng lần thứ 18 của Trung Quốc. Tuyên bố chính thức các vị trí lãnh đạo mới của nước này sẽ được công khai ngày 15/11, sau khi đại hội kết thúc.
Tuy thuộc thế hệ mới hơn, Lý vẫn là một thành viên của bộ máy lãnh đạo luôn đề cao sự nhất trí trong đảng cộng sản. Đảng tiến hành cải cách dần dần về kinh tế, cải tổ các doanh nghiệp nhà nước to lớn, nhưng vẫn rất từ tốn trong lĩnh vực chính trị và thông tin.
Thủ tướng tương lai của Trung Quốc Lý Khắc Cường. Ảnh: AP |
Ông Lý được nhất trí đưa vào cơ quan quyết đinh cao nhất của đảng Trung Quốc trong cuộc họp trù bị trước đại hội, sẽ chịu trách nhiệm chính về nền kinh tế thứ nhì thế giới thay ông Ôn Gia Bảo về hưu. Ông từng là chủ tịch tỉnh Hà Nam năm 1998, trong những năm đại dịch AIDS đang bùng nổ. Đó cũng là thời điểm một vụ bê bối nghiêm trọng về truyền máu xảy ra ở đây. Khi chính quyền Trung Quốc công khai về các vụ việc liên quan đến bê bối 4 năm sau đó, ông Lý tỏ ra có giác quan chính trị nhạy bén, đã tìm cách đưa sự hỗ trợ của chính phủ đến với các nạn nhân và công khai bày tỏ niềm thương xót với họ.
Những năm tháng xây dựng sự nghiệp của ông Lý rất tiêu biểu cho thế hệ lãnh đạo thứ năm của Trung Quốc. Ông đến với chính trị từ thời tao loạn của Cách mạng văn hóa 1966-76, sau đó theo học trường Đai học Bắc Kinh danh tiếng. Khác với thế hệ lãnh đạo thứ tư, thường học về kỹ thuật, ông Lý theo ngành luật và kinh tế trong những năm tư tưởng tự do và lạc quan hơn sau thời Cách mạng văn hóa đang ngập tràn ở Trung Quốc.
Sau khi tốt nghiệp, Lý tham gia công tác Đoàn thanh niên, nơi quy tụ các sinh viên và thanh niên ưu tú để chuẩn bị cho đảng. Khi đó, Đoàn do ông Hồ Cẩm Đào, nay là chủ tịch và tổng bí thư của Trung Quốc, phụ trách.
Sau sự kiện Thiên An Môn năm 1989, Lý từng có thời gian nỗ lực xây dựng sự hiểu biết chung giữa đoàn với các nhà hoạt động thanh niên. Sau đó ông trở thành người lãnh đạo của đoàn, trong bối cảnh nền kinh tế thị trường đang phát huy sức ảnh hưởng của nó đối với giới trẻ.
Ông Lý thậm chí từng được coi như người kế tục ông Hồ Cẩm Đào. Tuy nhiên quyết định cuối cùng của ban lãnh đạo đảng dường như đã an bài, ông Tập Cận Bình được cho là sẽ lên kế nhiệm chức vụ tổng bí thư và sau đó là chủ tịch nước của Trung Quốc khi ông Hồ về hưu.
Mối quan hệ giữa ông Lý và ông Tập chưa hiện lên rõ nét, tuy nhiên rất có thể hai người sẽ đảm trách các nhiệm vụ như ông Ôn và ông Hồ đã làm. Một người phụ trách các công việc hàng ngày của chính phủ và quản lý kinh tế, một người là nguyên thủ quốc gia.
Sau thời gian công tác ở Hà Nam, ông Lý sang công tác ở tỉnh miền đông bắc Liêu Ninh, nơi ông chủ trì việc phát triển kinh tế thu hút đầu tư của các hãng lớn trên thế giới như BMW hay Intel. Thành phố thủ phủ của Đại Liên - Liêu Ninh - tỏa sáng lấp lánh trong một kỳ Diễn đàn Kinh tế Thế giới, nơi các tỷ phú khắp toàn cầu sánh vai cùng các nhà lãnh đạo chính quyền và kinh tế Trung Quốc.
Trong một bức điện tín của Bộ Ngoại giao Mỹ được Wikileaks tiết lộ, ông Lý được trích lời cho biết, về kinh tế, điều mà ông thực sự quan tâm là các chỉ số về tiêu thụ điện năng, năng lực vận tải hàng hóa qua đường sắt, chỉ số tín dụng, hơn là các số liệu về tăng trưởng kinh tế.
Kể từ khi được bầu vào Ủy ban thường vụ Bộ Chính trị năm 2007, ông Lý có các bước tiến chậm rãi trên con đường chính trị, trong các lĩnh vực như y tế, an toàn thực phẩm và nhà ở. Các lĩnh vực này thường bị đề cập đến với các từ ngữ như thiếu nguồn lực tài chính, ít được giám sát và giá cả cao vọt. Ông cũng không có nhiều những chuyến đi đình đám hay các bài phát biểu nổi bật.
Hồi tháng 4, tại diễn đàn kinh tế Bác Ngao, nơi quy tụ các quan chức chính phủ và cộng đồng doanh nhân miền nam Trung Quốc, ông Lý nói về yêu cầu cần cải tổ cấu trúc kinh tế Trung Quốc, về đòi hỏi có sự cân bằng, ổn định và phối hợp hơn. Trung Quốc muốn tạo ra một "thị trường cởi mở, minh bạch, công bằng, cạnh tranh và có thể dự đoán được, với môi trường pháp lý thích đáng", Lý nói.
Những lời cam kết như vậy cũng từng được giới lãnh đạo Trung Quốc đưa ra nhiều lần, kể cả trong Kế hoạch 5 năm mới nhất. Tuy nhiên vấn đề đáng quan tâm, theo Patrick Chovanec, giáo sư kinh tế tại Đai học Thanh Hoa, là liệu ông Lý có sẵn sàng thực hiện hay không. "Chúng ta sẽ chờ xem ông Lý thể hiện là nhà lãnh đạo, hay cũng đi theo đường lối đã được nhất trí mà thôi", giáo sư Chavonec nói.
Cơ chế thống nhất có thể ảnh hưởng đến phạm vi của cải cách, cho dù ông Lý hay đảng khẳng định cải cách là cần thiết, học giả Yu Maochun, người Trung Quốc, thuộc Học viện hải quân Mỹ, bình luận. Theo Yu, cải cách sâu rộng cơ cấu kinh tế Trung Quốc nhất định sẽ chạm đến nhiều lĩnh vực khác, vì vậy, giới quan sát sẽ phải chờ xem.
Ánh Dương (theo AP)