Lầu Năm Góc hôm 30/11 thông báo lục quân Mỹ đã trao hợp đồng trị giá 1,2 tỷ USD cho tập đoàn quốc phòng Raytheon để cung cấp 6 hệ thống tên lửa phòng không tầm trung NASAMS, kèm theo huấn luyện và hỗ trợ hậu cần, cho quân đội Ukraine.
"NASAMS là hệ thống mới nhất trong hàng loạt tổ hợp phòng không được chúng tôi chuyển cho Ukraine", Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách mua sắm và duy trì trang bị Bill LaPlante nói.
6 hệ thống NASAMS nằm trong gói viện trợ thứ năm, có tổng trị giá 2,98 tỷ USD thuộc Sáng kiến Hỗ trợ An ninh cho Ukraine (USAI). Quỹ USAI do quốc hội Mỹ trích lập, cho phép chính quyền Tổng thống Joe Biden mua vũ khí từ các nhà sản xuất công nghiệp thay vì lấy từ kho của Mỹ để chuyển tới Ukraine.
Chưa rõ thời gian những hệ thống này sẽ được xuất xưởng và chuyển giao cho Ukraine.
Mỹ cam kết chuyển giao tổng cộng 8 hệ thống NASAMS cho Ukraine, hai tổ hợp đầu tiên đã được bàn giao hồi đầu tháng 11. Washington tuyên bố các khẩu đội NASAMS đạt hiệu suất đánh chặn mục tiêu 100% khi đánh chặn tên lửa của Moskva.
NASAMS sử dụng tên lửa không đối không AIM-120 AMRAAM, có tầm bắn khoảng 25-30 km và độ chính xác cao. Tổ hợp này cũng có thể khai hỏa mọi mẫu tên lửa được dùng trên tiêm kích NATO. Đây là hệ thống phòng không cố định duy nhất được triển khai trên lãnh thổ Mỹ, nhằm bảo vệ không phận thủ đô Washington.
Sự xuất hiện của NASAMS có thể giúp Ukraine đối phó tốt hơn với đòn không kích tên lửa và máy bay không người lái (UAV), nhất là khi các tiêm kích nước này gặp nhiều khó khăn trong nỗ lực đánh chặn đòn tập kích của Nga.
Tuy nhiên, một số chuyên gia Nga cho rằng số lượng nhỏ hệ thống phòng không tầm trung phương Tây không đủ để giúp Ukraine tạo ô phòng thủ lớn, có tác động xoay chuyển cục diện chiến trường. Tên lửa AMRAAM có giá hơn một triệu USD/quả, không phù hợp để đánh chặn mục tiêu giá rẻ như UAV, khiến hệ thống NASAMS có thể gặp khó trước đòn tấn công ồ ạt bằng tên lửa hành trình và UAV.
Mỹ đang là bên hỗ trợ quân sự nhiều nhất cho Ukraine với nhiều khí tài hạng nặng hiện đại, trong đó có hệ thống pháo phản lực HIMARS, lựu pháo M777 và tên lửa phòng không NASAMS. Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết tổng hỗ trợ của nước này cho Ukraine từ tháng 1/2021 là khoảng 19,7 tỷ USD.
Vũ Anh (Theo Reuters)