Jacky Vương, doanh nhân 47 tuổi, năm nay mua hai chiếc xe Mercedes-Benz và quyên góp 3 triệu nhân dân tệ (470.000 USD) cho một hoạt động xã hội, hưởng ứng lời kêu gọi từ chính quyền địa phương tỉnh Giang Tô, miền đông Trung Quốc.
Công ty xi măng của Jacky hiện hoạt động cầm chừng, song ông quyết định mua sắm và làm từ thiện nhiều hơn là đổ tiền đầu tư nhằm tăng trưởng kinh doanh.
"Triển vọng kinh doanh của công ty có thể sẽ khởi sắc trong năm nay, thời điểm Trung Quốc hướng tới thúc đẩy nền kinh tế bằng cách đầu tư vào cơ sở hạ tầng", Jacky nói. "Tôi lẽ ra nên tăng cường đầu tư vào các nhà máy của mình và làm việc chăm chỉ, nhưng tôi chỉ muốn 'nằm yên'".
"Nằm yên" là cụm từ được nhắc tới với tần suất cao trên mạng xã hội Trung Quốc năm ngoái, chỉ phong cách làm việc tối thiểu để duy trì cuộc sống, chứ không "bán mạng" cho công việc.
"Nếu không vì hàng trăm công nhân phụ thuộc vào công việc để nuôi sống gia đình, tôi sẽ đóng cửa các nhà máy và tận hưởng cuộc sống của mình", Jacky chia sẻ, đồng thời cho biết ông đã phải vật lộn để thích nghi với các chính sách thay đổi nhanh chóng trong hai thập kỷ qua, từ các yêu cầu khắt khe hơn về bảo vệ môi trường đến mục tiêu "thịnh vượng chung", tập trung giảm chênh lệch giàu nghèo mà chính phủ Trung Quốc đề ra gần đây.
"Các chính sách có ý nghĩa tốt và tôi hoàn toàn ủng hộ. Tuy nhiên, tôi cảm thấy mất tập trung, chán nản và đôi khi sợ hãi", Jacky cho biết. "Thật khó để tập trung vào công việc kinh doanh, khi môi trường làm ăn ngày càng khắc nghiệt. Tôi không khỏi băn khoăn liệu Trung Quốc còn cần các nhà tư bản nữa hay không?"
Tháng 8/2021, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố "thịnh vượng chung" là trọng tâm chính, với mục tiêu tất cả công dân đều có cơ hội trở nên giàu có. Sau tuyên bố của ông Tập, Trung Quốc ban hành loạt quy định nhắm đến các doanh nghiệp tư nhân, nhà tài phiệt và cả người nổi tiếng.
Các án phạt nghiêm khắc được áp dụng với hành vi trốn thuế của người nổi tiếng và cáo buộc lạm dụng vị trí độc quyền được đưa ra nhắm tới các gã khổng lồ Internet tại Trung Quốc, khiến khối doanh nghiệp tư nhân trở nên hỗn loạn. Theo SCMP, hơn một nghìn tỷ USD giá trị thị trường từ cổ phiếu của các công ty Trung Quốc đã "bốc hơi".
Tháng 11/2021, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc khẳng định "thịnh vượng chung" không phải "lấy của người giàu chia cho người nghèo". Ông Tập cũng đồng tình với quan điểm này và khẳng định trong bài phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Davos hồi đầu năm rằng "thịnh vượng chung" không hướng tới chủ nghĩa quân bình.
Ngày 16/3, hai tuần sau đợt bán tháo cổ phiếu lớn tại Trung Quốc, ông Lưu Hạc cam kết các quy định trong tương lai sẽ minh bạch và có thể dự đoán được, đồng thời cho biết việc "chấn chỉnh các công ty siêu lớn sẽ hoàn thành càng sớm càng tốt".
Song lo ngại vẫn còn đó. Các doanh nhân vẫn nỗ lực tìm hiểu xem họ còn có chỗ đứng trong sự phát triển kinh tế của một Trung Quốc dưới mục tiêu "thịnh vượng chung" hay không.
Trung Quốc từ cuối thập niên 1970 điều chỉnh chính sách, giúp doanh nghiệp tư nhân phát triển vượt bậc, đưa nước này trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Vị thế chính trị của giới doanh nhân cũng được cải thiện. Trung Quốc hiện có nhiều người thuộc tầng lớp "siêu giàu" hơn bất kỳ quốc gia nào.
Khoảng cách giàu nghèo tại Trung Quốc đồng thời tăng thêm, gần như tương đương với Mỹ. Theo số liệu thống kê từ chính phủ, hệ số Gini, thước đo bất bình đẳng thu nhập, tại Trung Quốc là 0,47 năm 2020, chỉ thấp hơn con số 0,48 ở Mỹ và cao hơn nhiều so với Nhật Bản, Hàn Quốc và phần lớn châu Âu.
Hệ số Gini nằm trong khoảng từ 0 đến 1, số càng cao thì bất bình đẳng thu nhập càng lớn. Mức 0,4 thường được coi là ngưỡng bất bình đẳng.
Trong bối cảnh đó, ông Tập năm 2021 tuyên bố sẽ thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, vấn nạn có thể kìm hãm sự tiến bộ của đất nước và làm xói mòn niềm tin của công chúng đối với sự lãnh đạo của đảng Cộng sản Trung Quốc. Ông kêu gọi người giàu "trả lại nhiều hơn cho xã hội", đồng thời khẳng định sẽ đưa nông dân và các gia đình lao động trở thành tầng lớp trung lưu.
Bằng Bằng, chủ tịch điều hành Hiệp hội Cải cách Quảng Đông, tổ chức tư vấn chính phủ Trung Quốc, cho biết các doanh nghiệp tư nhân có thể thể hiện sự ủng hộ với "thịnh vượng chung" bằng cách quyên góp, đảm bảo nộp thuế, tuyển dụng người lớn tuổi hoặc người tàn tật, và đưa sáng kiến hồi sinh nông thôn, góp phần xóa đói giảm nghèo.
"Đồng thời, các nhà hoạch định chính sách cần tận dụng mọi cơ hội để làm rõ 'thịnh vượng chung' không bóp nghẹt người giàu, nhằm ổn định lòng tin của doanh nghiệp tư nhân", chuyên gia Bằng nhận định. "Nếu các doanh nhân chọn 'nằm yên thở khẽ', đó sẽ là thảm họa cho đất nước".
Đức Trung (Theo SCMP)