Khi Trung Quốc nỗ lực khẳng định tầm ảnh hưởng trên vũ đài quốc tế, các nhà ngoại giao nước này trên khắp thế giới đối đầu với nhiều cuộc chiến lớn nhỏ để bảo vệ lợi ích quốc gia. Họ công khai chỉ trích, đấu khẩu gay gắt với các đối thủ trên mọi mặt trận, từ mạng xã hội, báo chí, truyền hình cho tới các bàn đàm phán, đánh dấu bước ngoặt lớn cho đội quân ngoại giao từng được cho là bảo thủ, kín tiếng.
Truyền thông quốc gia Trung Quốc gọi họ là đội quân ngoại giao "chiến lang", đặt theo tên loạt phim hành động nổi tiếng Trung Quốc, trong đó quân đội nước này thực hiện hàng loạt chiến dịch táo bạo trên toàn cầu.
Làn sóng thù địch Trung Quốc ngày càng leo thang khi Bộ Ngoại giao nước này nỗ lực viết lại câu chuyện về đại dịch Covid-19, đấu khẩu với các quốc gia phương Tây và thậm chí với một số quốc gia thân thiện.
Tại Venezuela, nơi nhận viện trợ lớn từ Bắc Kinh, đại sứ quán Trung Quốc đã chỉ trích những nhà lập pháp địa phương, người từng gọi nCoV là "virus Trung Quốc". Trong một tuyên bố trên trang web của đại sứ quán Trung Quốc hồi tháng 3, cơ quan này cho rằng những nhà lập pháp kia đang nhiễm một loại "virus chính trị".
"Hãy nhanh chóng tìm kiếm phương pháp điều trị thích hợp bởi bạn đã nhiễm loại virus này. Bước đầu tiên có thể là đeo khẩu trang và im lặng", tuyên bố của đại sứ quán có đoạn. Bộ Ngoại giao Trung Quốc không trả lời yêu cầu bình luận.
Một trong những nhà ngoại giao "chiến lang" quyết liệt nhất của Bắc Kinh là Lô Sa Dã, đại sứ Trung Quốc tại Paris, Pháp. "Mỗi khi người Mỹ đưa ra một cáo buộc, truyền thông Pháp luôn đăng tải thông tin này sau một, hai ngày. Họ vào hùa để khiến những lời nói dối và tin đồn về Trung Quốc trở nên ầm ĩ", ông Lô tháng trước nói với tờ L’Opinion. Ông Lô và đại sứ quán Trung Quốc tại Paris không trả lời yêu cầu bình luận.
Trong nhiều thập kỷ, các nhà ngoại giao Trung Quốc đã làm theo phương châm "náu mình chờ thời" của cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình, trong khi từng bước tích lũy sức mạnh. Nhưng khi Trung Quốc vươn lên trở thành một cường quốc kinh tế của thế giới, đội quân ngoại giao của nước này cũng trở nên quyết liệt, mạnh bạo và thẳng thắn hơn. Xu hướng này ngày càng được phát triển dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình, người theo đuổi "Giấc mơ Trung Hoa" nhằm nâng cao vị thế và ảnh hưởng của Trung Quốc trên toàn cầu.
Dưới thời ông Tập, Trung Quốc đã tự khoác lên mình chiếc áo của "cường quốc thế giới có trách nhiệm", khi tìm cách thể hiện vai trò lãnh đạo thế giới và tung ra các khoản vay hoặc viện trợ cho các quốc gia đang phát triển.
"Người dân Trung Quốc ngày càng kỳ vọng chính phủ có một vị thế cao và đáng tự hào trên đấu trường quốc tế", Jessica Chen Weiss, phó giáo sư tại Đại học Cornell, người nghiên cứu về vai trò của chủ nghĩa dân tộc trong quan hệ đối ngoại của Trung Quốc, cho hay. "Điều mà Trung Quốc thực sự muốn dưới thời Tập Cận Bình là một thế giới an toàn đối với sự lãnh đạo liên tục của ông".
Khi Tổng thống Mỹ Donald Trump theo đuổi chính sách "Nước Mỹ trước tiên" và không ngại rút khỏi các tổ chức toàn cầu, Trung Quốc ngày càng gia tăng sức ảnh hưởng ở nhiều cơ quan quốc tế như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hay Liên Hợp Quốc, các tổ chức mà ông Trump từng lên tiếng chê bai.
Để thực hiện những mục tiêu của mình, Chủ tịch Tập Cận Bình đã cho củng cố Bộ Ngoại giao Trung Quốc. Năm ngoái, Tề Ngọc, một chuyên gia về giáo dục tư tưởng và không có kinh nghiệm ngoại giao bất ngờ được bổ nhiệm là Bí thư đảng ủy của Bộ Ngoại giao Trung Quốc. Ông Tề thường nhấn mạnh lòng trung thành với đường hướng của ông Tập và nhắc lại những yêu cầu của lãnh đạo Trung Quốc về việc thể hiện vị thế không khoan nhượng trong các vấn đề đối ngoại.
Các nhà ngoại giao của Trung Quốc phải "đáp trả mạnh mẽ" những lời nói và hành động trên đấu trường quốc tế làm tổn hại đến Trung Quốc, ông Tề viết trong một bài luận công bố hồi tháng 12/2019.
Tại thủ đô Prague của Czech, các nhà ngoại giao Trung Quốc năm ngoái công khai đối đầu với Thị trưởng Zdenek Hrib, khi ông từ chối yêu cầu trục xuất đại diện ngoại giao của Đài Loan và kiên quyết xóa bỏ điều khoản "Một Trung Quốc" trong thỏa thuận hợp tác với Bắc Kinh.
Đáp trả, Bắc Kinh đã hủy bỏ kế hoạch lưu diễn của đoàn nhạc Prague Philharmonic Orchestra tại 14 thành phố Trung Quốc. Sau khi ông Hrib quyết định chấm dứt thỏa thuận thành phố kết nghĩa với Bắc Kinh, đại sứ quán Trung Quốc đã có bài đăng Facebook cảnh báo Prague nên "thay đổi cách tiếp cận này sớm nhất có thể, nếu không sẽ gây tổn hại tới lợi ích của thành phố này".
"Họ không coi chúng tôi là đối tác, mà xem như người dưới trướng họ", ông Hrib cho biết. Đại sứ quán Trung Quốc tại thủ đô Czech không trả lời yêu cầu bình luận về thông tin này.
Covid-19 là phép thử lớn nhất đối với chính sách ngoại giao "chiến lang" của Trung Quốc. Khi nhiều chính phủ khác vật lộn kiểm soát nCoV, Bắc Kinh đã liên tục ca ngợi phản ứng quyết liệt của họ trong cuộc chiến với đại dịch và giành được nhiều lời khen khi quyên tặng đồ bảo hộ y tế cần thiết cho nhiều quốc gia. Bắc Kinh cũng nỗ lực phản bác những lời chỉ trích về phản ứng kiểm soát lây nhiễm ban đầu.
Hồi tháng 2, đại sứ quán Trung Quốc tại Nepal cho biết đã gửi khiếu nại với tờ Kathmandu Post và "bảo lưu quyền hành động thêm" sau khi tờ báo tiếng Anh này đăng bài chỉ trích phản ứng với đại dịch của Trung Quốc có hình tờ nhân dân tệ với ảnh Mao Trạch Đông đeo khẩu trang.
Đội quân ngoại giao và truyền thông nhà nước Trung Quốc cũng từng đồng loạt chỉ trích Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo về tuyên bố nCoV có thể lọt ra từ phòng thí nghiệm Vũ Hán.
Sau khi đại sứ Trung Quốc tại Australia Thành Cạnh Nghiệp cảnh báo những hậu quả kinh tế mà Canberra phải gánh vì kêu gọi điều tra về nCoV, Bắc Kinh tháng này thông báo đình chỉ nhập khẩu hàng của bốn công ty chế biến thịt của Australia với lý do vi phạm quy định. Chính quyền Chủ tịch Tập Cận Bình cũng áp thêm thuế chống phá giá hàng hóa và chống trợ cấp với tổng mức 80,5% đối với lúa mạch Australia.
Canberra cho biết những vi phạm liên quan tới sản phẩm thịt chỉ là "những lỗi kỹ thuật rất nhỏ" và phủ nhận phá giá và trợ cấp mặt hàng lúa mạch xuất khẩu sang Trung Quốc.
Twitter giờ được các nhà ngoại giao Trung Quốc xem là chiến trường quan trọng, đặc biệt sau khi Bộ Ngoại giao bổ nhiệm Triệu Lập Kiên, một người thường xuyên dùng Twitter có hơn 600.000 người theo dõi và từng làm việc ở đại sứ quán tại Pakistan, là người phát ngôn vào tháng 8/2019. Gần đây, Triệu Lập Kiên đã "đổ thêm dầu" cho cuộc đấu khẩu gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc về nguồn gốc của nCoV, bằng cách đưa ra giả thuyết rằng lính Mỹ đã mang virus tới Vũ Hán. Washington đã mạnh mẽ bác bỏ cáo buộc.
Một năm trước, số tài khoản Twitter của quan chức ngoại giao Trung Quốc chỉ là 38, nhưng giờ con số này tăng lên 137, theo Alliance for Securing Democracy, nhóm vận động lưỡng đảng ở Washington, Mỹ. Tài khoản hoạt động tích cực đăng tải hàng trăm bài viết mỗi tháng, ngang với tài khoản ngoại giao hoạt động mạnh nhất của Nga.
"Tổng số người chết do Covid-19 ở Trung Quốc hiện là 3.344, ít hơn rất nhiều những quốc gia phương Tây 'đẳng cấp cao' của bạn", đại sứ quán Trung Quốc tại Sri Lanka nói trong bài đăng Twitter tháng trước để đáp trả một nhà hoạt động nước này từng chỉ trích Bắc Kinh là "đẳng cấp thấp".
Nhà hoạt động Chirantha Amerasinghe cho biết ông thấy ngạc nhiên khi đại sứ quán Trung Quốc đáp trả bằng cách chế giễu những quốc gia khác có số người chết cao hơn. Đại sứ quán này không trả lời yêu cầu bình luận.
Đại sứ Lô Sa Dã ở Paris đã nâng cao vị thế tại Bộ Ngoại giao Trung Quốc trong những năm qua khi ủng hộ chính sách ngoại giao cứng rắn hơn. Trong bài báo năm 2016, thời điểm ông là giám đốc nghiên cứu chính sách tại một ủy ban chính sách đối ngoại hàng đầu của Đảng Cộng sản, ông Lô từng nói những nhà ngoại giao của Bắc Kinh phải chiến đấu với phương Tây và thuyết phục nhiều nước "chấp nhận Trung Quốc như một cường quốc lớn của phương Đông, thuộc top đầu thế giới".
Khi làm đại sứ ở Canada, ông Lô đã kịch liệt chỉ trích Ottawa vì vụ bắt giữ giám đốc Huawei Mạnh Vãn Chu năm 2018 theo yêu cầu của Washington.
Tại Paris, nơi Lô Sa Dã đảm nhận công việc từ hè năm ngoái, ông và đại sứ quán Trung Quốc đã tham gia hơn 50 sự kiện truyền thông trong chưa đầy một năm, gồm các bài phỏng vấn, họp báo và bình luận, gấp gần ba lần so với người tiền nhiệm trong 5 năm công tác.
"Tôi hy vọng không có bất kỳ cuộc đối đầu nào với Pháp. Điều tốt nhất cho chúng tôi là hợp tác với nhau. Nhưng nếu có bất kỳ điều gì gây tổn hại đến lợi ích cơ bản của chúng tôi, tôi sẽ phải đấu tranh", ông Lô nói trong cuộc họp báo đầu tiên trong vai trò đại sứ ở Paris hồi tháng 8 năm ngoái.
Hồi tháng 4, đại sứ quán Trung Quốc đã làm dấy lên làn sóng phẫn nộ khắp nước Pháp sau khi đăng bài viết, được cho là của một nhà ngoại giao Trung Quốc ở Paris, nói rằng nhân viên viện dưỡng lão bỏ mặc người già đến chết. Bài viết cũng cáo buộc giới chức Đài Loan, những người mà một số nhà lập pháp của Pháp ủng hộ, đã sử dụng lời lẽ phân biệt chủng tộc khi cáo buộc tổng giám đốc WHO. Đài Loan sau đó phủ nhận cáo buộc này.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Paris sau đó đăng bài đính chính rằng bài viết không ám chỉ viện dưỡng lão ở Pháp và không cáo buộc các nhà lập pháp Pháp sử dụng lời lẽ phân biệt.
Trên Twitter, đại sứ quán Trung Quốc đã tranh luận và chặn một nhà phê bình. Họ cũng bấm nút "thích" nhiều bài đăng chỉ trích các nước phương Tây, bao gồm một bài viết nói các nước dân chủ thất bại trong điều trị bệnh nhân.
Trong bài phỏng vấn tháng 4 với L'Opinion, ông Lô bác bỏ tuyên bố chính sách ngoại giao Trung Quốc đang trở nên "hung hăng" hơn. "Nói đúng hơn, nó là một hình thức ngoại giao chủ động", ông nói.
"Trung Quốc đã có rất nhiều bước tiến bởi họ có nhiều nguồn tài nguyên, nhưng cách tiếp cận này khiến họ không có nhiều bạn", Oriana Skylar Mastro, phó giáo sư tại Đại học Georgetown, chuyên nghiên cứu về chính sách an ninh Trung Quốc, cho biết.
Các nhà ngoại giao kỳ cựu Trung Quốc đã bắt đầu tỏ ra không ủng hộ với chính sách "chiến lang". Phó Oánh, thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc giai đoạn 2009-2013, hồi tháng 4 viết một bài bình luận nhấn mạnh rằng Bắc Kinh phải chú ý đến cách khán giả quốc tế tiếp nhận những thông điệp của họ.
"Sức mạnh của một quốc gia trong giao tiếp quốc tế không chỉ liên quan tới quyền được lên tiếng trên vũ đài quốc tế mà còn là hiệu quả và tầm ảnh hưởng của tiếng nói đó", bà Phó cho hay.
Viên Nam Sinh, nhà ngoại giao đã về hưu và từng là đại sứ ở Zimbabwe, tổng lãnh sự tại San Francisco, cho biết chính sách ngoại giao của Trung Quốc nên "mạnh mẽ hơn", chứ không phải là trở nên "gay gắt" hơn.
"Lịch sử đã chứng minh khi chính sách ngoại giao bị dư luận tấn công, nó sẽ không tránh khỏi kết cục thảm hại", ông nói.
Thanh Tâm (Theo WSJ)