Tờ Expressen của Thụy Điển ngày 25/4 đưa tin Phần Lan và Thụy Điển có thể nộp đơn xin gia nhập NATO sớm nhất vào tháng 5. Động thái này sẽ khiến hai nước Bắc Âu từ bỏ chính sách trung lập lâu đời và có thể góp phần định hình lại an ninh trên toàn châu Âu.
Các nhà phân tích cho rằng xung đột Nga - Ukraine là nguyên nhân chính khiến Thụy Điển và Phần Lan từ bỏ chính sách an ninh, đối ngoại truyền thống của mình và đi đến quyết định trở thành thành viên NATO.
"Xung đột tại Ukraine đã thay đổi đáng kể diễn biến chính trị ở Thụy Điển và Phần Lan cũng như dư luận hai nước", Alistair Shepherd, chuyên gia về an ninh châu Âu tại Đại học Aberystwyth, nhận định. "Chiến dịch của Nga là yếu tố chủ chốt đẩy hai quốc gia này gần hơn tới phương án trở thành thành viên NATO".
Trong cuộc họp báo chung tại Stockholm hôm 13/4, Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson và người đồng cấp Phần Lan Sanna Marin cho hay chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine "đã làm thay đổi toàn bộ bối cảnh an ninh châu Âu" cũng như thay đổi đáng kể tư duy về an ninh ở khu vực Bắc Âu.
Thụy Điển và Phần Lan từng được coi là những hình mẫu về chính sách trung lập để vượt qua sóng gió trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, giúp hai nước củng cố và phát triển kinh tế cũng như nền dân chủ.
Sau khi Liên Xô tan rã, Phần Lan đã công khai đứng về phía phương Tây, nhưng vẫn duy trì chính sách không tham gia các liên minh quân sự. Người dân Phần Lan những năm qua không mặn mà với phương án gia nhập NATO, khi chưa đầy 30% số người ủng hộ lựa chọn này, tương tự ở Thụy Điển.
Tuy nhiên, mọi thứ thay đổi sau khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra. Cuộc thăm dò gần đây cho thấy 68% người Phần Lan ủng hộ gia nhập NATO và tỷ lệ này tăng lên 77% nếu đó là đề xuất của Tổng thống và chính phủ.
Tại Thụy Điển, khoảng 50% người dân ủng hộ gia nhập NATO. Trong kịch bản nước láng giềng Phần Lan trở thành thành viên NATO, tỷ lệ ủng hộ phương án này ở Thụy Điển tăng lên 62%, theo Anna Wieslander, giám đốc Hội đồng Đại Tây Dương ở Bắc Âu.
Ngày càng nhiều cử tri ở hai nước này tin rằng tư cách thành viên NATO sẽ giúp họ có được sự bảo vệ cần thiết và cấp bách. "Họ nhận thấy Nga từng đe dọa ba nước vùng Baltic nhưng không tấn công, vì ba quốc gia đó đều là thành viên NATO, còn Ukraine thì không", Ian Bremmer, chủ tịch tổ chức tư vấn Eurasia Group Time, viết trong bài bình luận trên Time hôm 23/4.
"Nga không còn là một láng giềng như chúng tôi từng nghĩ", Thủ tướng Phần Lan, quốc gia có hơn 1.300 km đường biên giới với Nga, cho hay. Trong khi đó, đảng Dân chủ Xã hội cầm quyền của Thụy Điển cho rằng vị thế an ninh của nước này "thay đổi về căn bản" sau khi Nga tấn công Ukraine.
Từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Thụy Điển và Phần Lan đã nỗ lực thúc đẩy mối quan hệ ngày càng chặt chẽ với NATO, đặc biệt sau khi hai nước tham gia thỏa thuận Quan hệ Đối tác vì Hòa bình (PFP) năm 1994 và Liên minh châu Âu (EU) năm 1995. PFP là thỏa thuận hợp tác mà NATO kết nối riêng với các nước Đông Âu, được cho là bước đầu tiên để các quốc gia này gia nhập liên minh.
Thụy Điển và Phần Lan cũng thường xuyên cử lực lượng tham gia các cuộc tập trận chung với NATO. Hai nước cũng hợp tác chặt chẽ với Mỹ trong huấn luyện quân sự từ năm 2015.
Nhưng dù là đối tác thân thiết của NATO, Helsinki và Stockholm đều không được bảo vệ theo Điều 5 về quy tắc phòng thủ chung theo hiệp ước của liên minh. Giới quan sát cho rằng gia nhập NATO sẽ giúp cả hai nước tăng đảm bảo an ninh và sức răn đe trước các mối đe dọa.
Những thành viên lớn của NATO như Mỹ, Anh, Đức, Pháp và Ba Lan đều bày tỏ hoan nghênh hai quốc gia Bắc Âu gia nhập. Sự chào đón này rất quan trọng, do toàn bộ 30 thành viên của khối đều phải nhất trí tán thành khi kết nạp thành viên mới.
Ivo Daalder, cựu đại sứ Mỹ tại NATO giai đoạn 2009-2013, nhận định an ninh trên toàn châu Âu sẽ được tăng cường nếu Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO. Tuy nhiên, điều này có thể sẽ vấp phải phản ứng quyết liệt của Nga, khiến căng thẳng leo thang tại các điểm nóng như vùng Baltic và Kaliningrad.
Về bản chất, tư cách thành viên NATO của hai nước Bắc Âu sẽ tăng cường hơn nữa hiện diện quân sự của NATO trong khu vực Baltic. Theo đó, cả Thụy Điển và Phần Lan đều có thể triển khai lực lượng quân đội được đánh giá là hiện đại và chuyên nghiệp của họ tới khu vực này.
Tuy nhiên, Nga chắc chắn sẽ không hài lòng với bước đi của Phần Lan và Thụy Điển. Điện Kremlin hôm 11/4 cảnh báo nếu hai nước này từ bỏ chính sách trung lập trong nhiều thập kỷ và gia nhập NATO, Nga sẽ buộc phải khôi phục cán cân quân sự bằng cách tăng cường phòng thủ tại vùng Baltic, trong đó có triển khai tàu chiến mang vũ khí hạt nhân và tên lửa tại Biển Baltic và Biển Bắc.
Điều này đồng nghĩa nguy cơ xung đột sẽ gia tăng tại châu Âu. Phần Lan và Thụy Điển khi đó sẽ trở thành tiền đồn của NATO và có thể là những nước hứng chịu hậu quả đầu tiên.
"Chúng tôi từng nhiều lần khẳng định NATO là công cụ hướng tới đối đầu và việc mở rộng liên minh này sẽ không mang đến ổn định cho châu Âu", phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết hôm 11/4.
Katharine Wright, chuyên gia chính trị quốc tế tại Đại học Newcastle, cho rằng Nga đang tìm cách gây ảnh hưởng đến quyết định xin gia nhập NATO của Thụy Điển và Phần Lan, nhưng chiến dịch quân sự của họ ở Ukraine lại đang thúc đẩy quá trình này.
Tuy nhiên, bà cho rằng trong trường hợp NATO đồng ý kết nạp Phần Lan và Thụy Điển, Nga nhiều khả năng sẽ không có những động thái quân sự quyết liệt như với Ukraine. Tổng thống Putin luôn coi Ukraine là một phần lịch sử của Nga, khác với Phần Lan và Thụy Điển.
"Nga nhiều khả năng sẽ không đưa quân can thiệp vào Phần Lan và Thụy Điển ngay cả khi hai nước chưa chính thức được kết nạp vào NATO và được bảo vệ bởi Điều 5", chuyên gia Wright nói. "Hành động đó sẽ làm gia tăng đáng kể nguy cơ nổ ra chiến tranh quy mô lớn".
Đức Trung (Theo Guardian/Financial Times/Al Jazeera)