Phát biểu tại cuộc họp của Ủy ban Tài chính và Kinh tế Trung ương tuần trước, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói rằng chính phủ nên "điều tiết thu nhập cao quá mức và khuyến khích các nhóm, doanh nghiệp có thu nhập cao hoàn lại cho xã hội nhiều hơn".
Ủy ban cho biết họ sẽ theo đuổi "chương trình nghị sự thịnh vượng chung", vốn đã trở thành trọng tâm chính trong hoạch định chính sách của Trung Quốc sau những báo cáo về bất bình trong ủy ban trung ương đảng về sự gia tăng lớp doanh nhân giàu có mới.
Ủy ban cũng tuyên bố sẽ "điều chỉnh hợp lý thu nhập cao", khuyến khích hoạt động từ thiện và theo đuổi các chiến lược khác để đưa phân phối thu nhập của đất nước vào cấu trúc hình ô liu lý tưởng hơn, nhỏ ở hai đầu và phình to ở giữa, đảm bảo mức độ đồng đều hơn trong thu nhập.
Các nhà hoạch định chính sách cam kết sử dụng các chính sách "thuế, an sinh xã hội và trợ cấp thu nhập", giải quyết thu nhập bất hợp pháp và "bất hợp lý". Họ cũng gợi ý rằng mục tiêu của ông Tập có thể mở rộng cả sang những người giàu, bên cạnh nhóm siêu giàu.
Mục tiêu chính sách được đưa ra trong bối cảnh Bắc Kinh đang thúc đẩy mạnh mẽ việc kiểm soát các công ty tư nhân lớn nhất đất nước trong mọi ngành, từ công nghệ đến giáo dục.
Ông Tập nhiều lần sử dụng cụm từ "thịnh vượng chung" trong năm nay, bằng chứng cho thấy Trung Quốc cam kết thu hẹp khoảng cách chênh lệch giàu nghèo trong nước. Cụm từ này xuất hiện không nhiều trong 8 năm đầu ông Tập nắm quyền.
Chủ tịch Trung Quốc năm ngoái bắt đầu đề cập "thịnh vượng chung" thường xuyên hơn. Cụm từ này xuất hiện 65 lần trong các bài phát biểu và cuộc họp của ông từ đầu năm đến nay, so với 30 lần trong cả năm 2020.
Ý tưởng "thịnh vượng chung" ban đầu được Mao Trạch Đông đưa vào các văn kiện của đảng để phản ánh việc theo đuổi một xã hội bình đẳng hơn. Cụm từ này không còn được sử dụng thường xuyên dưới thời Đặng Tiểu Bình, người chuyển trọng tâm sang phát triển nền kinh tế cho phép "một số người làm giàu trước". Ông phát biểu khi đó rằng "thịnh vượng chung" sẽ đến muộn hơn.
20% người giàu nhất Trung Quốc thu nhập nhiều hơn 10 lần so với 20% người nghèo nhất, một khoảng cách không thay đổi từ năm 2015. Đất nước này có 400 triệu người, khoảng 1/3 dân số, thuộc tầng lớp trung lưu, được định nghĩa là những người có thu nhập hộ gia đình hàng năm từ 100.000-500.000 nhân dân tệ (15.000-77.000 USD). Hơn 600 triệu người ở Trung Quốc vẫn sống với thu nhập hàng tháng 1.000 nhân dân tệ (150 USD).
Trong loạt bài bình luận trên trang nhất được xuất bản gần đây, tờ Economic Daily của Ủy ban Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc cho rằng Trung Quốc cần phải "ngăn chặn cái bẫy phúc lợi cao" và "tránh quá chú trọng đến tiện nghi vật chất", đề xuất thận trọng với những người lười biếng do chủ trương thúc đẩy thịnh vượng chung.
Tờ báo cho biết chính phủ cần thực hiện các chính sách khuyến khích người dân làm giàu thông qua làm việc chăm chỉ và đổi mới. Đảng thừa nhận "khó khăn và phức tạp" của nhiệm vụ này và đã yêu cầu các chính quyền địa phương "từng bước thúc đẩy".
Huyền Lê (Theo Bloomberg, Guardian)