Nhiều đội ngũ chuyên gia đã được Trung Quốc cử tới Campuchia, Philippines, Myanmar, Pakistan và sắp tới là Malaysia để chia sẻ kiến thức cùng kinh nghiệm đối phó dịch bệnh.
Bắc Kinh đã quyên góp hoặc tài trợ số lượng lớn khẩu trang y tế và máy thở cho hàng loạt nước đang cần chúng nhất. Và dù các trang thiết bị, vật tư y tế Trung Quốc không đủ điều kiện đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng của phương Tây, nó vẫn được đón nhận ở phần lớn các quốc gia châu Á.
Trung Quốc đồng thời tổ chức các "cuộc họp đặc biệt" trực tuyến với những láng giềng châu Á, gần đây nhất là cuộc họp hôm 14/4 khi Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường trình bày những kinh nghiệm của Bắc Kinh trong nỗ lực đẩy lùi dịch bệnh và tái khởi động nền kinh tế đang đình trệ với các lãnh đạo ASEAN, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Không ít chính trị gia phương Tây đã công khai đặt dấu hỏi về trách nhiệm của Bắc Kinh trong đại dịch và cách họ xử lý khủng hoảng sau đó. Tuy nhiên, các lãnh đạo châu Á, bao gồm Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, ngần ngại đổ lỗi cho Bắc Kinh. Bản thân họ cũng đang đối mặt với chỉ trích ở trong nước vì không sớm đóng cửa biên giới với Trung Quốc nhằm ngăn virus xâm nhập.
Một quan chức ở châu Á cho hay giữa lúc virus lan toàn cầu, tạo nên cơn khủng hoảng rộng khắp, sự chú ý đã không còn tập trung vào giai đoạn đầu của đợt bùng phát, khi những tiếng nói bất bình trong cộng đồng được phát đi rõ ràng nhất.
"Giờ đây, tất cả mọi người chỉ muốn vượt qua cách ly", ông nói. "Trung Quốc rất hữu ích đối với chúng tôi. Họ còn gần với chúng tôi nên việc nhận các lô hàng cũng dễ dàng hơn. Vật tư y tế vẫn tiếp tục được chuyển đến, thứ chúng tôi đang rất cần".
Quan chức trên cho biết dù đội ngũ chuyên gia Bắc Kinh cử tới chủ yếu chỉ quan sát và đưa ra lời khuyên, hành động đó vẫn được coi trọng.
Một quan chức châu Á khác nhận xét phản ứng chậm trễ của phương Tây trong xử lý Covid-19 đã mang đến lợi thế cho Trung Quốc mặc dù ban đầu họ được cho là không minh bạch về dịch bệnh.
"Phương Tây không làm tốt (trong nỗ lực dập dịch)", ông nói và thêm rằng chính phủ của ông đã học tập Trung Quốc, sử dụng tuyên truyền để định hướng dư luận và thúc đẩy lòng yêu nước giữa thời kỳ khủng hoảng.
"Vì dịch bệnh bùng phát đầu tiên ở Trung Quốc, nó giúp chúng tôi có thêm thời gian để quan sát xem cách làm nào hiệu quả tại Trung Quốc và ứng dụng chúng cho nước mình", ông này nói.
Các chuyên gia tại châu Á nhận định chiến dịch "ngoại giao khẩu trang" của Bắc Kinh nhằm xây dựng lại hình ảnh sau Covid-19 rõ ràng gặp phải ít kháng cự hơn ở khu vực.
"Khoảng hai tháng qua, Trung Quốc, sau khi kiểm soát thành công Covid-19, đã phối hợp nhiều nỗ lực để định hình lại dư luận, dập tắt những tiếng nói cho rằng Trung Quốc phải chịu trách nhiệm với đại dịch toàn cầu hiện nay và rằng Trung Quốc phải bồi thường các quốc gia khác", Richard Heydarian, cựu cố vấn chính sách của chính phủ Philippines, nói.
Shahriman Lockman, nhà phân tích cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh tại Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Malaysia, đánh giá trong khi Mỹ phải loay hoay xử lý khủng hoảng của riêng mình, Trung Quốc đã tìm ra mảnh đất màu mỡ tại Đông Nam Á giúp họ nuôi dưỡng hình ảnh như một người sẵn sàng ra tay giúp đỡ.
Những chuyến hàng viện trợ thiết bị, vật tư y tế được quảng bá rộng rãi từ Trung Quốc càng bồi đắp thêm cho danh tiếng này. Theo Lockman, chính phủ Trung Quốc "còn khá thành công khi xây dựng nhận thức chung ở Đông Nam Á về cách họ đối phó với đại dịch dù ngày càng xuất hiện nhiều bằng chứng cho thấy họ hoàn toàn có thể phản ứng nhanh chóng hơn ở thời điểm dịch mới bùng phát tại Vũ Hán".
"Khả năng và ý chí xây dựng bệnh viện từ đầu cùng việc Trung Quốc mạnh tay áp đặt lệnh phong tỏa đối với hàng trăm triệu người đang được so sánh với cách phản ứng hỗn loạn và thiếu quyết đoán ở phương Tây, đặc biệt là tại Anh và Mỹ", ông cho biết thêm.
Aaron Connelly, nhà nghiên cứu về thay đổi chính sách và chính sách đối ngoại Đông Nam Á tại Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế trụ sở Singapore, cho rằng sự phụ thuộc của các nước châu Á vào Trung Quốc là nguyên nhân chính khiến họ ngần ngại lên tiếng đổ lỗi cho Bắc Kinh.
"Tôi thấy hầu hết giới tinh hoa chính trị và kinh doanh ở Đông Nam Á đều bỏ qua cho Bắc Kinh trước hành động che đậy thông tin ban đầu về dịch bệnh, đồng thời ca ngợi biện pháp phong tỏa toàn quốc mà họ đưa ra sau đó", Connelly nói. "Đây có thể là lý do thúc đẩy, bởi giới tinh hoa này thực sự phụ thuộc vào thương mại và đầu tư với Trung Quốc. Họ không nhìn thấy nhiều lợi ích khi chỉ trích Trung Quốc", Connelly nhấn mạnh.
Vũ Hoàng (Theo SCMP)