Sau gần hai năm đối đầu trong chiến tranh thương mại, Mỹ - Trung ngày 13/12 thông báo họ đạt được thỏa thuận giai đoạn một và dự kiến ký văn bản vào đầu tháng 1, sau khi xem xét pháp lý và chắc chắn phiên bản tiếng Anh và tiếng Trung có ngôn ngữ tương đương.
Bắc Kinh đã đồng ý tăng nhập khẩu ít nhất 200 tỷ USD hàng hóa và dịch vụ Mỹ trong hai năm tới. Đây sẽ là bước nhảy vọt trong xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc. Đổi lại, Mỹ sẽ không áp thuế 15%, vốn được lên kế hoạch có hiệu lực vào ngày 15/12 đối với 160 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc và giảm một nửa mức thuế áp từ ngày 1/9 với 120 tỷ USD hàng Trung Quốc xuống còn 7,5%. Tuy nhiên, thuế 25% của Mỹ đối với 250 tỷ USD hàng Trung Quốc vẫn giữ nguyên.
Trung Quốc cam kết tăng mua nông sản Mỹ thêm 32 tỷ USD trong hai năm. Như vậy họ sẽ mua khoảng 40 tỷ USD một năm, so với mức 24 tỷ USD vào năm 2017.
Trump đã yêu cầu Trung Quốc mua 50 tỷ USD nông sản Mỹ hàng năm. Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer cho biết Trung Quốc đồng ý nỗ lực tối đa để tăng thêm 5 tỷ USD hàng năm, nhằm tiến gần mục tiêu 50 tỷ USD. Trung Quốc cũng cam kết giảm các hàng rào phi thuế quan đối với nông sản như gia cầm, hải sản và phụ gia thức ăn cũng như phê duyệt các sản phẩm công nghệ sinh học.
"Đó là bước đầu tiên cực kỳ quan trọng trong mối quan hệ của chúng tôi", Lighthizer nói. "Trung Quốc đang thực sự cam kết làm những bước thực chất trong một khoảng thời gian hợp lý".
Thứ trưởng Nông nghiệp Trung Quốc cho biết họ sẽ nhập khẩu thêm lúa mì, ngô và gạo của Mỹ mà không giải thích cụ thể. Trung Quốc vốn không phải là khách hàng lớn của Mỹ trong những mặt hàng này nhưng vào những năm gần đây, họ xếp thứ ba hoặc bốn trong số những bên mua nhiều nhất loại lúa mì được gieo vào mùa xuân của Mỹ. Trung Quốc từng nằm trong top 5 khách hàng mua ngô của Mỹ năm 2011 - 2014 nhưng sau đó đã giảm giao dịch.
Đậu nành chiếm một nửa lượng nông sản Trung Quốc đã mua năm 2017. Tuy nhiên, nhu cầu đã giảm do dịch tả lợn châu Phi.
Khi được hỏi về con số 50 tỷ USD mà Trump đề ra, các quan chức ở Bắc Kinh nói hôm 13/12 rằng các chi tiết sẽ được tiết lộ sau.
Một số nông dân Mỹ cho biết họ đang chờ đợi thêm. "Liệu Trung Quốc có thực hiện cam kết không?", Burton Eller, nông dân chăn nuôi bò đứng đầu nhóm vận động nông nghiệp National Grange, nói.
"Liệu họ có cam kết giấy trắng mực đen rõ ràng họ sẽ mua từng này hàng trong khoảng thời gian này hoặc loại hàng mà họ cần hay không?", ông nói thêm.
Ngoài giao kèo về nông sản, thỏa thuận còn yêu cầu Trung Quốc bảo vệ pháp lý mạnh mẽ hơn đối với bằng sáng chế, nhãn hiệu, bản quyền, bao gồm việc cải thiện thủ tục hình sự và dân sự để chống vi phạm bản quyền trực tuyến, hàng lậu và hàng giả.
Trung Quốc cam kết từ bỏ hình thức ép công ty nước ngoài chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp Trung Quốc để được cho phép tiếp cận thị trường. Họ cũng đồng ý hạn chế hỗ trợ doanh nghiệp nội mua công nghệ nước ngoài.
Về lĩnh vực tiền tệ, Trung Quốc cam kết không hạ giá đồng tiền để cạnh tranh và không dùng tỷ giá hối đoái để phục vụ cho lợi thế thương mại. Trung Quốc vốn đã cam kết điều này với nhóm 20 nền kinh tế lớn (G20) trong nhiều năm.
Một quan chức cao cấp của chính quyền Trump cho biết thỏa thuận tiền tệ nói trên dựa theo các điều khoản Hiệp định Mỹ - Mexico - Canada, yêu cầu ba nước tiết lộ dữ liệu hàng tháng về dự trữ quốc tế, can thiệp vào thị trường ngoại hối, cán cân thanh toán (ghi chép giao dịch kinh tế của một quốc gia với phần còn lại của thế giới) hàng quý và những báo cáo công khai khác cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Với thỏa thuận mới, các công ty Mỹ sẽ được cải thiện khả năng tiếp cận thị trường dịch vụ tài chính Trung Quốc, bao gồm ngành ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán và tín dụng. Mỹ vốn thường phàn nàn về các rào cản đầu tư trong lĩnh vực này, bao gồm các hạn chế về vốn chủ sở hữu nước ngoài và các yêu cầu pháp lý mang tính phân biệt đối xử.
Trong nhiều năm qua Trung Quốc đã cam kết tăng cường mở cửa ngành dịch vụ tài chính với doanh nghiệp nước ngoài. Họ cho biết thỏa thuận sẽ thúc đẩy các công ty dịch vụ tài chính Mỹ tiến vào thị trường Trung Quốc.
Nhưng báo Trung Quốc Global Times nói rằng không phải tất cả tổ chức nước ngoài đều có thể khai thác thị trường tài chính Trung Quốc. "Đương nhiên, các thực thể từ những quốc gia thân thiện với Trung Quốc sẽ được người dân Trung Quốc ưa chuộng", một bài bình luận của tờ này có đoạn viết.
Trong trường hợp có bất đồng về cách thỏa thuận được thực hiện, hai bên cần giải quyết qua tham vấn song phương, bắt đầu từ cấp làm việc cho đến cấp quan chức cấp cao nhất. Nếu những cuộc tham vấn này không giải quyết được bất đồng thì quy trình áp đặt thuế hoặc các hình phạt khác sẽ được kích hoạt.
Lighthizer nói với các phóng viên rằng sẽ không bên nào trả đũa nếu bên kia hành động phù hợp theo quy trình và làm theo "tham vấn với thiện chí".
Business Roundtable, nhóm lãnh đạo các công ty lớn nhất của Mỹ, cho rằng "bước xuống thang trong căng thẳng thương mại này là một động thái tích cực để giải quyết các vấn đề thương mại và đầu tư quan trọng giữa hai quốc gia".
Trong khi đó, Thượng nghị sĩ Chris Murphy từ đảng Dân chủ cho rằng thỏa thuận này vẫn hời hợt. Chính quyền Trump đã vạch ra kế hoạch đầy tham vọng nhằm tái cấu trúc mối quan hệ Mỹ - Trung khi bắt đầu thương chiến. Lưỡng đảng đều ủng hộ nỗ lực của Trump là buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về các hoạt động gián điệp kinh tế, tấn công mạng, chuyển giao công nghệ, bán phá giá hàng hóa nhờ trợ cấp của chính phủ.
Murphy cho rằng thỏa thuận đã nhắc đến rất ít những cải cách này. Trung Quốc "không đưa ra cam kết mạnh mẽ nào đối với cải cách cơ cấu", ông nói.
Lighthizer cho biết hai bên có thể bắt đầu đàm phán về các vấn đề khó hơn trước cuộc bầu cử tháng 11/2020.
"Việc này rất 'khó nhằn", ông nói. "Chúng tôi có hệ thống khác nhau. Chúng tôi phải tìm ra cách dung hòa các hệ thống đó và chuyển biến nó theo cách có lợi cho Mỹ hơn", Lighthizer nói thêm.
Phương Vũ (Theo Reuters)