Liệu Trung Quốc là nạn nhân, đã kiểm soát khéo léo một dịch bệnh chết người không thể lường trước và nay đang hỗ trợ các quốc gia khác chống dịch, hay là bên phải chịu trách nhiệm vì che giấu thông tin, khiến dịch bệnh lan khắp toàn cầu?
Trung Quốc đang nỗ lực truyền bá quan điểm đầu tiên. Bắc Kinh đã hỗ trợ lượng lớn vật tư y tế cho một số nước ở châu Âu và châu Phi. Trung Quốc còn nhận được lời khen ngợi từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vì phản ứng của họ trước Covid-19, giúp họ phục hồi nhanh chóng, trái ngược với nhiều nơi trên thế giới hiện phải chật vật đối phó với dịch bệnh.
Cuộc khủng hoảng Covid-19 mang đến cơ hội để Trung Quốc củng cố vị thế với tư cách một cường quốc và một lãnh đạo toàn cầu, đặc biệt khi mà Mỹ đang gặp khó khăn trong nỗ lực chống dịch và Tổng thống Donald Trump đang dần xa lánh các đồng minh với cách tiếp cận đặt nước Mỹ lên hàng đầu trước khủng hoảng.
Tuy nhiên, giới chuyên gia đánh giá Bắc Kinh khó lòng tránh khỏi những hoài nghi sâu sắc và chỉ trích gay gắt, chủ yếu từ Washington, nhưng không phải duy nhất, vì sự trì hoãn trong công tác ứng phó dịch bệnh ở những ngày đầu, làm mất đi cơ hội vàng ngăn chặn virus lây lan. Mặt khác, các số liệu liên quan đến Covid-19 mà Trung Quốc công bố cũng bị cho là không đáng tin.
Quyết tâm không để vuột mất cơ hội và xua tan những ý nghĩ cho rằng họ là "kẻ xấu", giới lãnh đạo Trung Quốc đang đáp trả các ý kiến chỉ trích đầy mạnh bạo và thường đi kèm với thái độ tức giận. Nó được thúc đẩy không chỉ bởi truyền thông nhà nước mà còn nhờ hàng loạt nhà ngoại giao thường xuyên truyền những thông điệp tích cực về cách Trung Quốc ứng phó với dịch bệnh tới các "khán giả" nước ngoài thông qua nền tảng mạng xã hội Twitter hay Facebook.
Cách đây không lâu, khi xuất hiện những thông tin về việc người châu Phi bị phân biệt đối xử ở phía nam Trung Quốc vì nỗi lo sợ nCoV làm dấy lên làn sóng chỉ trích và tâm lý quan ngại từ một số chính phủ châu Phi, Bắc Kinh được kỳ vọng sẽ thể hiện tinh thần sẵn sàng nghiêm túc xử lý sự việc.
Trung Quốc những năm gần đây đã đầu tư hàng tỷ USD nhằm tăng cường quan hệ kinh tế, ngoại giao trên khắp lục địa châu Phi và lâu nay luôn tự hào rằng họ đã góp phần không nhỏ thúc đẩy sự phát triển của các nước trong khu vực.
Tuy nhiên, thay vì lên án những hành vi bài châu Phi, các nhà ngoại giao và truyền thông nhà nước Trung Quốc lại đáp trả mạnh mẽ những thông tin này, cáo buộc truyền thông phương Tây và chính phủ Mỹ tìm cách chia cắt mối quan hệ giữa Bắc Kinh và các đồng minh châu Phi. Vài ngày qua, một số người còn chỉ trích truyền thông châu Phi vì bị các bản tin từ truyền thông quốc tế "lừa phỉnh".
"Tình bạn truyền thống Trung Quốc - châu Phi sẽ không bao giờ bị sứt mẻ bởi hành vi xúi giục của một số thế lực", giám đốc Văn phòng Thông tin Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh hôm 15/4 viết trên Twitter.
Trước đó, vẫn trên Twitter, bà cáo buộc Bộ Ngoại giao Mỹ nói dối về những thông tin phân biệt chủng tộc và thêm rằng "Người Mỹ gốc Á cũng bị phân biệt trong đại dịch, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ giải thích như thế nào?".
Bà Hoa gần đây mới gia nhập Twitter và chỉ có một số nhà ngoại giao và quan chức Bộ Ngoại giao Trung Quốc sử dụng nền tảng này để truyền đi các thông điệp.
Người tiên phong áp dụng cách tiếp cận trên là Triệu Lập Kiên, cấp dưới của bà. Trong đại dịch, ông là tiếng nói chính bảo vệ Trung Quốc, đồng thời chỉ trích cách phương Tây đối phó với virus. Hồi tháng ba, Washington đã triệu tập đại sứ Trung Quốc tại Mỹ để phàn nàn về các dòng tweet mà Triệu đăng tải, ngụ ý rằng quân đội Mỹ có thể đã mang nCoV tới Vũ Hán, nơi những ca nhiễm đầu tiên được phát hiện.
Trong khi truyền thông nhà nước Trung Quốc giữ một giọng điệu có phần quyết liệt, các nhà ngoại giao nước này thường bình tĩnh và khéo léo hơn, ít nhất là trước công chúng.
"Các nhà ngoại giao Trung Quốc từ lâu được biết bởi sự bảo thủ, kín tiếng", báo Global Times tuần qua viết. "Trên trường quốc tế, các nhà ngoại giao của chúng ta được cho là những người bí ẩn và người dân Trung Quốc bị mô tả là 'khó hiểu'. Nhưng đó là khi chúng ta đối diện với ít nghịch cảnh hơn hoặc không cần phải chống lại những lời chỉ trích không phù hợp từ phương Tây".
Năm ngoái, bà Hoa viết bài trên một tạp chí, kêu gọi các nhà ngoại giao nâng cao "tinh thần chiến đấu" và "tăng cường tiếng nói của Trung Quốc ở nước ngoài". Thông điệp này được Ngoại trưởng Vương Nghị nhắc lại tại một cuộc họp với các nhà ngoại giao hàng đầu hồi tháng 12.
Mang "tinh thần chiến đấu" lên Twitter "chỉ là phần mới nhất của một dự án dài hơi", chuyên gia phân tích Mareike Ohlberg năm ngoái viết trong báo cáo được Viện Mercator về Nghiên cứu Trung Quốc đăng tải. "Mục tiêu của đảng Cộng sản Trung Quốc vẫn là thay đổi quan điểm trên khắp thế giới về Trung Quốc, đưa chúng tiệm cận với quan điểm mà họ mong muốn. Ý định của họ là thay đổi dần các cuộc tranh luận và tăng 'sức mạnh diễn ngôn' của đảng".
"Khi Trung Quốc vươn lên và tiến gần đến trung tâm sân khấu thế giới, một phần nhờ sự suy yếu của phương Tây, nhiều quốc gia phương Tây đang cảm thấy không thoải mái. Đây là động cơ sau những cáo buộc không chính đáng của họ đối với Trung Quốc", báo Global Times viết. "Khi các nhà ngoại giao phương Tây bị thất thế, họ sẽ được nếm cái gọi là ngoại giao 'Chiến lang' của Trung Quốc".
"Chiến lang" là loạt phim hành động nổi tiếng Trung Quốc, trong đó quân đội Trung Quốc thực hiện hàng loạt các chiến dịch táo bạo trên toàn cầu.
Tầm quan trọng của việc chuyển hướng các cuộc thảo luận liên quan đến nCoV và cách Trung Quốc phản ứng với dịch bệnh đã rõ ràng. Điều này giải thích cho câu hỏi vì sao cách tiếp cận quyết liệt, mạnh mẽ, như một số nhà ngoại giao Trung Quốc đang thực hiện lại được Bắc Kinh trọng dụng, chuyên gia nhận định.
Theo James Green, nhà nghiên cứu cấp cao tại Đại học Georgetown, "để khiến dư luận không tập trung vào cách xử lý tồi tệ của họ khi dịch mới khởi phát ở Vũ Hán cũng như những mất mát về sinh mạng và thiệt hại kinh tế trong nước, bộ máy tuyên truyền của đảng Cộng sản Trung Quốc đang tích cực truyền đi thông điệp mới: Trung Quốc và đảng Cộng sản nước này đang cứu thế giới khỏi tai họa nCoV và thế giới cần biết ơn vì điều đó".
Natasha Kassam, nhà nghiên cứu tại Viện Lowy ở Sydney chỉ ra rằng "vài tiếng nói tích cực nhất trên Twitter về sau đã được khen thưởng bằng việc thăng chức", trong đó có ông Triệu và cựu đại sứ Trung Quốc tại Nam Phi Lâm Tùng Thiêm.
Jeff Moon, cựu quan chức ngoại giao Mỹ chuyên về Trung Quốc, nhận định "điều thay đổi không phải là bản chất hay giọng điệu ngoại giao công chúng của Trung Quốc mà thực chất là chúng ta đã nhìn nhận các thông điệp tuyên truyền từ Trung Quốc nghiêm túc hơn bởi ảnh hưởng toàn cầu ngày càng tăng của họ".
Theo Moon, phương pháp tiếp cận quyết liệt hiện nay mà các nhà ngoại giao Trung Quốc thực hiện dường như là một sự quay trở lại quá khứ, khi các đại diện Bắc Kinh cáo buộc Washington tìm cách thay đổi chế độ của Trung Quốc.
"Các nước khác không coi trọng những tuyên bố như vậy cho đến khi chúng bắt đầu có tác động rõ rệt đến các vấn đề thế giới", Moon nói. "Cuộc khủng hoảng Covid-19 là ví dụ mới nhất và rõ ràng nhất về cách mà các tuyên bố chính sách của Trung Quốc tác động tới thế giới. Đang có một thế hệ những quan chức Trung Quốc mới, sử dụng Twitter và các công cụ khác đầy quyết liệt, nhưng đó là sự thay đổi chiến thuật, không phải chiến lược", ông nhấn mạnh.
Vũ Hoàng (Theo CNN)