Tờ Expressen của Thụy Điển ngày 25/4 dẫn hai nguồn tin chính phủ cho biết hai nước Bắc Âu có thể nộp đơn xin gia nhập NATO vào trung tuần tháng 5, trùng với thời gian diễn ra chuyến thăm Thụy Điển của Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto.
Trong khi đó, tờ Iltalehti của Phần Lan đưa tin nước này "đã đưa ra đề nghị cả hai quốc gia cùng bày tỏ sẵn sàng tham gia" liên minh quân sự NATO cùng ngày.
Phần Lan, Thụy Điển, NATO và Nga chưa bình luận về thông tin trên.
Thủ tướng Thụy Điển và Phần Lan đầu tháng này thông báo đang cân nhắc khả năng gia nhập NATO, đồng thời nhận định chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine "đã thay đổi toàn bộ bối cảnh cũng như phần lớn tư duy định hình an ninh" của châu Âu đối với khu vực Bắc Âu.
Thủ tướng Sanna Marin nói Phần Lan sẽ nhanh chóng quyết định có gia nhập NATO hay không "trong vài tuần chứ không phải vài tháng", bất chấp quyết định có thể khiến nước láng giềng phản ứng gay gắt.
Thủ tướng Magdalena Andersson nói Thụy Điển cần "chuẩn bị cho mọi động thái từ Nga". Ngoại trưởng Thụy Điển Ann Linde hồi tuần trước thông báo đánh giá chính sách an ninh diện rộng sẽ kết thúc vào ngày 13/5 thay vì 31/5 theo kế hoạch ban đầu.
Trước khi phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine, Tổng thống Vladimir Putin yêu cầu NATO ngừng mở rộng và rút quân khỏi khu vực gần biên giới Nga. Điện Kremlin hôm 11/4 cảnh báo nếu Phần Lan và Thụy Điển từ bỏ chính sách không liên minh quân sự trong nhiều thập kỷ và gia nhập NATO, Nga sẽ buộc phải khôi phục cán cân quân sự bằng cách tăng cường phòng thủ tại khu vực Baltic, trong đó có triển khai vũ khí hạt nhân tới đây.
Phần Lan có đường biên giới dài hơn 1.300 km với Nga. Họ trở thành nước trung lập thông qua hiệp ước hữu nghị với Liên Xô năm 1948, với kỳ vọng ngăn tái diễn cuộc chiến Phần Lan - Liên Xô năm 1939 từng khiến hơn 80.000 quân nhân nước này thiệt mạng.
Xuyên suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh, quốc gia Bắc Âu duy trì tôn chỉ không liên kết, bất chấp sức ảnh hưởng từ cả hai khối do Liên Xô và Mỹ dẫn đầu. Sau khi Liên Xô tan rã năm 1991, Phần Lan dần chuyển trọng tâm đối ngoại sang phương Tây, đánh dấu với quyết định gia nhập EU năm 1995.
Thụy Điển cũng chọn hướng đi tương tự sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, gia nhập EU vào năm 1995 và tăng cường hợp tác với NATO. Thụy Điển đã tránh tham gia bất kỳ liên minh quân sự nào trong hơn 200 năm qua. Trước khi chiến sự tại Ukraine bùng phát, lần gần nhất Thụy Điển gửi viện trợ vũ khí ra nước ngoài là trong cuộc chiến Phần Lan - Liên Xô năm 1939.
Với tư cách đối tác của NATO, hai nước Bắc Âu đã tham gia các cuộc diễn tập và trao đổi thông tin tình báo với liên minh.
Nguyễn Tiến (Theo Guardian)