Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 13/12 tuyên bố Washington và Bắc Kinh đạt thỏa thuận thương mại giai đoạn một, giúp hoãn lệnh tăng thuế với 160 tỷ USD hàng Trung Quốc. Ông chủ Nhà Trắng cũng lần đầu tiên đồng ý giảm thuế, khi mức thuế 15% với 120 tỷ USD hàng Trung Quốc giảm xuống 7,5%, động thái dường như trái ngược với biệt danh "người đánh thuế" mà ông tự nhận năm ngoái.
Nhà Trắng ca ngợi thỏa thuận là một chiến thắng và cho biết Bắc Kinh đã đồng ý mua số lượng lớn nông sản Mỹ, giúp các nông dân bị ảnh hưởng bởi chiến tranh thương mại có thể nhẹ nhõm phần nào. Thuế bổ sung của Trung Quốc với một số mặt hàng Mỹ dự kiến có hiệu lực từ ngày 15/12 cũng được hoãn lại.
Trong khi đó, đối với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và những quan chức có lập trường cứng rắn của ông, thỏa thuận thương mại giai đoạn một có thể được coi là minh chứng cho quan điểm không khoan nhượng mà họ luôn giữ vững. Sau khi đàm phán thương mại Mỹ - Trung sụp đổ hồi tháng 5, Bắc Kinh kiên quyết yêu cầu Washington rút lại đòn thuế, kể cả khi đó chỉ là thỏa thuận một phần. Giới chức Mỹ phản đối, đồng ý thảo luận, rồi cuối cùng "mủi lòng".
Theo bình luận viên Keith Bradsher của NY Times, sau một năm rưỡi "tham chiến thương mại", Trung Quốc về cơ bản đã đạt được thắng lợi quan trọng về mặt chiến lược, đó là giữ vững sự cứng rắn và để chính quyền Trump tự đàm phán với chính họ.
Bradsher nhận định thỏa thuận giai đoạn một cho thấy Trung Quốc dường như sẽ không nhượng bộ thêm bất cứ điều gì trong năm tới, thậm chí là về lâu dài. Nó cũng củng cố thêm quan điểm mà nhiều quan chức Trung Quốc vẫn tin tưởng, đó là Trump sẽ rút chân khỏi "vũng lầy thương chiến" nếu thị trường lao dốc hoặc những nông dân Mỹ ủng hộ ông bị tổn thất quá nhiều.
Trước khi thỏa thuận được công bố hôm 13/12, Trump cũng đã 4 lần trì hoãn hoặc hủy các đòn thuế trong năm nay. Dấu hiệu lung lay trong chính sách như vậy có thể khuyến khích Bắc Kinh áp dụng chiến thuật "câu giờ" triệt để hơn nhằm đạt thỏa thuận tốt nhất có thể trong tương lai, Bradsher nêu ý kiến.
Bình luận viên này đánh giá tác động của thỏa thuận giai đoạn một không dừng lại ở đó, mà về cơ bản còn chặn những cuộc thảo luận về biện pháp ngăn cản chính sách hỗ trợ các công ty nội địa của chính phủ Trung Quốc, điều mà những quan chức có quan điểm "diều hâu" trong chính quyền Trump coi là mối đe dọa trực tiếp với doanh nghiệp Mỹ.
Các nhà kinh tế phương Tây cho rằng những doanh nghiệp nhà nước cồng kềnh đang kìm hãm nền kinh tế Trung Quốc, đồng thời thu hút sự chú ý và nguồn tiền vốn nên thuộc về các doanh nghiệp tư nhân. Việc Bắc Kinh kiểm soát chặt chẽ nền kinh tế cũng khiến các công ty Mỹ khó làm ăn tại thị trường rộng lớn này.
Dưới thời ông Tập, chính phủ Trung Quốc đã đầu tư khoản chi phí khổng lồ để phục vụ mục tiêu đưa nước này lên vị thế tiên phong trong các ngành công nghiệp tương lai, như chất bán dẫn hay xe điện. Một doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc đã dựng 110 nhà chứa máy bay quy mô lớn cùng nhiều cơ sở khác ở ngoại ô Thượng Hải để chế tạo máy bay thương mại cạnh tranh với hãng Boeing.
Nhiều quan chức "diều hâu" trong chính quyền Trump và các nhóm doanh nghiệp Mỹ cảnh báo những công ty được chính phủ Trung Quốc hỗ trợ có khả năng "đè bẹp" các đối thủ quốc tế. Họ lấy ví dụ về ngành sản xuất pin mặt trời bùng nổ ở Trung Quốc một phần nhờ nguồn tài chính gần như vô tận từ các ngân hàng quốc doanh. Việc các nhà máy ở Mỹ và châu Âu đóng cửa giúp Trung Quốc thống trị ngành công nghiệp này.
Trong năm nay, Trump đã tước đi các con chip, phần mềm và nhiều mặt hàng thiết yếu khác phục vụ giấc mộng chinh phục công nghệ cao của Trung Quốc, cáo buộc các công ty của nước này liên quan đến hoạt động gián điệp hoặc vi phạm nhân quyền. Động thái này khiến nhiều người thức tỉnh rằng Trung Quốc đang phụ thuộc quá nhiều vào Mỹ để hiện thực hóa khát vọng của mình.
Chính quyền Trump có hai hướng để đối phó với chính sách phát triển công nghiệp của Trung Quốc. Đầu tiên là buộc Bắc Kinh siết chặt giới hạn về số tiền trợ cấp, thứ hai là áp mức thuế cao với một loạt hàng hóa, gián tiếp hạn chế khả năng hỗ trợ cho các doanh nghiệp nội địa của chính phủ Trung Quốc, đồng thời giúp tăng khả năng cạnh tranh trong nước của các công ty Mỹ.
Tuy nhiên, với thỏa thuận giai đoạn một, Washington giờ đây đã rút khỏi phương án đầu tiên. Thêm vào đó, việc giảm thuế với hàng Trung Quốc là dấu hiệu cho thấy chính quyền Trump có thể tiếp tục thỏa hiệp, dù các mặt hàng được giảm thuế là sản phẩm công nghệ thấp, Bradsher nhận định.
Lập trường cứng rắn cũng tiềm ẩn một số rủi ro với ông Tập. Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã chậm lại do chiến tranh thương mại và có nguy cơ sụt giảm dữ dội hơn nếu xung đột kéo dài. Những đòn thuế của Mỹ gây áp lực lên các công ty lớn, buộc họ phải tìm kiếm thị trường mới.
"Ông Tập thực sự cần thỏa thuận thương mại, cả vì lý do kinh tế, nhằm thúc đẩy đà tăng trưởng của đất nước, vừa để củng cố vị thế của chính mình", Willy Lam, chuyên gia về chính trị Trung Quốc tại Đại học Trung văn Hong Kong, cho hay.
Nhưng hiện nay, với thỏa thuận nằm trong tay, ông Tập có thể trấn an người dân Trung Quốc rằng giai đoạn tồi tệ nhất của chiến tranh thương mại đã qua, dù còn một số chi tiết pháp lý của thỏa thuận cần giải quyết. Các điều khoản cũng được cho là sẽ làm hài lòng giới chức bảo thủ, những người kiên quyết không để Bắc Kinh thỏa hiệp và một mực ủng hộ giữ vững chính sách kinh tế.
Trong các cuộc đàm phán trước đây, Mỹ đã gay gắt hơn với tình trạng chính phủ Trung Quốc hỗ trợ doanh nghiệp nội địa. Hồi tháng 4, nhóm đàm phán có định hướng thị trường của ông Tập chấp nhận thỏa hiệp, khi đồng ý rút một số luật của Trung Quốc mà Nhà Trắng cho rằng thiên vị các công ty trong nước.
Tuy nhiên, ông Tập đã đứng về phía phe bảo thủ, những người đề nghị "xé bỏ" thỏa thuận này và đàm phán lại, bởi chúng vừa không giúp đảo ngược các đòn thuế đã được áp đặt của Mỹ, vừa làm thay đổi những điều luật mà Bắc Kinh cho rằng vi phạm chủ quyền quốc gia.
Hồi tháng 10, các nhà đàm phán hai bên một lần nữa đạt thỏa thuận sơ bộ, nhưng vẫn không bao gồm việc rút lại thuế quan, khiến phe bảo thủ ở Bắc Kinh tiếp tục yêu cầu sửa đổi.
Một số nguồn tin am hiểu vấn đề cho biết khi các cuộc đàm phán thương mại diễn ra trong tuần qua, tâm trạng của giới chức Trung Quốc dần chuyển từ vô cùng lo lắng sang thận trọng, và cuối cùng "vỡ òa". Họ thậm chí không thể tin được mục tiêu của phe bảo thủ đã thành hiện thực.
Ngay cả việc mua số lượng lớn nông sản Mỹ, điều khoản được coi là sự nhượng bộ lớn nhất với Washington, cũng có thể trở thành "món lời" của Bắc Kinh. Những đơn hàng đó khả năng cao sẽ do các công ty nhà nước thực hiện, giúp duy trì vai trò của họ trong nền thương mại hàng hóa Trung Quốc.
Tất nhiên, phe bảo thủ ở Trung Quốc không phải người chiến thắng duy nhất sau thỏa thuận giai đoạn một. Các công ty và nông dân Mỹ cũng "thở phào" khi việc bán hàng của họ trong những tháng tới sẽ thuận lợi hơn. Bản thân Trump có lẽ cũng chỉ phải đối mặt với vài lời chỉ trích hạn chế.
Tuy nhiên, bình luận viên Bradsher cho rằng thỏa thuận giai đoạn một đã "khoét sâu" nỗi nhức nhối với tình trạng Trung Quốc hỗ trợ các doanh nghiệp nội địa, có khả năng làm phức tạp thêm quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới trong những năm tới.
"Về lâu dài, Mỹ sẽ phải giải quyết những tác động không chỉ về mặt chính trị, mà còn là tình hình mất cân bằng trong ngành công nghiệp do các chính sách của Trung Quốc gây ra", Malcolm McNeil, luật sư thương mại quốc tế tại công ty Arent Fox, nhận định.
"Những người theo chủ nghĩa dân tộc kêu gọi ông Tập kiên định và không nhượng bộ nhiều đã chiến thắng", George Magnus, chuyên gia tại Trung tâm Trung Quốc thuộc Đại học Oxford, Anh, nêu ý kiến. "Tôi cho rằng đây không phải chiến thắng dành cho những người ủng hộ thị trường tự do".
Ánh Ngọc (Theo NY Times)