Bộ Chỉ huy Tân Cương của quân đội Trung Quốc ngày 27/7 cho biết một đơn vị pháo binh dưới quyền tổ chức diễn tập bắn đạn thật tại địa điểm cao hơn 5.000 m, song không tiết lộ vị trí cụ thể. Ảnh chụp cho thấy lựu pháo tự hành bánh xích được sử dụng trong diễn tập có thể là mẫu PLZ-07 với cỡ nòng 122 mm.
Tổ hợp PLZ-07 sử dụng khung thân bánh xích giúp tăng khả năng sống sót và cơ động trên các địa hình đặc biệt, ví dụ như cao nguyên với độ cao lớn với băng tuyết. Giới chuyên gia quân sự Trung Quốc nhận định các đặc tính trên giúp PLZ-07 trở thành lựu pháo 122 mm mạnh nhất trong biên chế quân đội nước này.
Kênh CCTV của Trung Quốc hôm 23/7 đưa tin Bộ Chỉ huy Tây Tạng lần đầu sử dụng pháo phản lực mới trong một cuộc diễn tập bắn đạn thật. Mẫu pháo phản lực mới có cỡ nòng 122 mm, sử dụng khung thân bánh lốp tương tự PHL-11. Tuy nhiên, mẫu pháo mới sử dụng thân xe 4 bánh với 20 ống phóng, trong khi PHL-11 sử dụng thân xe 6 bánh và mang theo 40 ống phóng.
Hiệu suất của nhiều loại vũ khí và thiết bị quân sự có thể bị giảm khi hoạt động ở vùng cao nguyên với độ cao lớn do nồng độ oxy thấp hơn đồng bằng. Tuy nhiên, các loại pháo lại hoạt động tốt trên môi trường này do sức cản không khí thấp hơn, một chuyên gia quân sự Trung Quốc nhận định.
Quân đội Trung Quốc đã trang bị cho các đơn vị đóng trên cao nguyên ở Tây Tạng và Tân Cương nhiều tổ hợp lựu pháo cùng pháo phản lực tự hành, với các cỡ nòng khác nhau và đặt trên thân xe bánh xích hoặc bánh lốp. Trong số này bao gồm lựu pháo tự hành PCL-181 155 mm và pháo phản lực tầm xa PHL-03.
Giới chuyên gia nhận định quân đội Trung Quốc có thể sử dụng vũ khí tối ưu cho từng tình huống chiến đấu, cân nhắc khi nào cần ưu tiên hỏa lực, tính cơ động hoặc khả năng bảo vệ kíp lái của khung thân.
Nguyễn Tiến (Theo GlobalTimes)